Gặp Chủ tịch Hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là đồng chí Phạm Thuần, một trong những đảng viên đầu tiên của “Chi bộ 9 người”, người có nhiều đóng góp cho việc thành lập Đảng bộ Tây Sơn-tiền thân của Đảng bộ Gia Lai.
Đồng chí Phạm Thuần từng giữ các trọng trách từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là Tỉnh ủy viên đầu tiên, Trưởng ty Công an đầu tiên của Gia Lai (năm 1946). Tuy nhiên, cũng không nhiều người biết rằng, trước đó, đồng chí từng được giao vận động thành lập Hội Thanh niên cứu quốc Gia Lai và được bầu là Chủ tịch Hội Thanh niên cứu quốc đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám.
  Đồng chí Phạm Thuần. Ảnh: Q.N
Đồng chí Phạm Thuần. Ảnh: Q.N
Trong những tài liệu của đồng chí Phạm Thuần được gia đình lưu giữ có ghi lại những thông tin: Sau khi giành được chính quyền ở Gia Lai tháng 8-1945, có rất nhiều vấn đề được đặt ra cho chính quyền cách mạng non trẻ. Gia Lai lúc ấy lại chưa có tổ chức Đảng. Vì thế, Xứ ủy Trung Trung bộ đã cử đặc phái viên lên Gia Lai. Ngay khi đến Gia Lai để xây dựng tổ chức Đảng ở Gia Lai và Kon Tum, đồng chí Phan Thêm-đặc phái viên Xứ ủy Trung Trung bộ-đã tìm cách tập hợp những lãnh đạo trong Đoàn Thanh niên Gia Lai-lực lượng nòng cốt vừa giành chính quyền từ tay sai của ngoại bang. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang, một trong những nhiệm vụ cấp bách trước mắt ở Gia Lai và Kon Tum được đặc phái viên đặt ra là: nhanh chóng xây dựng các đoàn thể cứu quốc; chính thức thành lập Mặt trận Việt Minh; thực hiện chính sách đoàn kết toàn dân, dân tộc và tôn giáo thành một khối đại đoàn kết vững mạnh. Đồng thời ổn định đời sống nhân dân, nhất là công nhân các đồn điền, nông dân ở vùng nông thôn. Chính trong bối cảnh đó, đồng chí Phạm Thuần được đồng chí Phan Thêm dìu dắt và giao nhiệm vụ: vận động thành lập Hội Thanh niên cứu quốc của tỉnh.
Đồng chí Phạm Thuần đã kể lại với những trải nghiệm: “Trước hết, anh Phan Thêm đưa cho tôi bản Điều lệ Hội Thanh niên cứu quốc, giải thích rõ những chương, điều… trong Điều lệ. Anh cũng hướng dẫn cho tôi về công tác và phương pháp trong vận động thanh niên, quần chúng. Nhờ vậy, với những chuyến đi về cơ sở, làng xã, tôi ngày một trưởng thành… Nhờ đó, khi tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên người Kinh cũng như người Thượng, biết thêm về công tác điều tra, tuyên truyền, vận động, tổ chức lãnh đạo và tập dượt hành động cách mạng, qua đây tôi nhận thấy nhiều điều: Đó là lòng yêu nước của quần chúng, nhất là thanh niên luôn nồng nàn, tiên phong. Và điều quan trọng mà tôi rút ra cho bản thân là chính mình phải thật gương mẫu, vươn lên. Tác phong phải gần gũi với quần chúng, đĩnh đạc, nhưng dễ cảm tình và có sức thuyết phục khi diễn thuyết trước đám đông… Cho đến tận sau này, tôi luôn tâm huyết với hình thức tổ chức mít tinh trong công tác vận động quần chúng. Mít tinh dù lớn hay nhỏ ở các buôn, làng và đồn điền đều tập trung hướng vào các nội dung chính: tổ chức học tập, tuyên truyền về lãnh tụ, về mục tiêu của Đảng, nâng cao tinh thần yêu nước, tin vào chế độ mới  ngay tại buổi mít tinh…”.
Theo đồng chí Phạm Thuần, khi đã diễn thuyết, thuyết phục được quần chúng lắng nghe thì sau diễn thuyết rất cần thể hiện quyết tâm như hô vang khẩu hiệu, tuần hành để biểu đạt sự quyết tâm hành động trong quần chúng. “Qua các cuộc mít tinh, tuần hành biểu dương lực lượng, bản thân tôi cũng được truyền cả bầu nhiệt huyết với ý chí sức mạnh của quần chúng, nhất là thanh niên vào trái tim mình”. Có lẽ vì thế mà ông được hội viên Hội Thanh niên cứu quốc bầu vào Ban Chấp hành và trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội vào cuối năm 1945.
Những hồi ức của đồng chí Phạm Thuần đã giúp chúng ta hình dung phần nào hình ảnh của những thủ lĩnh thanh niên ngày ấy: tự tin, nhiệt huyết, băng rừng lội suối, đến với từng nhà, từng người; là hình tượng đầy khí phách khi đứng trên bục cao diễn thuyết trước quần chúng đầy thuyết phục. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến các thủ lĩnh thanh niên trong thời đại hiện nay. Dù vẫn còn đó nhiều trăn trở nhưng họ đã tiếp nối được truyền thống của thế hệ cha anh và biết lĩnh hội, tận dụng những ưu thế của thời đại 4.0 để phát huy sức trẻ.
Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.