Huyền sử núi Chư Mố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mong được nhìn thấy chồng ở xa, sơn nữ xinh đẹp H’Bia Chơ Năng cùng người dân trong bộ tộc đã ngày đêm bê đá, gùi đất đắp lên tạo thành gò đất rất cao. Gò đất ấy chính là ngọn núi Chư Mố hiện nay.

Một trong những người biết rõ truyền thuyết về núi Chư Mố là ông Ksor Thất (SN 1956, làng Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Hiện ông là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện. Người dân trong làng Briu và các làng xung quanh ai cũng biết ông nên chúng tôi không khó để tìm đến nhà.


 

Các bạn trẻ huyện Ia Pa trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố lần I-năm 2018.                           Ảnh: C.H
Các bạn trẻ huyện Ia Pa trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố lần I-năm 2018. Ảnh: C.H

Dưới tán cây kơ nia 2 người ôm, ông Thất say sưa kể: “Chư” có nghĩa là núi; “Mố” là cô gái. Chư Mố là “Núi Cô gái”. Trước kia, tên đầy đủ của ngọn núi này là “Chư Mố H’Bia Chơ Năng”, trong đó từ H’Bia nghĩa là công chúa. Rồi ông tiếp lời, từ xa xưa, tại vùng thung lũng Ayun Pa đầy nắng gió có một bộ lạc sống rất đoàn kết, yêu thương nhau. Phụ nữ có đôi tay khéo léo dệt ra những tấm thổ cẩm bền đẹp, đủ sắc màu. Đàn ông giỏi làm nương rẫy, tạc tượng, săn bắt thú rừng. Những ngày tháng nhàn rỗi, họ tổ chức nhiều lễ hội cộng đồng, các gia đình quây quần bên nhau ca hát nhảy múa thâu đêm suốt sáng. Cuộc sống thanh bình cứ thế diễn ra và họ không mảy may nghĩ đến việc tự vệ, phòng bị trên vùng đất của tổ tiên mình.

Trong khi đó, trên vùng đất cao nguyên hùng vĩ, ở phía mặt trời đi ngủ có một bộ lạc rất hùng mạnh. Bộ lạc này có tài cưỡi voi, phi ngựa, bắn nỏ, sử dụng thành thạo gươm đao, giáo mác. Họ đã xuôi theo dòng sông Ayun và dễ dàng cướp đi những của cải quý giá của bộ tộc vùng thung lũng Ayun Pa. Ngoài ra, họ còn bắt đi những người đàn ông khỏe mạnh trong làng về làm nô lệ, trong đó có chàng Dam Doa là chồng mới cưới của nàng H’Bia Chơ Năng.

Nhớ thương chồng da diết, nước mắt nàng H’Bia Chơ Năng chảy thành suối. Nàng ngày đêm ngóng trông về hướng mặt trời lặn nhưng ngày này qua tháng khác vẫn không thấy bóng dáng chồng đâu. Nghĩ rằng phải có chỗ đứng cao hơn núi Chư Sê mới nhìn thấy được chồng, nàng kêu gọi mọi người ngày đêm bê đá, gùi đất đắp lên. Từ đó, bên dòng sông có một mô đất được mọc lên, tạo thành núi Chư Mố.

Đứng trên đỉnh Chư Mố nhưng nàng vẫn không thấy chồng đâu, hình ảnh phảng phất chỉ là ngọn núi Chư Hdrông xa vời vợi. Đau đớn tột cùng, nàng nuôi ý chí phục thù. Nàng nuôi dạy, khuyên răn con cháu có ý thức hơn trong việc bảo vệ buôn làng, bến nước. Nàng đưa ra sáng kiến thành lập đội hùng binh của bộ lạc, đồng thời cử ra một người quản binh là “Sak”, một người cai quản bộ lạc là “Dyung”. Kể từ đây, dân làng sống có quy củ hơn, biết tích trữ lương thực để nuôi quân, sắm sửa khí giới, voi chiến, ngựa chiến, thuyền bè và thường xuyên tổ chức tập trận, rèn quân.

Nhiều năm sau lần xuôi quân cướp bóc đầu tiên, bộ lạc ở phía mặt trời đi ngủ một lần nữa xuôi theo dòng sông Ayun đến cướp bóc bộ lạc của nàng H’Bia Chơ Năng. Do đã được thần linh báo mộng từ trước và tập luyện thành thục, đội hùng binh bộ lạc của nàng đã đánh tan tác bộ lạc xâm lược. Thừa thắng xông lên, đội binh này còn đánh đuổi kẻ thù đến tận núi Chư Hdrông. Để minh chứng cho thắng lợi của mình, họ lấy một nắm đất đỏ bazan trên đỉnh Chư Hdrông về đặt trên đỉnh Chư Mố. Từ đó, bộ lạc vùng thung lũng Ayun Pa không ngừng phát triển, lớn mạnh cho đến ngày nay.

Núi Chư Mố giờ đây là ngọn núi đứng đơn độc bên dòng sông Ba, tách biệt với các ngọn núi khác trong vùng. Núi cao khoảng 200 m, được bao bọc xung quanh bởi nhiều ao hồ, dòng suối lớn nhỏ mà theo truyền thuyết đó là nước mắt của nàng H’Bia Chơ Năng khóc thương chồng khi đứng trên đỉnh núi tạo thành. Ngày nay, cộng đồng người Jrai nơi đây vẫn coi Dyung, Sak, Dam Doa, H’Bia Chơ Năng là tổ tiên. Do đó, hàng năm vào các dịp cúng tổ tiên, trong lời các bài khấn đều mời gọi họ về cùng ăn, cùng uống và cầu mong các vị ấy ban phước lành cho buôn làng; cầu mong họ che chở cho mọi người được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mãi mãi sinh sôi phát triển.

 

Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.