(GLO)- Thời điểm chuyển từ mùa mưa qua mùa khô là lúc dễ xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn gia súc. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và người chăn nuôi trong tỉnh đang triển khai những giải pháp nhằm bảo vệ đàn gia súc phát triển ổn định.
Gia Lai là một trong những tỉnh có đàn gia súc lớn của cả nước với khoảng 372.000 con bò, 15.200 con trâu và 451.900 con heo. Thời gian qua, đàn gia súc của tỉnh đã được tiêm phòng vắc xin đợt I và tiêm vắc xin bổ sung tuýp O, A do Trung ương hỗ trợ cho đàn bò tại 2 xã Ia Sao, Chư Băh (thị xã Ayun Pa) cũng như các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT đã cấp 3.875 lít hóa chất benkocid cho các địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế và ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi gia súc tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Ảnh: N.D |
Hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ xuất hiện các loại bệnh trên đàn gia súc rất lớn. Vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tích cực chăm sóc đàn gia súc đang được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đẩy mạnh xem đây là biện pháp quan trọng ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra và gây thiệt hại.
Ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa, cho biết: Từ ngày công bố hết dịch lở mồm long móng tại 2 xã Ia Sao và Chư Băh, UBND thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, xây dựng chuồng nuôi nhốt gia súc ở những nơi cao ráo. Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã hướng dẫn bà con quy trình chăn nuôi gia súc theo hướng an toàn. Trạm cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiêm phòng vắc xin các tuýp O, A phòng bệnh cho đàn gia súc. Đặc biệt, trong thời gian này, thị xã không cho vận chuyển gia súc đã tiêm phòng từ các xã Ia Sao, Chư Băh sang các xã khác và thực hiện nghiêm những quy định của cơ quan chuyên môn để đảm bảo đàn gia súc của thị xã phát triển ổn định.
Mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có công văn chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương tiếp tục bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin về dịch bệnh để phát hiện và xử lý sớm. Đặc biệt, những khu vực có ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao, nếu phát hiện thì nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng -chống theo quy định. Bên cạnh đó, các trạm thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra chặt chẽ việc mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm...
Theo ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Thời điểm chuyển mùa, sức đề kháng của gia súc giảm, vì vậy, Chi cục đã khuyến cáo người chăn nuôi các địa phương xây dựng chuồng trại nuôi nhốt, chuẩn bị nguồn thức ăn dự trữ. Chi cục đặc biệt quan tâm công tác tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt II năm 2017 cho đàn gia súc của tỉnh; tăng cường công tác kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ để ngăn chặn gia súc bị bệnh từ bên ngoài xâm nhập. Hiện tại , đàn gia súc trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, các loại dịch bệnh đã được khống chế nên người chăn nuôi yên tâm tái tạo đàn phát triển theo hướng an toàn, bền vững.
Nguyễn Diệp