Ấn tượng Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo đuổi việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa cổ truyền Tây Nguyên tính đến nay đã xấp xỉ 40 năm, vậy mà tôi vẫn mê những lễ hội cấp huyện. Dẫu có thể còn nhiều sơ sót trong công tác tổ chức, nhưng ở đó người yêu Tây Nguyên sẽ bắt gặp được những gì nguyên sơ, nguyên bản của văn hóa bản địa và cả những tấm lòng chân thật rất đáng trân quý. Đấy là lý do tôi đến với Ngày hội Du lịch huyện Kbang lần thứ 2-2019 tổ chức mới đây. Để rồi có những ấn tượng thật khó quên.
Là một huyện cách trung tâm tỉnh tới hơn 100 km, lại ngoặt vào sâu phía chân núi, nhưng nhờ con đường Trường Sơn Đông mà bộ mặt phố thị Kbang cũng rất khang trang. Công viên trung tâm thị trấn mát mẻ nước hồ và non xanh cây cỏ, là nơi trưng bày hàng thủ công, hàng nông sản, kể cả ẩm thực với những gì được coi là đặc sản của huyện. Mỗi xã một gian với các sản phẩm nông nghiệp như: bơ, nhãn, xoài, gạo, đậu đỗ các loại, rồi cà phê, ca cao, mắc ca, mật ong… Những quầy hàng thủ công có vẻ cuốn hút hơn với những chiếc gùi mây đan cài công phu hay những ghè rượu, những tấm vải, chiếc túi và bộ trang phục Bahnar. Dãy gian hàng ẩm thực của bà con các làng thơm lừng mùi gà, heo nướng và cơm lam… gần như lúc nào cũng chật cứng khách.
  Các  nghệ nhân  trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2019. Ảnh: Đ.T
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2019. Ảnh: Đ.T
Kbang mời gọi và đón du khách bằng 2 dàn chiêng độc đáo thuộc nhóm Bahnar Kon Kơ đeh và nhóm Bahnar Bnâm. Lấy màu chàm nhạt làm chủ đạo, các thiếu nữ tuổi đôi mươi xinh đẹp nhóm Bahnar Kon Kơ đeh trong bộ váy áo dày đặc hoa văn (thậm chí chiếm tới 1/3 bộ trang phục), điệu đàng với chiếc áo duyên dáng có tay đính hờ trên vai chứ chẳng mặc vào. Cứ là khoe đấy những cánh tay trần tròn lẳn, nâu mượt. Còn đội múa nữ thiếu nhi thuộc nhóm Bahnar Bnâm dường như nghiêm chỉnh hơn trong bộ váy áo dài kín đáo nhưng động tác múa lại vô cùng uyển chuyển. Họ cùng sánh vai với dàn chiêng của những chàng trai và thiếu niên khố dài, áo cộc cổ xẻ, khoe rốn, hỉ hả những nụ cười. Đấy nhé, mới là 2 nhóm địa phương của cùng một tộc người, cư trú cùng một huyện, mà trang phục lẫn bài chiêng đã khác nhau về giai điệu và nhịp điệu. Hỏi sao không làm mê hoặc những người yêu Tây Nguyên kia chứ. Tiếng chiêng có lúc chậm rãi (như phần trình bày của một bản giao hưởng thơ) dìu những cánh tay bay lên, lượn xuống, khi lại vô cùng sôi động, giần giật bước chân và nhịp tay của cao trào, lôi kéo gần như toàn bộ du khách đang lang thang quanh những gian hàng gần đó đổ về. Vài chục, không, phải là hàng trăm chiếc máy ảnh giơ lên nào quay, nào tanh tách chụp. Cả những bé em vòng ngoài nhún nhảy bước chân theo đội múa… Cứ thế, họ theo 2 đội chiêng đi vòng quanh công viên. Có đoàn phượt bằng xe máy của mấy chục vị từ Quy Nhơn lên, hăng hái ra phết.
