Kông Chro sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đã chủ động triển khai các phương án, giải pháp nhằm ứng phó với mọi diễn biến phức tạp của thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân khi có sự cố xảy ra...

Cầu Đak Pơ Kơ nối trung tâm huyện Kông Chro với các xã Đak Kơ Ning, Sró từng bị mưa lũ tàn phá. Ảnh: L.A
Cầu Đak Pơ Kơ nối trung tâm huyện Kông Chro với các xã Đak Kơ Ning, Sró từng bị mưa lũ tàn phá. Ảnh: L.A

Kông Chro là địa phương có địa hình đồi núi chia cắt khá phức tạp, tập trung nhiều sông, suối lớn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 4 công trình thủy điện gồm: Đak Srông, Đak Srông A, Đak Srông 2A, Đak Pi Hao (nằm giữa huyện Ia Pa và Kông Chro). Huyện cũng nằm ở vùng hạ lưu của thủy điện An Khê-Ka Nak nên vào mùa mưa bão, đặc biệt là khi các công trình thủy điện xả lũ, nhiều khu vực ở các xã, thị trấn xảy ra tình trạng ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... Tính riêng trong đợt mưa lũ tháng 12-2016, nhiều tuyến đường, cầu cống, ngầm tràn, công trình thủy lợi ở huyện Kông Chro đã bị hư hỏng. Ngoài ra, hơn 700 ha cây trồng các loại của huyện cũng bị thiệt hại hoàn toàn sau thiên tai. Ước tổng thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.
 

Ông Phan Văn Trung-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro: “Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả”, huyện Kông Chro đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN  của các xã, thị trấn và lực lượng chuyên môn thực hiện nghiêm túc chế độ trực thông tin, báo cáo thường xuyên, định kỳ về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của huyện. Rà soát lại các kế hoạch phòng-chống thiên tai để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát với thực tế tình hình địa phương. Tổ chức lực lượng trực ban phòng-chống lụt bão nghiêm túc, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhanh chóng cảnh báo thiên tai đến người dân để kịp thời ứng phó; chuẩn bị nghiêm túc các trang-thiết bị phòng-chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, dự trữ thuốc, lương thực, nhu yếu phẩm đầy đủ để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra…”.

Trước mùa mưa lũ năm 2017, qua báo cáo của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Kông Chro thì hiện tại trên địa bàn huyện có 20 điểm ở 11 xã, thị trấn nằm trong khu vực xung yếu. Trong đó, 7 điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, số hộ dân cần phải di dời khi xảy ra sự cố là hơn 250 hộ; 12 điểm khi mùa mưa lũ đến nước sông, suối dâng cao có khả năng bị ngập úng và chia cắt; 1 điểm có nguy cơ về mưa đá và gió lốc… Vì vậy, ngay từ đầu năm 2017, huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT và TKCN từ huyện đến cơ sở. Đồng thời xây dựng phương án phòng-chống thiên tai cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương để chủ động đối phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của huyện chú trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); phân công nhiệm vụ cụ thể cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn, các phòng chuyên môn, các thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách thôn, làng thường xuyên bám sát địa bàn, rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ. Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, địa phương gia cố lại các công trình giao thông, thủy lợi ở những điểm xung yếu, thường bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; tổ chức ứng trực ở những nơi thường xuyên bị cô lập, lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng ven sông, suối, sườn đồi, hồ, đập để vận động nhân dân không bơi lội qua sông, suối khi nước lũ về; cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để nhân dân phòng tránh; huy động tổng hợp các lực lượng cùng phương tiện để giúp dân di chuyển nhanh ra khỏi vùng thiên tai đến nơi tạm trú an toàn; bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hậu cần, chăm lo đời sống cho người dân ở nơi tạm trú và bảo vệ công trình, tài sản, nhà cửa của nhân dân tại những nơi đã di dời.

Cùng với đó, huyện cũng tích cực tuyên truyền cho nhân dân về nguy cơ gây thiệt hại và những kiến thức, kinh nghiệm ứng phó khi xảy ra thiên tai, giúp người dân nâng cao cảnh giác, kịp thời sơ tán người, tài sản đến vị trí an toàn. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cũng yêu cầu các địa phương phân công lịch trực 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật vào những tháng cao điểm của mùa mưa để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, chủ động chuẩn bị và sử dụng ngân sách địa phương để triển khai công tác phòng-chống thiên tai và hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống…

 Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

Hạn nặng hàng trăm hộ dân Đức Cơ được Công ty 72 dùng xe bồn cấp nước sinh hoạt

(GLO)-

Những ngày này, người dân trên địa bàn làng Sơn và thôn Đức Hưng (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang quay quắt vì hạn, không chỉ thiếu nước sản xuất mà nước sinh hoạt cũng không còn. Trước những khó khăn ấy, Công ty TNHH một thành viên 72 đã huy động xe chở nước miễn phí cho người dân.

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.