Đừng "sáng tạo" cách uống thuốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Con gái tôi mới 5 tuổi nên mỗi lần bệnh, cho cháu uống thuốc là điều rất khó. Để dễ uống, tôi thường cho cháu uống cùng sữa, nước ngọt, nước trái cây…, thậm chí phải nghiền nhỏ thuốc viên hay mở viên nhộng ra hòa tan.

Ngoài ra, tôi từ nhỏ đến giờ hay bị đau bao tử, nên cũng lo con sẽ giống vậy. Trước khi uống thuốc, bao giờ tôi cũng cho cháu ăn no, nếu toa thuốc yêu cầu cách bữa ăn vài giờ thì tôi cũng cho cháu ăn nhẹ rồi mới uống. Thế nhưng, vừa qua, mẹ chồng tôi vào Nam thăm cháu, bảo tôi làm sai và trách… Xin hỏi bác sĩ (BS), làm những cách trên cho dễ uống thuốc có sao không?
 

(Nguyễn Thị Ngọc Thương; 30 tuổi, tỉnh Bình Dương)

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng thành phố (TP. HCM): Thuốc có nhiều chủng loại, trong đó có những thuốc khi gặp một số protein trong sữa sẽ bị vón cục và mất tác dụng. Một số loại khác khi dùng cùng nước có vị ngọt sẽ dẫn đến tình trạng kém hấp thu. Tốt nhất, với tất cả thuốc men, bệnh nhân nên uống cùng nước đun sôi để nguội. Thuốc dạng viên sủi, hòa tan cũng nên hòa tan vào nước mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có một số loại không gặp tác dụng bất lợi như trên khi uống cùng chất lỏng không phải nước lọc. Chỉ có một cách để biết rõ là chị phải hỏi trực tiếp BS kê toa xem loại thuốc đó dùng như thế nào. Nếu không biết rõ, tốt nhất đừng nên "sáng tạo" cách uống thuốc. Với một số loại thuốc, có khi việc uống sữa hay nước trái cây cũng được khuyên nên cách cữ thuốc một thời gian nhất định.

Viên thuốc được chế tạo với hình dáng, chất liệu bao bọc bên ngoài, liều lượng… nhất định nhằm đáp ứng đúng yêu cầu điều trị. Bởi vậy, tự bẻ nhỏ, nghiền nát hay mở viên nhộng ra hòa tan vào nước là không nên. Ví dụ với một viên nhộng cần có tác dụng chậm, phần vỏ được thiết kế để tan dần và đến tận ruột non mới phát huy tác dụng, nếu chúng ta mở nó ra và hòa tan, thuốc sẽ hấp thu mất ở đoạn trên đường tiêu hóa và tác dụng không còn bảo đảm nữa.

Một số tình huống còn nguy hiểm hơn, ví dụ thuốc huyết áp dành cho trẻ em là loại cần tác dụng từ từ, nếu khiến nó phát huy tác dụng quá nhanh sẽ gây hạ đường huyết ngay. Vẫn có một số thuốc có thể bẻ ra để dùng nửa viên, 1/4 viên nhưng không phải loại nào cũng thế, nên tốt nhất chỉ bẻ khi BS yêu cầu.

Tương tự với việc ăn trước khi uống thuốc, đây là sai lầm nhiều người mắc phải vì không phải thuốc nào cũng nên ăn trước khi uống. Có những loại thuốc gây kích ứng bao tử nên BS dặn bệnh nhân uống sau khi ăn để tránh đau bao tử. Nhưng cũng có loại phải dùng khi bụng đói mới hấp thu hoàn toàn được. Và cũng có loại BS phải ghi trên toa là uống trước bữa ăn hay sau bữa ăn bao nhiêu giờ, trước khi đi ngủ hay sau khi ngủ dậy… Chị có thể xem điều này trên toa thuốc và nên tuyệt đối tuân thủ để thuốc con chị dùng có hiệu quả nhất.

Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

34 cán bộ, nhân viên y tế Gia Lai được tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính

(GLO)- Từ ngày 23 đến 25-4, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý suy dinh dưỡng cấp tính cho 34 cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác dinh dưỡng tuyến huyện thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.