Đức Cơ: Chủ động ứng phó với khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là tác động của hiện tượng El Nino, theo dự báo của ngành chức năng, Đức Cơ sẽ có khoảng 1.050 ha cà phê, 61 ha hồ tiêu có khả năng thiếu nước, hơn 310 ha đất trồng lúa nước có nguy cơ thiếu nước, trong đó có 85 ha đất trồng lúa bị khô hạn ngay từ đầu vụ không thể sản xuất… Ngoài ra, còn có khoảng 3.000 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay. Bởi vậy, công tác phòng-chống khô hạn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt được địa phương chú trọng ngay từ đầu mùa khô.

Đức Cơ là một trong những huyện trọng điểm về sản xuất cà phê của tỉnh với trên 5.250 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê trồng mới 120,8 ha, tái canh 86,4 ha, kiến thiết cơ bản 158,5 ha và cà phê kinh doanh là 4.886 ha. Qua đợt kiểm tra, rà soát mới đây của các ngành chức năng, khoảng 1.050 ha cà phê có khả năng thiếu nước tưới đợt 2 và đợt 3. Diện tích có nguy cơ xảy ra thiếu nước thuộc các địa bàn chỉ có suối nhỏ chảy qua, khu vực cạnh tranh nước tưới với cây lúa nước… “Trước tình hình đó, chúng tôi đã tuyên truyền để người dân sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước tưới, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, chủ động nạo vét giếng, hồ, đập… Thực hiện phương pháp tưới nước hợp lý, đúng thời điểm, đảm bảo cho hoa nở đều và đậu trái. Đồng thời, kết hợp ứng dụng các loại chế phẩm sinh học, tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng trong mùa khô hạn. Vận động nhân dân chia sẻ nguồn nước tưới từ những hộ lân cận có nguồn nước dồi dào…”-ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ cho biết.
 

Hồ nước trơ đáy do khô hạn.    Ảnh: L.H
Hồ nước trơ đáy do khô hạn. Ảnh: L.H

Đối với diện tích cà phê trồng mới, cán bộ ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn cho bà con tăng cường tủ gốc giữ ẩm bằng cách đưa các cây cỏ mục, rơm rạ tủ kín xung quanh gốc để chống hạn. Bà con cũng tăng cường sử dụng các loại phân qua lá có hàm lượng các chất vi lượng (đồng, sắt, kẽm, bo, mangan, silic…) để bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cây sinh trưởng và chống hạn tốt.

Bên cạnh cà phê, hồ tiêu là cây trồng có khả năng chịu tác động lớn thứ hai do tình hình hạn hán. Ước tính trong tổng số 615 ha hồ tiêu hiện có trên địa bàn thì có khoảng 61 ha hồ tiêu có khả năng thiếu nước 2-3 đợt vào cuối vụ. Ngoài ra, vụ Đông Xuân 2015-2016, huyện còn có 226,3 ha lúa nước có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, 85 ha đất trồng lúa bị khô hạn ngay từ đầu vụ không thể sản xuất. “Chúng tôi đã đề nghị UBND các xã, thị trấn tổng hợp danh sách các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi cây trồng nhưng thiếu vốn đầu tư để đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí. Trước tình hình khô hạn như hiện nay, bà con có thể chuyển đổi qua trồng bắp, dưa hấu, cà chua, rau, đậu các loại, cỏ phục vụ chăn nuôi… Các chân ruộng đã xảy ra khô hạn ngay từ đầu vụ sẽ kiên quyết không để nhân dân sản xuất lúa nước trong vụ này”-ông Tư chia sẻ thêm.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra do khô hạn, công tác vận động nhân dân triển khai tập trung gieo trồng theo đúng lịch thời vụ được triển khai đến các xã, thị trấn. Nhiều phương án xử lý khi xảy ra hạn cục bộ, hạn trên diện rộng cũng đã được triển khai. Đối với cây lúa nước, trong trường hợp mương nước, hợp thủy bị cạn, không có nguồn nước để bơm sẽ triển khai phương án hỗ trợ nhân dân đào giếng dã chiến tại chỗ để lấy nước chống hạn.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 hộ dân có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 2.055 hộ là người dân tộc thiểu số. “Trước mắt, chúng tôi tuyên truyền cho bà con chủ động nạo vét giếng đào, sử dụng các nguồn nước từ giếng khoan, nước giọt trong làng để tích trữ và quan trọng nhất là sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm, hợp lý. Các đối tượng là người dân tộc thiểu số nghèo đang sinh sống tại các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, huyện dự kiến có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để nạo vét giếng hoặc sử dụng chung nguồn nước với các hộ dân lân cận trong khu dân cư, với mức hỗ trợ khoảng 1 triệu đồng/hộ”-ông Tư cho biết.

Trong trường hợp hạn hán gây thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng, địa phương sẽ huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ vận chuyển nước bồn hỗ trợ nước sinh hoạt kịp thời cho nhân dân.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.