Nhiều diện tích lúa bị chết do khô hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xuống giống bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng khiến hàng trăm ha lúa và hoa màu của người dân huyện Ia Pa lâm vào tình trạng thiếu nước, chết khô.
 

Chưa vào mùa, lúa đã chết khô

Có mặt tại khu vực cánh đồng K’Te, cánh đồng 725, VC1 thuộc xã Ia Trôk (huyện Ia Pa) chúng tôi tận mắt thấy hàng chục ha lúa ngả màu vàng úa, có chân ruộng lúa đã khô bạc phếch, mặt ruộng khô rang, nứt toác thành những rãnh dài.

 

Ruộng khô nứt nẻ, lúa xác xơ vì khô hạn. Ảnh: L.H
Ruộng khô nứt nẻ, lúa xác xơ vì khô hạn. Ảnh: L.H

Nhìn đám ruộng chết khô, ông Rơ Mah The (buôn Trôk, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) thẫn thờ nói: “Hồi tháng 4 thấy có vài trận mưa, đất đủ ẩm, bà con ai cũng đua nhau đi làm ruộng rồi sạ lúa. Lúa lên đẹp, bón một lượt phân rồi nhưng trời nắng hạn kéo dài, thủy lợi không có nước nên giờ lúa chết khô hết, phải bỏ thôi”.

Gia đình ông The sở hữu 7 sào ruộng tại cánh đồng K’Te. Để sạ 7 sào lúa, vụ Đông Xuân vừa qua, vợ chồng ông để dành riêng gần 2 tạ lúa giống. Giống đã vãi hết, giờ lúa chết sạch, không có cơ hội cứu. “Mấy ngày nay mình cho bò ra ruộng ăn lúa luôn, mà bò nó cũng chê. Ở buôn ai cũng gieo lúa sớm như mình, nhà nào cũng sạch thóc giống, không biết vay ai”- ông The nói.

Tương tự, hộ ông Ksor Thiêm cùng ở buôn Trôk cũng đang héo hắt vì lúa chết. “Cả buôn ai cũng gieo sạ nên mình cũng làm theo thôi chứ có biết ngành chức năng khuyến cáo gì đâu. Mình sạ hơn 3 ha lúa, chủ yếu là các giống: TH6, Ma Lâm 49… Giờ lúa chết hết rồi. Tiền thóc giống mình mua hết 5-6 triệu đồng, chưa kể công cán cày bừa, phân bón…”-ông Thiêm cho biết.

Theo người dân ở đây, mọi năm cứ tầm khoảng tháng 5, 6 là bà con đều bắt đầu xuống giống. Năm nay có mưa sớm hơn, đủ nước nên ngay từ tháng 4, nhiều hộ đã đua nhau làm đất sạ lúa. “Đáng lẽ giờ lúa đẻ nhánh mạnh rồi, giờ chết khô. Nơi nào gần nguồn nước, bà con đưa máy ra bơm cứu lúa nhưng chỉ được vài bữa. Nắng quá, cạn nước thì lúa cũng chết theo. Nghe thông báo đầu tháng 7 sẽ có nước về đồng, chắc nhà tôi sẽ đi làm lại ruộng để gieo cấy tiếp chứ không cuối năm biết lấy gì thu”-ông Thiêm chia sẻ thêm.

Chờ nước

 

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, vụ mùa năm nay, toàn huyện Ia Pa gieo trồng 23.812 ha cây trồng vụ mùa, trong đó chủ yếu là lúa 6.435 ha, bắp 2.385 ha, mì 5.660 ha, đậu các loại 1.790 ha, rau 1.360 ha… Tính đến ngày 30-6, các địa phương trong huyện đã hoàn tất gieo trồng được 17.189 ha. Một số xã có diện tích gieo trồng cao như: Pờ Tó 4.044 ha, Chư Răng 2.408 ha, Kim Tân 2.296 ha, Ia Ma Rơn 1.524 ha, Ia Broăi 1.434 ha…

Hiện tại, nhân dân trên địa bàn huyện Ia Pa cơ bản đã hoàn tất việc gieo trồng các loại như: mía, bắp, mì… Nắng hạn kéo dài đã khiến một số diện tích mì non trên địa bàn bị chết rải rác, một số chậm lớn, còi cọc; hiện tại bà con nông dân đều đã tiến hành trồng dặm cho số diện tích bị chết, kém phát triển.

Trước tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện sâu bệnh gây hại cây trồng, ngành Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền cho nhân dân theo dõi sát sao đồng ruộng để chủ động nắm bắt và xử lý sớm với các diễn biến bất thường khi dịch bệnh xảy ra.

Theo ông Nguyễn Văn Diện-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, hiện kế hoạch gieo trồng vụ mùa trên địa bàn huyện áp dụng với cây lúa và các loại cây cần nước khác đã được lùi lại 1 tháng vì lý do thiếu nước sản xuất.

“Tình hình khô hạn khiến lượng nước trong hồ thủy lợi Ayun Hạ xuống dưới mực nước chết, không có nước đưa về đồng ruộng để gieo trồng. Chúng tôi đã khuyến cáo người dân nhưng nhiều nơi vẫn ồ ạt trồng khi có mưa xuống, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng. Theo lịch được thông báo cụ thể thì từ ngày 1-7, Xí nghiệp Thủy nông Đầu mối-Kênh chính Ayun Hạ mới bắt đầu mở cửa xả nước để đưa nước về đồng ruộng cho nhân dân sản xuất vụ mùa”-ông Diện nhấn mạnh.

Đối với phần diện tích lúa đã gieo cấy sớm và bị chết do thiếu nước, ngành chức năng địa phương động viên nhân dân phá bỏ và tiếp tục chuẩn bị lại ruộng đất để khi có nước về đồng thì gieo trồng lại, tránh tình trạng ruộng đất bỏ hoang.

Để đảm bảo cho việc gieo trồng vụ mùa được diễn ra đúng tiến độ, nhân dân các địa phương đang chủ động cày cuốc ruộng đất, chờ nước về để hoàn tất khâu chuẩn bị và tiến hành gieo trồng.

Cũng theo ông Diện: “Nếu gieo trồng quá muộn, mùa thu hoạch sẽ rơi vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa bão, do đó rất khó khăn cho vấn đề thu hoạch, phơi khô và làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng nông sản vụ mùa của bà con nông dân”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.