Phụ nữ Quảng Ngãi làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều phụ nữ ở Quảng Ngãi đã bén duyên với "ngành công nghiệp không khói" khi các điểm du lịch ngày càng phát triển và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Vừa chèo ghe vừa làm hướng dẫn viên du lịch

Ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) có gần 40 phụ nữ gắn bó với nghề chài lưới ở đầm An Khê. Từ khi đầm An Khê trở thành một phần của hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, hàng chục phụ nữ ở đây vừa chèo ghe (thuyền nhỏ) vừa làm hướng dẫn viên du lịch chở du khách khi đi tham quan, trải nghiệm trên đầm.

Bà Nguyễn Thị Xị (bìa phải) tham gia chèo ghe chở khách tham quan đầm An Khê (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ảnh: Hải Phong

Bà Nguyễn Thị Xị (bìa phải) tham gia chèo ghe chở khách tham quan đầm An Khê (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ảnh: Hải Phong

Với kinh nghiệm 40 năm gắn bó với nghề chài lưới trên đầm An Khê, bà Nguyễn Thị Xị (56 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh) trở thành người lái đò đáng tin cậy của du khách khi đến tham quan. Theo bà Xị, 2 năm trở lại đây đầm An Khê thu hút rất đông khách du lịch, nhất là trong dịp hè. Bình quân mỗi ngày bà chở từ 5 - 7 lượt đoàn khách đến tham quan.

"Thấy đầm An Khê trở thành địa điểm thu hút khách tham quan, chúng tôi vui và quý trọng lắm. Trong mỗi chuyến đi, chúng tôi đều hướng dẫn, giới thiệu và đưa du khách đến những địa điểm có cảnh đẹp của quê hương như bãi Dừa, lạch An Khê. Chúng tôi mong mọi người khi đến tham quan đầm An Khê đều vui vẻ, hài lòng và sẽ quay trở lại. Vậy nên chúng tôi luôn lấy chân tình để đối đãi với du khách. Còn về tiền bạc, du khách đưa bao nhiêu thì chúng tôi nhận bấy nhiêu chứ không đòi hỏi và không bao giờ lấy trên 100.000 đồng/chuyến", bà Xị bày tỏ.

Phụ nữ ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Hải Phong

Phụ nữ ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ) làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Hải Phong

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nằm ngay bên đầm An Khê, bà Phạm Thị Luật (56 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Phổ Khánh) kể đã theo cha mẹ gắn bó với nghề chài lưới từ thuở nhỏ. Đến nay, bà đã có 48 năm làm nghề đánh lưới, cào hến trên đầm An Khê.

Bà Luật kể, do cha mất sớm, cuộc sống gia đình quá khó khăn nên mới 8 tuổi bà đã theo mẹ đi đánh lưới trên đầm An Khê để kiếm sống. Đến năm 12 tuổi, bà bắt đầu có thể thay mẹ chèo ghe. Rồi cứ thế cho đến khi lấy chồng, bà lại cùng chồng tiếp tục nghề sông nước. Sau này, khi chồng đau ốm thì bà chài lưới trên đầm một mình để mưu sinh.

Tạo thu nhập ổn định

"Cuộc mưu sinh trên đầm An Khê của tôi cùng các ngư phủ nơi đây thường bắt đầu từ 7 giờ tối cho đến rạng sáng ngày hôm sau. Vào mùa mưa, lượng hải sản trong đầm rất nhiều, sau mỗi chuyến đánh bắt, tôi kiếm được từ 500.000 - 700.000 đồng, có khi lên đến 1 triệu đồng. Còn vào mùa nắng, khi những mẻ lưới dần nhẹ đi, tôi làm thêm nghề cào hến, săn dọp trên đầm, đồng thời làm thêm nghề lái đò hướng dẫn du khách tham quan. Cứ thế, vợ chồng tôi nuôi được 5 con khôn lớn, ăn học thành tài", bà Luật vui vẻ kể.

Chương trình Đêm ẩm thực làng quê tại làng du lịch cộng đồng Bình Thành. Ảnh: Hải Phong

Chương trình Đêm ẩm thực làng quê tại làng du lịch cộng đồng Bình Thành. Ảnh: Hải Phong

Theo bà Nguyễn Thị Phít, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phú Long, hiện nay thôn Phú Long còn gần 40 phụ nữ bám nghề chài lưới trên đầm An Khê, trong đó có khoảng 10 người sống gần đầm An Khê đã nhận chở thêm du khách tham quan, du lịch trên đầm.

