Cây cầu nhỏ, ý nghĩa lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với địa hình phức tạp và có nhiều khe suối, vào mùa mưa lũ, nhiều làng trên địa bàn xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) thường xuyên bị cô lập. Vì vậy, khi chiếc cầu treo nối làng Kon Ktonh với trung tâm xã hoàn thành, dân làng ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông, cây cầu này còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Ngày 25-3, tại làng Kon Ktonh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với nhóm công tác xã hội “GL” TP. Hồ Chí Minh và Huyện Đoàn Kbang đã khánh thành và bàn giao công trình hạ tầng nông thôn-cầu dân sinh.
 Cắt băng khánh thành cầu treo qua làng Kon Ktonh (xã Kon Pne, huyện Kbang).  Ảnh: Hà Phương
Cắt băng khánh thành cầu treo qua làng Kon Ktonh (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: Hà Phương
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn: “Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn rất vui mừng khi đã kết nối được với các Mạnh Thường Quân để cùng đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn giúp đỡ người dân. Cầu Kon Pne là công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chào mừng đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ VII (2019-2024). Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, vận động các nhà hảo tâm để giúp đỡ những buôn làng còn khó khăn”. 

Sau gần 4 tháng thi công, cầu treo xã Kon Pne đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cầu có tổng mức đầu tư trên 450 triệu đồng, trong đó nhóm công tác xã hội “GL” TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 200 triệu đồng, chính quyền địa phương đầu tư 250 triệu đồng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản. Ngoài ra, người dân địa phương tham gia góp gỗ làm cầu trị giá 15 triệu đồng. Cầu treo có chiều dài 50 m, có móng trụ tháp bằng bê tông cốt thép, phục vụ nhu cầu đi lại của 164 hộ dân của làng Kon Ktonh.
Ông Trần Hữu Trí-Bí thư Quận ủy quận 12 (TP. Hồ Chí Minh), đại diện nhóm công tác xã hội “GL”-cho biết: “Chúng tôi rất vui khi đến dự lễ khánh thành cầu dân sinh tại xã Kon Pne. Cách đây 2 năm, khi đoàn đến đây tặng quà, khám bệnh và phát thuốc cho người dân, lãnh đạo xã có giới thiệu về hiện trạng cây cầu này và mong đoàn góp sức làm cây cầu mới. Sau gần 4 tháng thi công, giờ đây xã đã có cây cầu mới, chắc chắn, giúp cho người dân thuận tiện trong giao thông, vận chuyển nông sản, các cháu học sinh đi học được an toàn”.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Đinh Liunh-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-vui mừng cho biết: “Dân làng Kon Ktonh nói riêng và xã Kon Pne nói chung rất phấn khởi vì trước đây xe cộ không thể qua được cây cầu này, giờ thì thuận lợi hơn nhiều rồi. Có cầu mới, việc sản xuất, vận chuyển nông sản sẽ dễ dàng hơn, học sinh không còn phải nghỉ học mỗi đợt mưa lũ nữa”. Đứng trên cây cầu mới, ông Hiên (làng Kon Ktonh) nở nụ cười sảng khoái: “Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng niềm mơ ước của chúng tôi đã trở thành hiện thực. Vậy là từ giờ trở đi, chúng tôi không còn rùng mình mỗi lần di chuyển qua chiếc cầu tre chòng chành, xập xệ để qua sông nữa”.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-chia sẻ: “Lâu nay, bà con làng Kon Ktonh khi qua sông suối đến trung tâm xã gặp rất nhiều khó khăn do chỉ có cầu tạm. Thời gian qua, với sự vận động của Tỉnh Đoàn, nhóm công tác xã hội “GL” TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ địa phương xây dựng cây cầu này. Thay mặt huyện nhà, tôi đánh giá rất cao tinh thần tương thân tương ái dành cho vùng sâu, vùng xa. Cây cầu tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Với tinh thần đó, chúng tôi rất mong muốn trong thời gian tới Tỉnh Đoàn tiếp tục phối hợp với nhiều nhóm công tác xã hội trên toàn quốc để chung tay giúp đỡ các xã vùng khó, cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa vùng sâu và vùng thuận lợi”.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Bok Núp được biết đến nhiều với vai trò là một vị anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn kể về một bok Núp ở làng-một già làng, một nông dân thực thụ, một người yêu và thấm đẫm chất văn hóa Bahnar.