Phải giữ hình ảnh "Điểm đến an toàn, thân thiện"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Từ 1.7, nhiều trường học trong cả nước bước vào đợt nghỉ hè 2020. Mùa du lịch hè năm nay rơi vào tháng 7 và 8. Tuy chịu ảnh hưởng tiêu cực vì dịch COVID-19, song các dịch vụ, từ hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển… dự báo sẽ được khôi phục, thậm chí quá tải. Và lại dấy lên nỗi lo ngại, thời điểm này sẽ là cơ hội để các tệ nạn chèo kéo, bảo kê, tăng giá vô tội vạ (“chặt chém”) hoành hành... làm phiền lòng du khách. Để giữ gìn hình ảnh “Điểm đến an toàn, thân thiện”, chỉ có cách xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm làm tổn hại tinh thần, vật chất của du khách; các cơ quan quản lý phải nhìn nhận rõ sự thiệt hại lớn khi hình ảnh của ngành Du lịch bị phá hại bởi các tệ nạn...
Mùa hè năm nay gia đình hay nhóm bạn trẻ ưa chuộng, lựa chọn đi du lịch tự do. Ảnh: Minh Phương
Mùa hè năm nay gia đình hay nhóm bạn trẻ ưa chuộng, lựa chọn đi du lịch tự do. Ảnh: Minh Phương
Về các tệ nạn chèo kéo, bảo kê, “chặt chém” hoành hành... khiến du khách mất vui khi  đi du lịch - một câu chuyện được cho là “buồn muôn thuở”, nhưng chưa có biện phát giải quyết triệt để ở một số địa phương, ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế Giới (Neworld Travel) - nhìn nhận, cần có biện pháp loại bỏ mới giúp du khách an tâm, xóa đi những ác cảm. Ông Tùng cũng đánh giá, hiện nhiều địa phương đã nỗ lực trong việc chống tệ nạn này, dù khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn nhiều thủ đoạn tinh vi chèn ép, lừa du khách. Và để dẹp bỏ những hiện tượng này, chỉ có cách xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm; các cơ quan quản lý phải nhìn nhận rõ những thiệt hại lớn về mặt hình ảnh của ngành Du lịch.
Dịch COVID-19 đang tạo cơ hội cho du lịch nội địa “lên ngôi”. Lượng khách dự kiến đông hơn và có thể tăng lên từ 150% - 200%. Đây cũng chính là một thử thách lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. “Với tư cách một doanh nghiệp lữ hành, tôi hy vọng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ có sự chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực phục vụ cũng như tâm thế vững vàng để chào đón du khách một cách tận tình, bài bản và chuyên nghiệp...” - ông Tùng nói.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - cho biết, ngoài việc cố gắng khôi phục và phát triển thì nhiệm vụ ưu tiên là giữ gìn hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện. Hiện Trung tâm xúc tiến du lịch, Tổ phản ứng nhanh du lịch và Trung tâm Thông tin Dịch vụ công vẫn duy trì quy chế phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Tổ phản ứng nhanh du lịch và Trung tâm Hỗ trợ du khách. Đường dây nóng 1022 cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách trong trường hợp khẩn cấp như du khách bị chặt chém, chèo kéo; bị mất tài sản, cướp giật, bị tai nạn, lạc đường… và tiếp nhận mọi phàn nàn và góp ý của người dân, du khách trong lĩnh vực du lịch vẫn hoạt động bình thường.  
Ông Huỳnh Đức Trung - Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch Đà Nẵng - cho hay, các khu điểm kinh doanh du lịch đã được Sở Du lịch Đà Nẵng phổ biến Quyết định 473/QĐ-TCDL về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 và bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, Sở Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Y tế triển khai nhiều biện pháp chống dịch trong tình hình mới.
Bà Bùi Thị Thanh Hương - Tổng GĐ Tập đoàn Sun Group - tin tưởng, triển khai quyết liệt các chương trình kích cầu, nhất là đảm bảo sự an toàn cho du khách, chắc chắn ngành DLVN sẽ sớm hồi phục. Đặc biệt, việc cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng sẽ tạo hiệu quả rõ rệt đối với thị trường nội địa, kích thích du khách lên đường du lịch ngay ở thời điểm này. Ngoài ra, bà Hương cũng bày tỏ kỳ vọng, chiến dịch kích cầu sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng tốt đối với thị trường quốc tế, sau khi dịch bệnh được khống chế trên thế giới. Và Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tiên thu hút du khách quay trở lại, trong đó không loại trừ tín hiệu lạc quan của thị trường quốc tế, có thể sẽ bắt đầu xuất hiện trong quý IV năm nay.
Reuters đánh giá du lịch Việt Nam phục hồi tốt sau dịch COVID-19
Hãng thông tấn của Anh - Reuters đã có bài viết đánh giá sự phục hồi du lịch nội địa; Việt Nam và New Zealand được đánh giá là 2 quốc gia làm tốt nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh, có chiến lược khắc phục sớm và đưa ngành Du lịch nội địa hoạt động trở lại. Bài viết của Reuters ghi nhận, Việt Nam “ghi điểm” trong việc quảng bá hình ảnh như một điểm đến an toàn sau mùa dịch. Đặc biệt, tháng 7 và tháng 8 được xem là mùa cao điểm để ngành Du lịch tập trung phát triển khách nội địa. 
Theo thống kê từ Reuters, dự báo trong tháng 7, Việt Nam có hơn 26.000 chuyến bay dự kiến với 5 triệu khách, tăng 16% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, 2 tháng đỉnh điểm hè, du khách chủ yếu sẽ là các gia đình mua trọn gói combo (vé máy bay, khách sạn) nghỉ dưỡng tại các khu nghỉ dưỡng đang có chính sách giảm giá mạnh nhằm kích cầu, nhất là tại các điểm đến như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, đảo Phú Quốc, vịnh Cam Ranh sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch nội địa. Mai Châu
THANH HƯƠNG - TƯỜNG MINH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.