Ở nơi 'sống như những đóa hoa'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

'Nhà của thời thanh xuân - Quán của thời thanh xuân' là mô hình nhằm giúp đỡ bạn trẻ câm điếc hòa nhập cộng đồng, tìm được ước mơ và sống với ước mơ của mình.

Ở Nhà của thời thanh xuân, không ai nói tiếng nào, chỉ có ngôn ngữ ký hiệu và những nụ cười thân thiện
Ở Nhà của thời thanh xuân, không ai nói tiếng nào, chỉ có ngôn ngữ ký hiệu và những nụ cười thân thiện


Mô hình do Võ Thành Luân (30 tuổi, quê Bảo Lộc, Lâm Đồng), chàng trai bỏ ngang việc du học về quê, lập nên đã khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Học làm người câm điếc

Đến Đà Lạt vào một chiều mưa, ngồi nhấm nháp vài ngụm trà của loài hoa lavender, ăn những miếng bánh ngọt do chính tay bạn trẻ câm điếc làm và nghe câu chuyện về cách vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn của họ, mới thấy cuộc sống còn rất nhiều điều dễ thương.

Đấy là không gian của mô hình Quán của thời thanh xuân (9B Triệu Việt Vương, Đà Lạt). Đến đây, mọi người sẽ được thưởng thức những món trà và ăn bánh miễn phí. Quán chỉ bán các loại xà phòng và tinh dầu do chính tay các bạn trẻ câm điếc chiết xuất (đã được Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu kiểm nghiệm).

Gọi là quán nhưng thực ra đây là ngôi nhà chung của bạn trẻ câm điếc, nơi họ được học tập, rèn luyện để trở nên tự tin và bản lĩnh hơn. Đặc biệt, họ được học nghề, được tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau, từ đó tìm ra cho mình niềm đam mê, ước mơ để bắt đầu nhen nhóm và theo đuổi đến cùng.

Kể về nguyên do đến với dự án này, Luân nhớ lại trong một lần đi cùng chuyến xe với 15 bạn câm điếc, chỉ một mình Luân là người có thể nói được. Suốt chuyến đi, Luân cảm thấy rất khó khăn bởi họ đều giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó, Luân liên tưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ khi phải đối diện với người bình thường và nói những điều mình không hiểu được. Khi tìm hiểu, Luân biết được đây cũng chính là lý do khiến cộng đồng người câm điếc tự tách biệt với người bình thường.

Luân bỏ ngang việc du học ở Philippines, về nước thừa hưởng truyền thống làm mỹ phẩm của gia đình (mẹ Luân hiện sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm bên Mỹ). Luân tiếp tục tham gia các khóa học và bắt đầu tự làm bánh xà phòng đi bán, tích góp tiền để xây dựng ngôi nhà mang tên Nhà của thời thanh xuân. Đây là môi trường để các bạn câm điếc được học, được sinh hoạt và làm việc như người bình thường.

Sau một thời gian, từ Nhà của thời thanh xuân, Luân chuyển sang dự án mới là Quán của thời thanh xuân. “Mình muốn các bạn câm điếc được tiếp xúc và cọ xát nhiều hơn với công việc, với người bình thường để hiểu và tự tin hơn trong cuộc sống”, Luân lý giải.

Để thực hiện dự án này, ngoài việc đi bán từng bánh xà phòng, Luân còn học cách để làm người câm điếc. Tuần 3 buổi, Luân đón xe từ Bảo Lộc lên Đà Lạt học ngôn ngữ ký hiệu. Thời gian đầu, Luân tập im lặng trong 25 ngày để cảm nhận được thế giới của người câm điếc.

 

Luân (bìa phải) cùng các bạn câm điếc trồng rau phục vụ bữa ăn sạch tại quán
Luân (bìa phải) cùng các bạn câm điếc trồng rau phục vụ bữa ăn sạch tại quán


Cùng nhau thực hiện ước mơ

Ở quán, các bạn trẻ câm điếc được học làm bánh, làm xà phòng, tinh dầu, các loại trà, nấu ăn… từ Luân và các chuyên gia, đầu bếp được Luân mời về giảng dạy. Bên cạnh đó, họ được ăn, ở miễn phí và được nhận lương 4-5 triệu đồng/tháng tùy theo thâm niên làm việc. Mọi người ban ngày sinh hoạt, học tập và làm việc tại quán, tối về Nhà của thời thanh xuân để ngủ.

