Pleiku hướng đến đô thị thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Hội thảo “Giải pháp về xây dựng đô thị thông minh” do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 8-6 vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, công nghệ ứng dụng trong việc định hướng phát triển Pleiku trở thành đô thị thông minh trong thời gian tới.
 

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: N.S
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: N.S

Đề xuất nhiều phương án

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hùng-Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh: Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc phát triển đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung ương quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước đang xây dựng các đề án phát triển đô thị thông minh; trong đó, một số địa phương đã phê duyệt đề án tổng thể như: Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh... Tại Gia Lai, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh” để tạo cơ sở, tiền đề cho việc xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Do vậy, thông qua hội thảo này, hy vọng các chuyên gia sẽ trình bày những định hướng và giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong việc xây dựng đô thị thông minh thời gian đến.

Ông Trần Tuấn Ngọc-Giám đốc Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội) đã đưa ra phương án tiếp cận thành phố thông minh cho tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo ông Ngọc, nội dung phương án được chia làm 4 phần: tổng quan về thành phố thông minh; lợi ích đối với các tỉnh, thành phố; quan điểm thực hiện của Viettel; cách tiếp cận cho tỉnh Gia Lai. Hiện nay, nhu cầu xây dựng thành phố thông minh không phải theo phong trào mà xuất phát từ yêu cầu giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, y tế, môi trường... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, hiệu quả quản trị, vận hành các lĩnh vực và tính năng cạnh tranh của thành phố. “Thành phố thông minh phát triển bền vững là thành phố sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cùng các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả của các dịch vụ và hoạt động đô thị, nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu kinh tế-xã hội, môi trường và văn hóa hiện tại và tương lai”-ông Ngọc phân tích.

 

Đại diện các công ty trình bày đề án của đơn vị tại hội thảo. Ảnh: N.S
Đại diện các công ty trình bày đề án của đơn vị tại hội thảo. Ảnh: N.S

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh-cán bộ quản lý dự án Smart City Lab thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, cho rằng, đề án Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 của Tập đoàn đề xuất triển khai các giai đoạn thực hiện để hình thành một đô thị thông minh trong tương lai. Trong đó, tập trung ở các lĩnh vực như: chính quyền số; an toàn, an ninh; y tế thông minh; giáo dục thông minh; giám sát môi trường; du lịch thông minh; giao thông thông minh... “Đối với Việt Nam, đô thị thông minh là đô thị hoặc khu vực cư dân ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới, sáng tạo và các phương thức khai thác nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phân tích, dự báo, quản lý các nguồn lực của đô thị có sự tham gia của người dân”-ông Minh cho biết thêm.

Hướng tới đô thị thông minh

Tại hội thảo, nhiều phương án đã được lãnh đạo các tập đoàn viễn thông và công ty công nghệ thông tin đưa ra nhằm xây dựng Pleiku theo hướng đô thị thông minh như: giải pháp giao thông thông minh dùng camera của hãng HIK VISION và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Mặt trời; giải pháp nâng cấp chính quyền điện tử phục vụ xây dựng thành phố thông minh của Công ty cổ phần Công nghệ Tâm Hợp Nhất; giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch của Công ty cổ phần SPR Việt Nam; giải pháp an ninh thông tin ứng dụng trong lĩnh vực y tế và giáo dục của Công ty cổ phần Thương mại Quốc tế Phương Nam...

 

Các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: N.S
Các đại biểu tham quan mô hình ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: N.S

Ông Trần Minh Đạo (Công ty cổ phần SPR Việt Nam) cho rằng: Du lịch Gia Lai phong phú về tiềm năng nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch là rất cần thiết. Các đơn vị lữ hành cần đi đầu trong sử dụng công cụ marketing số để tương tác với cộng đồng và đảm bảo khách du lịch có những trải nhiệm tốt nhất. “Marketing số là cách tốt nhất để tương tác với du khách và để phục vụ hai mục đích chính: nhiều người biết hơn về các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Gia Lai và nâng cao doanh thu qua cổng thông tin du lịch tích hợp”-ông Đạo cho biết thêm.

Một trong những vấn đề mà lãnh đạo TP. Pleiku cũng như các đại biểu quan tâm tại hội thảo lần này là hạ tầng và công nghệ viễn thông của tỉnh. Gia Lai là tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt, có hơn 44% dân số là người dân tộc thiểu số, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông còn hạn chế, mặt bằng dân trí về ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Thực trạng này khiến việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có hướng đi phù hợp, vững chắc. “Tuy vậy, trước xu hướng hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng sâu rộng, việc xây dựng đô thị thông minh là đòi hỏi cấp thiết, bởi đô thị thông minh hình thành sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân sống ở đô thị”-ông Nguyễn Ngọc Hùng khẳng định.

Theo bà Trần Thị Tâm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku: Phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc lên kế hoạch, nghiên cứu lộ trình và các giải pháp phục vụ cho mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị thông minh và bền vững không chỉ là vấn đề của tỉnh mà còn cần có sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, vấn đề nguồn lực để xây dựng đô thị thông minh là rất lớn, nhất là nguồn lực kinh tế tài chính và nguồn nhân lực. Do đó, rất mong sự chung tay, đồng hành với chính quyền từ phía các doanh nghiệp, nhà khoa học và toàn thể người dân trong tỉnh trong việc xây dựng, triển khai mô hình đô thị thông minh ở Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng.

Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.