Đón đợi lễ hội dâu da đỏ tại An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn nhị sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 7-9 tại thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, thị xã An Khê. Đến với lễ hội, du khách sẽ có cơ hội tham quan, chiêm ngưỡng vườn dâu da trĩu quả đỏ rực, hòa mình vào không khí nhộn nhịp của phiên chợ quê và tìm hiểu lịch sử-văn hóa con người nơi đây.
Theo các tư liệu lịch sử, khoảng đầu thế kỷ XVII, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo đã có sự hiện diện của người Kinh đến khai khẩn đất hoang, lập lên làng xã, trong đó lâu đời nhất có thể kể đến vùng Tây Sơn nhất (phường Tây Sơn) và Tây Sơn nhị (xã Cửu An).
Làm du lịch từ vườn dâu da
Cây dâu da đỏ có tên gọi khác là cây đỏ hoặc cây chua, có nơi gọi là dâu da đất. Dâu da đỏ được người dân thôn An Điền Bắc mang từ rừng về trồng trong vườn nhà từ những năm 60 của thế kỷ trước. Vào tháng 8, tháng 9 hàng năm, khi dâu da bước vào thời kỳ thu hoạch, quả chuyển hẳn sang màu đỏ phủ kín từ gốc đến các cành nhánh, rất bắt mắt. Ông Phan Trinh (thôn An Điền Bắc) chia sẻ: “Vườn nhà tôi có 40 cây dâu da đỏ. Trong xóm cũng còn 4 nhà có vườn dâu da. Mùa dâu chín, rất đông khách đến thưởng ngoạn, chụp hình và thưởng thức dâu chín. Năm ngoái, bình quân mỗi ngày vườn nhà tôi đón khoảng 150-200 khách đến tham quan. Khi ra về, mỗi người mua một ít về ăn hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm một khoản thu nhập”.
Nhận thấy tiềm năng du lịch từ những vườn dâu da cũng như cơ hội quảng bá văn hóa, con người Cửu An đến với du khách bốn phương, đây là năm đầu tiên xã Cửu An tổ chức lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn nhị An Khê 2019. “Được sự cho phép của chính quyền thị xã An Khê, xã Cửu An đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội với điểm nhấn là những vườn dâu da đỏ. Dựa trên dự án “Khôi phục và phát triển cây dâu da bản địa gắn với phát triển du lịch địa phương”, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã và các phòng ban chuyên môn hỗ trợ các hộ dân có vườn dâu phương pháp chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, tỉa cành tạo tán cho cây và cách thức tiếp đón khách du lịch đến tham quan vườn cây”-ông Lưu Trung Dũng-Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho biết.
 Vườn dâu da đỏ thu hút khách du lịch. Ảnh: N.M
Vườn dâu da đỏ thu hút khách du lịch. Ảnh: N.M
Theo ông Dũng, tham gia lễ hội dâu da đỏ năm nay có 5 hộ dân ở thôn An Điền Bắc với hơn 170 cây. Những vườn dâu da nằm sát nhau, đường đi trong thôn phần lớn đã được bê tông hoặc san gạt bằng phẳng tạo thuận lợi cho du khách. “Đến thời điểm này, các hộ dân đã phát dọn cỏ dại, tạo không gian sạch sẽ, thoáng đãng, sẵn sàng đón khách thăm vườn”-ông Dũng cho biết thêm.
Nhiều hoạt động bên lề
Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra lễ hội, song song với hoạt động hướng dẫn du khách đến tham quan các vườn dâu da đỏ, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, múa võ cổ truyền, biểu diễn cồng chiêng tại Trường Tiểu học Đỗ Trạc. Trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn An Điền Bắc (cách các vườn dâu khoảng 200 m) sẽ là nơi diễn ra phiên chợ quê. Tại đây, Ban tổ chức bố trí 11 gian hàng trưng bày giới thiệu và bán các loại nông sản của địa phương gồm: gạo đồng, bánh tráng, bún khô, trứng vịt chạy đồng, gà thả vườn, cá đồng và một số loại trái cây như mít, thanh long… Hoạt động này nhằm tái hiện cảnh trao đổi hàng hóa, giao thương giữa người dân vùng Tây Sơn Hạ đạo với Tây Sơn Thượng đạo thời xa xưa.
Riêng khu ẩm thực được bố trí tại khu vực bàu Mười Thiên, cách địa điểm tổ chức phiên chợ khoảng 500 m. Giữa không gian yên bình, thoáng mát, trong những chòi tranh tre nứa lá, du khách vừa ngắm khung cảnh ruộng đồng lúa non xanh mởn, vừa thưởng thức các món ăn dân dã như: gà nướng, cá nướng trui, cá đồng nấu lá giang, bánh cuốn, cháo cá, cháo vịt, cháo gà… Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia câu cá, chế biến món ăn cùng gia chủ. Ông Đặng Hùng-chủ bàu Mười Thiên-bộc bạch: “Khi câu được cá, du khách yêu cầu làm món gì chúng tôi sẵn sàng phục vụ. Gia đình tôi cũng đang làm một cái cầu tre bắc ngang qua bàu để du khách có thể thả bộ hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh thôn quê”.
Ngoài ra, để lễ hội thêm phần phong phú, sinh động, xã Cửu An còn mời Câu lạc bộ Thư pháp Tre Việt (phường Ngô Mây) trưng bày các tác phẩm đá khắc chữ thư pháp; đá viết chữ thư pháp kết hợp với cây bon sai mi ni; các loại rau, củ, quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của phường An Bình, các sản phẩm thảo dược, cà gai leo của xã Tú An…
Trao đổi với P.V, ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết: Cửu An vốn là cái nôi của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, hiện còn rất nhiều di tích như: Gò Kho (nơi tích lũy lương thực), Gò Trại (nơi lập doanh trại của nghĩa quân), Gò Đồn (nơi đóng đồn của nghĩa quân). Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có những điểm đến tâm linh như: dinh Bà, đình Cửu An, chùa Quang Minh… “Việc tổ chức lễ hội dâu da đỏ Cửu An-Tây Sơn nhị An Khê năm 2019 sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của vùng đất Cửu An; khích lệ nhân dân tham gia vào chuỗi hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, lễ hội là dịp để xã Cửu An quảng bá, giới thiệu tiềm năng, bản sắc văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch trong và ngoài địa phương, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Hà thông tin thêm.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

Ổn định đời sống người dân vùng sạt lở

(GLO)- Cùng với việc UBND tỉnh Gia Lai công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở một số khu vực sạt lở nguy hiểm trên địa bàn huyện Ia Pa, dự án xây bờ kè chống sạt lở cũng được triển khai nhằm ổn định đời sống người dân.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).