Ngược Pờ Yầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách trung tâm hành chính xã Lơ Pang của huyện Mang Yang chừng 20 km, nhưng làng Pờ Yầu nằm chon von trên đỉnh núi Đẹ Đọ xanh thẳm như thách thức tinh thần của khách lạ khi muốn thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của nó.

  Cắm trại ven suối Pờ Yầu-một trải nghiệm khó quên trong chuyến thăm làng Bahnar.   Ảnh: Thúy Loan
Cắm trại ven suối Pờ Yầu-một trải nghiệm khó quên trong chuyến thăm làng Bahnar. Ảnh: Thúy Loan

Cách đây nhiều năm, để đến được Pờ Yầu-ngôi làng Bahnar cheo leo trên đỉnh Đẹ Đọ này có khi phải mất 4-5 tiếng đồng hồ với sự dẫn đường của người địa phương. Hành trình “trèo lên lên trèo lên” ấy lấy đi không ít mồ hôi lẫn những pha thót tim khi xe cua qua những con dốc dựng đứng hay những khúc “cua ách cày” như muốn đẩy xe lao thẳng xuống vực. Nhưng đến Pờ Yầu hôm nay đã khác, chỉ mất chừng 1 giờ đồng hồ bạn đã có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của một làng Bahnar truyền thống.

Nếu xuất phát từ TP. Pleiku xuôi theo quốc lộ 19 chừng 30 km, đoạn ngã ba Năm Đạt rẽ phải thêm 10 km bạn đã đến địa phận xã Lơ Pang. Mặc dù đường từ chân núi lên đỉnh Pờ Yầu rất khó đi nhưng so với mấy năm trước đã dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Mất 1 giờ đồng hồ để cả đoàn đánh vật cùng những chiếc xe U-oát, xe địa hình băng qua các vùng rừng cùng những con dốc dựng đứng. Qua nhiều mùa mưa, nước đổ xuống từ đỉnh núi xói mòn phần lớn cung đường, khiến trơ ra những hòn đá to nhỏ ngay giữa lối đi. Nếu không tập trung cao độ, tài xế dễ khiến những người yếu tim phải nhắm mắt cầu kinh. Nhưng chính sự cách trở, đi lại khó khăn khiến cho ngôi làng biệt lập hẳn và vì thế vẫn giữ được sự hồn hậu, nguyên sơ của nó. Hình ảnh đầu tiên thu hút chúng tôi là những ngôi nhà gỗ mái tôn hoặc mái tranh nằm đan xen. Ngôi làng vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc của làng Bahnar truyền thống.

Cả đoàn chọn bãi cát ngay cạnh suối Pờ Yầu để dựng lều qua đêm. Trước đó, chúng tôi đã có chuyến tiền trạm chọn nơi phù hợp để có thể cắm lều ngủ qua đêm an toàn. Khi qua đoạn suối này, cảnh những đứa trẻ tắm suối nô đùa vui vẻ, huyên náo giữa dòng nước trong mát như một bức tranh cuộc sống bình dị giữa non cao khiến chúng tôi yêu thích nơi này ngay lập tức. Chúng tôi xin phép trưởng làng và được người dân hướng dẫn đến vị trí cắm trại ven suối. Đây cũng là cung đường từ chỗ làm rẫy trở về làng. Chiều xuống, những người già, người trẻ dắt díu theo trẻ con thong dong trở về nhà. Họ trò chuyện cùng chúng tôi, ân cần mời hút điếu thuốc rê hay thử cảm giác phì phà hơi thuốc từ chiếc tẩu đặc trưng và đậm chất Tây Nguyên. Tính cách và lối sống của người Bahnar nơi này gợi cảm giác ấm cúng, tin cậy, dễ trải lòng đối với khách lạ. Trong những ly rượu mời mọc ân cần, họ không quên kể về truyền thống đoàn kết, chống giặc của một trong những ngôi làng kháng chiến kiêu hùng của vùng đất này.

Chúng tôi lại được trở về tuổi thơ khi đẫm mình trong dòng nước mát của dòng suối Pờ Yầu, ngắm hoàng hôn dần buông trên thung cao. Chúng tôi cũng như được trở về với cuộc sống nguyên sơ khi nhặt từng cành củi khô ven suốt đốt lửa nướng thức ăn mang theo, thức đựng không gì ngoài lá chuối. Đêm đến, khí trời trong lành, cả nhóm quây quần bên lửa trại,  đàn hát, ngắm trăng. Không gian rộng lớn của núi rừng bỗng chốc được thu lại bởi tiếng suối, tiếng đàn và tiếng hát ngân vang vào đêm sâu.

Buổi sáng chúng tôi dạo một vòng quanh làng, thu vào trong tầm mắt cuộc sống giản đơn của người Bahnar trên non cao này. Những chú heo đen, đàn gà con đủng đỉnh kiếm ăn quanh những ngôi nhà sàn. Thanh niên đi làm từ sớm, thảng hoặc gặp vài người già ngồi trước hiên nhà để mắt đến lũ trẻ con nô đùa chung quanh. Chỉ vậy thôi mà Pờ Yầu khiến bước chân khách phương xa dùng dằng không nỡ dời bước, rồi hẹn nhau ngày trở lại...

 

 Minh Châu-Thúy Loan

Có thể bạn quan tâm

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

Bãi tắm trên sông Pô Cô hút khách dịp lễ

(GLO)-

Giữa núi rừng hùng vĩ tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có một bãi tắm được ví như “biển trên núi”. Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, bãi tắm ở dòng sông Pô Cô đã thu hút hàng ngàn lượt người đến vui chơi, thưởng ngoạn.

Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.