Ít được tiếp xúc với văn hóa Bahnar nên tôi lại càng chăm chú theo dõi sự trình diễn của 2 đội trong đêm khai mạc để rồi nhận ra rằng, gìn giữ không gian văn hóa tới đâu chưa biết, nhưng với việc trao truyền di sản cho thế hệ trẻ, tỉnh Gia Lai đang làm khá tốt. Không chỉ ở các làng, mà còn cả ở các trường nội trú.
Bahnar và Jrai là 2 tộc người có truyền thống xoang tập thể. Do đó, song hành cùng việc luyện tập tấu chiêng của các chàng trai nhỏ tuổi là sự nhuần nhuyễn và điệu nghệ của các bé gái theo từng nhịp điệu. Vẫn còn sót lại rất ít ỏi những động tác múa thuở ban sơ mô phỏng sinh hoạt hàng ngày như hái quả, suốt lúa, vơ cỏ, khỏa nước… thêm vào đó là các động tác chắc chắn không có trong kho tàng cơ bản múa Bahnar mà 2 nghệ sĩ chuyên ngành múa Măng Linh Nga và Lý Sol sưu tầm. Nhưng bản chất của sự dâng hiến và mời gọi đầy nữ tính thì vẫn toát lên đầy đủ, mang lại cho người thưởng lãm cảm giác thật thú vị. Những cô bé ngực mới chũm cau, những chàng trai nhí với chiếc khố bé tẹo nhún nhảy theo nhịp chiêng hoặc các bé múa khil, vỗ trống dẫn đầu đội hình không chỉ toát lên vẻ tự tin mà còn cả niềm kiêu hãnh khó giấu trên gương mặt lẫn thân hình. Đó mới là điều đáng yêu, đáng quý nhất.
Đến làng Stơr của bác Núp, tôi cũng nhận thấy những đổi thay tích cực. Bên những cánh đồng lúa nước xanh miên man, các ngôi nhà xây bên cạnh nhà sàn vẫn là nhà cấp 4 đấy thôi nhưng đã khang trang hơn hẳn lần chúng tôi đến đây 5 năm về trước. Ngôi nhà sinh thời vợ bác Núp ở cùng cô con dâu Giang Kim Năm-vợ Hruk bạn tôi-cũng đã được xây lại, không còn nhếch nhác che bạt tránh mưa đôi chỗ như năm nào. Đặc biệt, Nhà lưu niệm Anh hùng Núp luôn được chăm nom sạch sẽ, trang nghiêm. Lễ ăn cốm mới (sơ mơk) được tổ chức tại đây. Dàn ching chiêng, đội múa nữ, nhất là 2 chú hề nhem nhuốc kia nếu thường xuyên được phục vụ du khách tới tham quan thì thật hay. Bởi hình thức đã thật là độc đáo với dàn cúng ngoài 2 chiếc lá cuốn thành ống đựng cốm, gà và rượu ghè các gia đình mang tới, còn có cả nến, tượng gỗ, hoa bông (không phải hoa thật nhé, mà là những cành tre được kết hoa dâng lên các thần linh… Nghĩa là rất thích mắt và lạ lẫm. Đấy, cứ nhìn anh bạn người Nhật Junichi bay từ TP. Hồ Chí Minh ra, ngày lăn lóc với lễ hội, đêm đến lại say mê nghe đàn hát dân ca Bahnar cũng đủ thấy văn hóa Tây Nguyên hấp dẫn đến mức nào. Chỉ tiếc rằng do thay đổi lịch mà không có sự thông báo nên ngoài Ban tổ chức và bà con trong làng, rất ít du khách được thưởng lãm.
Kbang là huyện có nhiều danh lam thắng cảnh như các thác Hang Dơi, Kon Lôk, Hang Én… hùng vĩ nơi những cánh rừng nguyên sinh; có Di tích Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu, Làng kháng chiến Stơr… Đặc biệt là truyền thống văn hóa đậm đặc Bahnar mà mới chỉ 3 ngày trải nghiệm chúng tôi đã mê tít. Với sự quyết tâm của lãnh đạo huyện cùng người dân thế này, chắc chắn nơi đây sẽ thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Bạn đã đến Kbang chưa? Nếu chưa thì hãy lên xe đi thôi.
 LINH NGA NIÊ KDAM

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.