Ngoài phòng thí nghiệm riêng để chiết xuất tinh dầu, tất cả không gian của quán đều mở rộng cửa cho khách đến uống trà hoặc tham gia cùng các bạn câm điếc làm bánh, nấu ăn, hay đơn giản hơn là gấp những gói quà handmade dễ thương và nghe câu chuyện của các bạn câm điếc được các tình nguyện viên phiên dịch lại. Ngoài việc bán xà phòng, tinh dầu tại quán, hiện sản phẩm của họ còn được 15 đại lý tiêu thụ trên cả nước.

Để tiết kiệm nguồn kinh phí cũng như tạo điều kiện làm được nhiều công việc khác nhau, các bạn trẻ câm điếc tự trồng sả, cam, quế, lavender, trà xanh, bạc hà… làm nguyên liệu để làm trà hay xà phòng.

Hiện tại, mỗi tuần có 3 buổi tối tất cả thành viên quán cũng như khách đến quán sẽ được học ngôn ngữ ký hiệu, 3 buổi học nhảy zumba và 1 buổi tối cuối tuần mang tên “sống như những đóa hoa”. Trong những buổi này, họ sẽ nói về những niềm vui, những gì đã học được, cảm nhận sự thay đổi bản thân và nói về ước mơ.

Có những ước mơ đã được ấp ủ từ lâu, nhưng cũng có ước mơ mà khi đến với quán họ mới tìm thấy được. Đó là Trang với ước mơ được làm xà phòng, và chúng tôi cảm nhận rõ hạnh phúc trên gương mặt bạn mỗi lần bán xà phòng cho khách. Đó là Tiến với ước mơ sẽ trở thành đầu bếp thật giỏi vì từ ngày ở quán, Tiến bắt đầu thích nấu ăn và giờ đây bạn đã trở thành đầu bếp chính của quán.

Còn Dung, cô gái câm điếc nhưng ấp ủ ước mơ trở thành ca sĩ. Dù biết ước mơ rất khó thành hiện thực nhưng Dung vẫn nghiêm túc với ước mơ của mình. Dung nghe nhạc và múa theo bằng ngôn ngữ ký hiệu. Chính vì thế quán đã dựng một sân khấu để mỗi tuần các bạn cùng diễn kịch với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Đến quán, mọi người không chỉ cảm phục cách những bạn trẻ câm điếc vượt qua trở ngại về ngôn ngữ lẫn mặc cảm tự ti để cố gắng học hỏi và làm việc, mà còn về tinh thần giúp đỡ không toan tính của đội ngũ tình nguyện viên. Phạm Thị Như Quỳnh (Đà Nẵng) khi nghe tin quán tuyển tình nguyện viên, lúc đầu chỉ nghĩ sẽ làm 10 ngày. Nhưng khi trở về Đà Nẵng, ngẫm về 10 ngày được sống và làm việc với người câm điếc, ngưỡng mộ tinh thần vượt khó của họ, thế là Quỳnh từ bỏ công việc kế toán tại Đà Nẵng để vào lại Đà Lạt làm tình nguyện viên…

Đối với Luân, chủ nhân của dự án, dù công việc chưa có thu nhập ổn định nhưng anh vẫn vui và hạnh phúc khi thấy những bạn trẻ câm điếc trưởng thành, tự tin hơn từng ngày. “Bạn trẻ câm điếc có được việc làm ổn định, tự chủ về cuộc đời mình, tìm được ước mơ và mạnh dạn theo đuổi ước mơ..., với mình thế là hạnh phúc rồi. Sau này quán phát triển hơn, nguồn thu nhiều hơn thì lương các bạn cũng sẽ tăng, lo gì”, Luân cười.

Sắp tới, Luân sẽ đưa dự án sang Indonesia để tham dự cuộc thi khởi nghiệp về mô hình của quán. Cuộc thi này do chính các bạn câm điếc thi, đúng như nguyện ước của Luân khi thực hiện dự án là để các bạn câm điếc làm chủ dự án và làm chủ cuộc đời mình.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.