Ký ức về thị trấn ven sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đời mình, hẳn mỗi chúng ta đã từng đi qua rất nhiều vùng quê, miền đất. Năm tháng qua đi, nhiều nơi ta đã quên, nhưng có những nơi vẫn để lại trong tâm trí cả một miền ký ức. Thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro, Gia Lai) là một địa danh như thế trong tôi.
  Một góc thị trấn Kông Chro.  Ảnh: Cao Nguyên
Một góc thị trấn Kông Chro. Ảnh: Cao Nguyên
Mới đây, tôi có dịp trở lại thị trấn Kông Chro. Thị trấn nằm ven sông Ba này đang trên đà phát triển, mang đầy khí thế của một đô thị sầm uất. Nhìn cảnh nay nhớ chuyện xưa và bao kỷ niệm về Kông Chro ngày ấy dội về… Đó là, vào đầu năm 1995, tôi cùng đồng nghiệp ở Báo Gia Lai và Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai đến Kông Chro với nhiệm vụ tìm hiểu để viết về công tác xóa đói giảm nghèo. Là người mới chuyển về Gia Lai công tác nên khi ấy, vùng đất này đối với tôi còn nhiều điều mới lạ. Đêm ngủ lại thị trấn, Chánh Văn phòng Huyện ủy Trần Cao Nguyên (nay là Bí thư Huyện ủy) dẫn chúng tôi về “phòng khách” nghỉ. Nói là phòng khách chứ thật ra là phòng làm việc và cũng là phòng ngủ của anh em cán bộ huyện. Anh đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc chiếu đơn và một cây nến nhỏ, phân trần: “Hôm nay máy phát điện lại hỏng, với lại nếu có phát thì cũng chỉ có điện đến 9 giờ tối thôi, phòng chỉ có một chiếc giường cá nhân, nên anh em thể tất nhé”. Anh Nguyên nán lại, phần để động viên, phần để thanh minh rằng, gọi thị trấn là theo giấy tờ thành lập thị trấn từ năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng, chứ thực tế đơn vị hành chính này được gộp từ phần đất của các làng Nghe Lớn, Nghe Nhỏ (xã Ya Ma) và các làng Hle Ktu, Dơng và Pyang (xã Yang Trung) nên là phố nhưng vẫn rất… làng! Thị trấn chỉ có trụ sở các cơ quan và nhà công vụ (toàn nhà cấp 4), ra hàng quán muốn ăn cơm phải đăng ký trước, về muộn thì chỉ biết thay bữa bằng mì tôm…
Đêm ấy, 4 chúng tôi và anh Nguyên đã gần như không ngủ, nhờ vậy mà hiểu hơn về vùng đất này với bao gian truân, vất vả. Ai về đây cũng chỉ nói đến cái nghèo và chuyện làm sao thoát nghèo. Vị trí huyện lỵ đứng chân chỉ là ngọn đồi đầy gió. Cái nhà đầu tiên cho cán bộ huyện là… nhà bạt. Nghèo từ dân cho đến cán bộ. Sau 20 năm giải phóng mà vẫn chưa có trường THCS, con em cán bộ và dân thị trấn phải gửi ra tận An Khê hoặc về quê để trọ học. Còn học sinh vùng sâu, vùng xa của huyện cũng chỉ học hết Tiểu học. Ngày đầu, thị trấn cũng có quy hoạch và xây một cái chợ đầu mối, nhưng càng vận động càng không mấy ai vào chợ buôn bán, bởi người bán thì có, nhưng người mua thì không (nay thì đã có gần 400 hộ kinh doanh lớn nhỏ). Quy hoạch bến xe cũng có, nhưng đường sá vừa độc đạo vừa xấu nên ở Kông Chro ngày ấy, các xã như những ốc đảo nhỏ, còn huyện là ốc đảo lớn…
Nhưng đó là câu chuyện ngày xưa, thị trấn Kông Chro bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Đêm lưu trú nơi đây đã có nhà nghỉ phòng máy lạnh. Sáng sớm, khu thương mại trung tâm đã nhộn nhịp; nhà hàng lớn, nhỏ tấp nập người qua; trước quán cà phê, cả dãy xe con nối đuôi nhau… rất phố. Chuyện trò với anh Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thì được biết, huyện Kông Chro nói chung, thị trấn Kông Chro nói riêng hiện nay đã đổi thay cơ bản. Những quyết sách đúng của huyện cùng với giao thông phát triển, nhất là con đường Trường Sơn Đông đi qua huyện, đã tạo nhiều cơ hội giao thương. Các nhà đầu tư tìm đến mở doanh nghiệp chăn nuôi lớn, khai thác khoáng sản, làm thủy điện… đã và đang tạo đà mạnh mẽ để huyện phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa-xã hội, làm cơ sở để xóa nghèo bền vững.
Trở lại thị trấn Kông Chro lần này, đứng trên cây cầu nối 2 bờ sông Ba, trong tôi đầy cảm xúc. Làng Nghe Lớn, Nghe Nhỏ và các làng Hle Ktu, Dơng và Pyang ngày nào giờ đã mang tên phố. Thị trấn đã có hệ thống các trường học đủ mọi cấp. Một đô thị hiện hữu, nhộn nhịp, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của huyện Kông Chro hôm nay.
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.