Lãng du ở phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sắc vàng của những cánh rừng châu Âu chắc chắn cuốn hút kẻ lữ hành ưa xê dịch. Vậy nhưng nếu ai đó may mắn có mặt ở phố núi Pleiku (Gia Lai) thời điểm này sẽ không khỏi xuýt xoa bởi sắc thu ngọt ngào không kém.
Thác Phú Cường
Thác Phú Cường
Một ngày có 4 mùa
Chỉ mới đây thôi, phố núi cao nguyên còn ngập trong những cơn mưa đại ngàn trắng xóa, ướt nhẹp. Bỗng một sớm mai, cơn gió hanh nhẹ, nắng hửng lên. Đó là chỉ dấu rõ ràng của giao mùa. Lúc này cao nguyên như chia ra bốn mùa rõ rệt. Tiết xuân sớm mai. Tiết hạ ban trưa. Tiết thu buổi chiều và tiết đông lúc ngày tắt nắng.
Người bản địa dệt vải truyền thống
Người bản địa dệt vải truyền thống
Nhà thơ Văn Công Hùng (ở TP.Pleiku) nói: “Dĩ nhiên mùa thu ở cao nguyên không đậm nét như mùa thu đất bắc nhưng ở đây có những đặc trưng, mang đến cho cao nguyên một vẻ đẹp nền nã, thướt tha. Những nắng nhẹ, những sắc vàng của dã quỳ, của muồng vàng…đã giúp cho sắc thu thêm rõ nét. Đó không chỉ là thảng hoặc nữa mà là điểm nhấn để cho mùa thu cao nguyên thêm cuốn hút, ý vị”.
Du khách tham quan rừng tượng gỗ độc đáo
Du khách tham quan rừng tượng gỗ độc đáo
Cách trung tâm phố thị Pleiku gần 30 km là thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, H.Chư Prông (Gia Lai). Thu về, nơi đây bừng lên sắc vàng của hàng trăm cây muồng vàng. Đặc biệt là chúng nở đồng loạt tạo cho khu vực này một điểm nhấn lý tưởng. Bên dưới tàng cây là dãy chè cổ thụ. Đây là nơi đồn điền chè Bàu Cạn, cùng với hai đồn điền khác là B’lao (Lâm Đồng) và Biển Hồ (Gia Lai) có từ thời Pháp thuộc và nổi tiếng ở hải ngoại. Sắc vàng trùm lên màu xanh thẫm của những cây chè cổ thụ. Bên cạnh là hồ nước trong xanh. Tất cả như quyện lại trong một bức tranh phong cảnh sắc thu thật ngọt ngào.
Người bản địa thi đan gùi
Người bản địa thi đan gùi
Người Pháp đã đưa cây muồng vàng trồng nhiều ở cao nguyên và vô tình tạo cho nơi đây một thắng cảnh cuốn hút. Hàng ngàn lượt khách thập phương kéo đến Tây Hồ thưởng lãm. Họ trầm trồ, xuýt xoa khi lần đầu chứng kiến sắc vàng rực.
Chị Hồ Thị Thái Quý (một du khách đến từ Vũng Tàu) ngạc nhiên: “Tôi lần đầu tiên đến với phố núi Pleiku và quá ngạc nhiên với nhiều cảnh đẹp ở đây. Những ai chưa biết nên đến với cao nguyên dịp này một lần thôi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp này. Tôi chỉ ở môt hai ngày nên chưa đi hết. Tôi sẽ sắp xếp thời gian quay lại phố núi trong năm tới”.
Lễ hội dã quỳ
Làng Ia Gri, H.Chư Pah (Gia Lai) là nơi từng diễn ra lễ hội Dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya. Đây vốn là miệng núi lửa đã tắt. Đất đai xung quanh những miệng núi lửa luôn màu mỡ, tạo nên một khu vực dân cư trù phú.
Từ tháng 9, những rẫy dong riềng của người dân trồng quanh khu vực núi lửa bắt đầu nở hoa. Màu biêng biếng của hoa dong riềng lẫn với lá màu xanh thẫm quyện lại như sự níu giữ của thiên nhiên với khách lữ thứ. Và độ ấy, hàng ngàn lượt du khách đã đến đây thưởng lãm.
Dã quỳ nở vàng bên đường
Dã quỳ nở vàng bên đường
Cùng với dáng núi nhấp nhô, uốn lượn, dã quỳ trải vàng trên ấy bắt đầu đơm nụ, bung hoa. Điểm xuyến là những đám cỏ đuôi chồn bung hoa tím. Mùa đã vào vụ. Đồng xa, người bản địa bắt đầu thu những thành quả một nắng hai sương của mình.
Nắng ấm. Quỳ vàng. Đuôi chồn, dong riềng khoe sắc. Xa xa là những đàn cò trắng nhởn nha trên đồng rộng. Buổi hoàng hôn, khói lam chiều tỏa lên từ những ngôi nhà người bản địa quyện với dáng núi.
Tất cả vẻ đẹp như nén lại trong một bức tranh phong cảnh khiến nó càng thêm cuốn hút. Bởi vậy hàng chục ngàn lượt khách ở nhiều địa phương của VN đã tìm đến đây độ này cũng là điều dễ hiểu.
Những cung đường thiên lý
Quả không ngoa rằng thời gian này, thiên nhiên ở cao nguyên mới đẹp nhất. Dọc quốc lộ 19 chạy từ Bình Định lên Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thuộc huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) mùa này bạt ngàn dã quỳ. Cơ man là những bụi dã quỳ khiêm nhường, hoang dại dọc cung đường thiên lý đơm nụ bung hoa vàng rực.
Đẹp nhất trong cung đường ấy có lẽ là đoạn qua đèo Mang Yang, thuộc H.Mang Yang (Gia Lai). Nơi đây dã quỳ nở vàng cả triền đèo. Chỉ một cơn gió thoảng qua, cả cái thảm vàng mật ong ấy đong đưa, thật hấp dẫn. Cũng đoạn này là nơi có rừng thông cổ thụ trải dài cả một cung đường dài chừng 10 km.
Đồi cỏ hồng ở xã Glar
Đồi cỏ hồng ở xã Glar
 
