Xuất khẩu nông sản bị lừa tới tấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam bị mất tiền, hàng vì quá tin vào đối tác lạ ở nước ngoài.
Thương vụ Việt Nam tại Myanmar mới đây cho biết cơ quan hải quan nước này vừa đưa ra khuyến cáo 2 lô hàng hồ tiêu của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu qua Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar trong 60 ngày kể từ khi nhập cảng sẽ không được tạo điều kiện cho tái xuất về Việt Nam và sẽ tiến hành đấu giá, sung công quỹ.
Cảnh giác với giá cao
Trao đổi với Báo Người Lao Động, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết vẫn chưa nhận được thông tin trực tiếp từ DN xuất hàng sang Myanmar. Tuy nhiên, theo tìm hiểu sơ bộ của hiệp hội, đối tác Myanmar muốn nhập khẩu 2 lô tiêu này để xuất không chính ngạch sang Ấn Độ nhưng gặp trục trặc nên không xuất được, dẫn đến họ không muốn nhận hàng. Vụ việc hiện vẫn được các bên xúc tiến giải quyết.
 
Hàng nông sản được chứa trong container lạnh chờ xuất khẩu Ảnh: NGUYỄN HẢI
Nhưng đây không phải là vụ duy nhất. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA, cảnh báo trước đây từng xảy ra sự việc 2 container hồ tiêu xuất sang Dubai nhưng khách hàng đổ thừa hàng kém chất lượng, bị hao hụt nên không nhận. Sau đó, phía đối tác mua hàng liên kết với ngân hàng tại Dubai chiếm đoạt 2 container nói trên.
Ở mặt hàng nông - thủy sản, nhiều DN cũng thừa nhận bán hàng ra nước ngoài dễ bị lừa, đặc biệt là với các thị trường lạ. Chẳng hạn, một DN xuất lô hàng thủy sản đông lạnh cho đối tác ở Ai Cập trị giá gần 60.000 USD nhưng đòi tiền không được. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng từng cảnh báo một số DN thủy sản đứng trước nguy cơ mất hàng trăm ngàn USD với khách hàng ở Canada. Với thủ đoạn tinh vi như làm sai lệch chữ ký ngay từ khi ký hợp đồng và cài vào điều khoản chỉ cho ngân hàng đại diện phía Canada chuyển tiền khi chữ ký tại hợp đồng trùng khớp với chữ ký tại vận đơn..., ngân hàng và đối tác Canada đã liên kết nhau để cố tình không trả tiền cho các DN Việt Nam.
Lý giải vì sao ngày càng có nhiều DN xuất khẩu nông sản "bị gạt" ở nước ngoài, phía Bộ Công Thương và các hiệp hội đều cho rằng trước áp lực của việc mở rộng thị trường, gia tăng doanh số, nhiều DN xuất khẩu đã tìm đến và hợp tác với những khách hàng mới khi chưa nắm rõ thông tin. Điều này có thể đem đến những rủi ro về tín dụng hoặc bị lừa đảo chiếm đoạt hàng hóa.
Là một người trong cuộc, ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông - lâm sản Phương Minh, nhìn nhận DN nông sản dễ bị đối tác lạ từ nước ngoài đánh vào điểm yếu là ham giá cao. Theo đó, sau khi xuất bán, đối tác chê hàng kém chất lượng và đòi hạ giá mới chịu lấy hàng. Hậu quả là phía DN Việt Nam phải chấp nhận "yêu sách" để tránh tốn kém chi phí thuê tàu vận chuyển hàng về.
Tỉnh táo phòng tránh
Để hạn chế rủi ro, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, khuyến cáo DN khi có hợp đồng xuất khẩu nên yêu cầu khách hàng thanh toán trước 98% giá trị hàng hóa. Đây cũng là yêu cầu hợp với thông lệ quốc tế, bản thân DN Việt Nam vẫn phải tuân thủ khi nhập hàng từ nước ngoài.
VASEP khuyến cáo DN cần kiểm tra các thông tin đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đối tác tìm được qua kênh trung gian. Trong quá trình thực hiện giao dịch, có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu để có thêm sự bảo đảm cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, cũng phải tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về đơn vị phát hành thư tín dụng, ngân hàng tại các nước đối tác để tránh tình trạng phối hợp lừa đảo. "Hợp đồng cần quy định chặt chẽ các điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Đối với khâu thanh toán, cần tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để chọn những phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý" - VASEP lưu ý thêm.
Dẫn thông tin mới đây, một DN xuất khẩu tiêu của Việt Nam đã bị một công ty tại thị trường Senegal cắt đứt liên lạc sau khi mua một container tiêu trị giá 61.750 USD mà không thanh toán, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh rủi ro nằm ở chỗ DN Việt Nam tìm kiếm đối tác qua mạng internet và không nắm rõ thông tin về họ. Từ đó, bộ này cảnh báo DN Việt hạn chế tìm khách hàng trên mạng và không sử dụng hình thức thanh toán D/A (thanh toán tiền hàng sau). "Qua nhiều vụ tranh chấp thương mại, chúng tôi thấy giao dịch với đối tác châu Phi, nhất là Tây Phi và Trung Phi như Senegal, Mali, Niger… có nhiều rủi ro nhất. DN cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế, diễn đàn DN, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu của các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc. Khi giao dịch, DN cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện... để các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ xác minh trước khi tiến hành giao dịch. Đồng thời, đề nghị khách hàng trả trước ít nhất 30% giá trị tiền hàng, hạn chế cho trả chậm" - đại diện Bộ Công Thương lưu ý. 
Theo sát thị trường Thổ Nhĩ Kỳ

Với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, theo Bộ Công Thương, rất có thể thời gian tới, giao dịch xuất khẩu của DN Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi Mỹ đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự "Mùa xuân hòa bình" tại Syria. Mặc dù chưa có thông tin xấu về hệ thống ngân hàng của nước bạn nhưng việc siết chặt điều kiện thanh toán là cần thiết, nhất là việc hạn chế các hình thức thanh toán đem đến rủi ro cho nhà xuất khẩu.

Nhập khẩu cũng nhiều rủi ro
Theo ông Hồ Ngọc Cầm, DN Việt Nam còn bị tổn thất khi nhập khẩu điều nguyên liệu. Như trường hợp DN đặt cọc mua hàng 10%-15% nhưng đối tác không giao hàng, không trả lại cọc; hoặc đối tác giao hàng kém chất lượng, không thể đưa vào chế biến để xuất khẩu.

Bộ Công Thương cảnh báo nếu nhập hàng từ châu Phi, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Tốt nhất, trong giai đoạn đầu, nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu. Trong hợp đồng, cần quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết về sau (nếu có).

Nguyễn Hải-Hoài Dương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Porsche Taycan 2024: Khẳng định giá trị thực tế của một “siêu xe điện”, giá trên 4,6 tỷ đồng

Porsche Taycan 2024: Khẳng định giá trị thực tế của một “siêu xe điện”, giá trên 4,6 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 17-10, Porsche chính thức giới thiệu mẫu Taycan 2024 tại thị trường Việt Nam, với giá bán khởi điểm trên 4,6 tỷ đồng cho phiên bản tiêu chuẩn. Đây là phiên bản nâng cấp vượt trội cả về sức mạnh, hiệu suất và thời gian sạc được rút ngắn đáng kể.