"Vào những tháng mùa nắng, nhất là từ tháng 5 - 8, một phụ nữ nhận chở du khách đi tham quan có thêm nguồn thu nhập từ 100.000 - 500.000 đồng/ngày. Đây là hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng nên về lâu dài những phụ nữ có kinh nghiệm sông nước tại địa phương cần được định hướng, hỗ trợ thêm để tiến tới phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn và phát triển sinh kế bền vững hơn", bà Phít nói.

Vườn trái cây ở thôn Bình Thành (xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) trở thành điểm trải nghiệm thú vị của học sinh. Ảnh: Hải Phong

Vườn trái cây ở thôn Bình Thành (xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) trở thành điểm trải nghiệm thú vị của học sinh. Ảnh: Hải Phong

Phát triển du lịch cộng đồng

Còn tại thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) có nhiều vườn trái cây, chất lượng không thua kém so với trái cây ở miền Tây. Ở đây người dân trồng các loại cây như bưởi, chôm chôm, chuối ngự, sầu riêng.

Ngoài các sản phẩm về cây trái, thôn Bình Thành còn giữ được nghề truyền thống đã có từ cách đây hơn 100 năm là nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề làm bánh ít, bánh su sê, bánh bột lọc. Đây là dịch vụ trải nghiệm đầy thú vị để phục vụ du khách đến tham quan, đặc biệt là học sinh đến trải nghiệm.

Vậy nên ở đây có nhiều phụ nữ tham gia các khóa học làm du lịch, tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng ở nhiều nơi. Từ đó, những người nông dân ở đây đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành để làm du lịch cộng đồng nhằm kiếm thêm thu nhập và quảng bá, giới thiệu về quê hương.

Phụ nữ Quảng Ngãi làm du lịch ảnh 5

Du khách tham gia trải nghiệm làm bánh truyền thống tại làng du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân, H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Ảnh: Hải Phong

Những ngày này, nhà bà Trần Thị Nhơn (66 tuổi, xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành) liên tục đón những đoàn khách đến trải nghiệm nghề làm bánh truyền thống. Điểm đặc biệt, mọi công đoạn làm bánh đều được bà Nhơn thực hiện thủ công, giữ nguyên cách làm truyền thống nên đòi hỏi nhiều công sức, sự tỉ mỉ, đó cũng chính là điểm thu hút du khách khi đến đây. Vào mùa cao điểm du lịch, mỗi tháng bà Nhơn đón khoảng 4 - 5 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng từ 50 - 70 lượt du khách trải nghiệm làm bánh dưới sự hướng dẫn của bà.

"Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm bánh tét, bánh bột lọc… tôi tận tình hướng dẫn du khách làm từng chiếc bánh, giảng giải về nguồn gốc mỗi loại bánh để du khách hiểu rõ hơn về món bánh truyền thống. Đến nay, thương hiệu bánh dân gian của tôi đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách khi đến Bình Thành", bà Nhơn nói.

Còn bà Lê Thị Môn (xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành) cho biết bà làm bánh ít đã 13 năm rồi, mỗi ngày làm từ 500 - 1.000 cái. Bà Môn vừa làm bánh bán mỗi ngày vừa tham gia làm du lịch cộng đồng với địa phương.

"Tôi thu nhập từ làm bánh mỗi ngày khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Từ khi vừa làm bánh vừa làm du lịch, tôi thấy công việc làm bánh không chỉ kiếm thu nhập mà còn mang đến niềm vui cho mọi người, lại vừa quảng bá được bánh ít truyền thống", bà Môn chia sẻ.

Chị Lê Thị Thu Tiền, du khách đến từ TP.Quảng Ngãi, cho biết chị đã đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị, song chưa khi nào có được cảm giác gần gũi, thân thuộc và nhiều điều đặc biệt như ở Bình Thành (xã Hành Nhân). Đến đây, chị và bạn bè, người thân được khám phá cách người nông dân gói ram bắp, biết cách chế biến món bánh ít… "Đồng thời, các con tôi cũng được trải nghiệm làm các món truyền thống và tham quan vườn trái cây", chị nói.

Ông Đinh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), cho biết việc xây dựng làng Bình Thành trở thành làng du lịch và có được kết quả như hôm nay là một bước đi mới trên cơ sở phát huy thế mạnh về nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương.

Tạo điểm nhấn trải nghiệm

Với kết quả trong thời gian qua và sự tham gia tận tình của bà con nông dân, địa phương sẽ tiếp tục làm "bà đỡ" để Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành tiến tới hình thành sản phẩm du lịch OCOP 3 sao. Trong đó, sẽ xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với cộng đồng tại thôn Bình Thành để tạo điểm nhấn trải nghiệm cho du khách khi đến tham quan.

Ông Đinh Xuân Sâm (Chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.