Một nhóm du khách ở đồi cỏ hồng xã Glar
Một nhóm du khách ở đồi cỏ hồng xã Glar
Cũng gần tuyến quốc lộ 19 có đồi cỏ hồng ở xã Glar, H.Đăk Đoa (Gia Lai). Thời điểm này, cả cánh đồng cỏ hàng trăm ha, dưới những tán thông cổ thụ dáng bon sai tự nhiên, chuyển sang màu hồng nhạt rất đẹp. Khách thập phương tìm đến thưởng lãm, tổ chức picnic…và những hoạt động giải trí khác khiến nơi đây trở thành một trong những thắng cảnh cuốn hút nhất Gia Lai thời điểm cuối năm.
Dọc hai bên các tuyến quốc lộ 25, 14 hay là những ngả đường thiên lý khác thời điểm này đều nhuốm sắc vàng dã quỳ. Và cũng thật lạ, chỉ trong vòng hơn một tháng, dã quỳ sẽ đồng hoạt bung hoa, tạo nên một sắc vàng có một không hai ở vùng đất cao nguyên này.
Cách trung tâm phố thị Pleiku khoảng 30 km về hướng Đông Nam có thác Phú Cường ở xã Dun, H.Chư Sê. Thác còn giữ được vẻ hoang sơ. Vừa hết mùa mưa. Nước đã trong trở lại. Từ độ cao chừng 60 m, dòng nước dội xuống trắng xoá. Từ xa cả km đã nghe thác nước réo ầm ầm. Khung cảnh kì vĩ của thác, của núi rừng tạo nên một thắng cảnh tuyệt vời để khám phá, trải nghiệm.
Trần Hiếu (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

Gia Lai đón 88.290 lượt khách trong 5 ngày nghỉ lễ

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (từ 27-4 đến 1-5), tỉnh đón khoảng 88.290 lượt khách. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 20,6 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023.
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5: Tìm về thiên nhiên để “trốn nóng”

(GLO)- Dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay rơi vào cao điểm của mùa nắng nóng. Mặc dù kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhưng nhiều người vẫn ưu tiên chọn những điểm du lịch trong tỉnh để vui chơi, thư giãn thay vì đi xa. Lượng khách ngoài tỉnh đến Gia Lai cũng thấp hơn mọi năm, chủ yếu là các nhóm nhỏ hoặc gia đình.

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Du lịch xanh “lên ngôi”

E-magazineDu lịch xanh “lên ngôi”

(GLO)- Gia Lai có các tuyến giao thông đường bộ thuận lợi, những điểm cắm trại lý tưởng trong rừng, thác nước, nhất là các địa điểm du lịch đều gắn với thiên nhiên. 
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Homestay hút khách dịp lễ 30.4 - 1.5

Chọn ở homestay nghỉ ngơi thư thái, tránh xa những điểm du lịch, khách sạn đông đúc, ồn ào và trải nghiệm khám phá thiên nhiên, đời sống người dân địa phương là lựa chọn của nhiều du khách dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay.