Để biện minh cho sự ô nhiễm của dòng sông Ba (đoạn qua thị xã An Khê, Gia Lai) trong nhiều tháng qua làm đảo lộn môi trường, cuộc sống và sinh hoạt của người dân tại đây, các công ty, nhà máy và Ban Quản lý Thủy điện 7 đều thoái thác trách nhiệm và cho rằng sự ô nhiễm không do đơn vị gây ra. Đó là những gì được ghi nhận trong các ngày làm việc, kiểm tra vừa qua của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Dù đã nhiều lần các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đã đưa tin, phản ánh sự việc về nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm, “bức tử” dòng sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê và cả sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không hề được cải thiện mà thay vào đó là sự hôi thối nồng nặc lại tăng lên làm cho người dân nơi đây càng thêm bức xúc.
Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh kiểm tra tình trạng ô nhiễm sông Ba. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo PGS-TS. Nguyễn Danh- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Việc chặn dòng của công trình thủy điện An Khê- Ka Nak, dù là công trình được Trung ương phê duyệt cũng phải đảm bảo quyền lợi của địa phương, của nhân dân bằng hoặc tốt hơn trước khi công trình được thực thi. Việc điều tiết như thế nào của Thủy điện 7 phải ưu tiên và đảm bảo cho đời sống của người dân trong vùng.
Cũng theo PGS-TS. Nguyễn Danh: Việc điều tiết nước của Thủy điện 7 vừa qua là đúng với quy trình, nhưng đó chỉ mới đúng với quy trình của hồ nước trong thiết kế chứ không đúng với quy trình của lưu vực này và đây chính là vấn đề cần được làm rõ, thống nhất. Không chỉ vậy, việc nghiệm thu điều tiết dòng chảy trong một đề tài của Trung ương vừa được nghiệm thu không hề có sự góp mặt của tỉnh cũng như cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các nhà khoa học tại địa phương tham gia, dù nhiều lần chúng tôi đã kiến nghị.
Lo lắng về vấn đề ô nhiễm tại địa bàn tác động đến đời sống, sức khỏe của người dân, ông Nguyễn Văn Thắng- Chủ tịch UBND thị xã An Khê cho rằng: Thủy điện là công trình quốc gia nhưng việc thi công, chặn dòng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Giải thích các vấn đề của Đoàn đại biểu Quốc hội và sự quan tâm, lo lắng của nhân dân thị xã An Khê, ông Nguyễn Văn Tặng-Phó Trưởng ban Quản lý Thủy điện 7-đơn vị trực tiếp thi công, vận hành nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak cho rằng: Vấn đề điều tiết lưu vực sông Ba hiện chưa có cơ quan nào quản lý, việc vận hành xả nước theo quy định 4 mét khối/giây đã dựa trên nhu cầu sử dụng, phát triển của lưu vực sông Ba cả tỉnh Phú Yên và Gia Lai và các vấn đề khác được Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt do vậy chúng tôi thực hiện đúng theo quy trình này. Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường do thủy điện gây ra là chưa chính xác bởi thủy điện có tác dụng rửa ô nhiễm chứ không hề làm bẩn thêm.
Chỉ đạo về vấn đề này, ông Hà Sơn Nhin đề nghị đơn vị quản lý thủy điện 7 tiếp tục duy trì thường xuyên lưu lượng nước xả 4 mét khối/giây trước khi có phương án mới khi các địa phương tổng hợp nhu cầu sử dụng nước của người dân và của nhà máy trong việc sử dụng nguồn nước sông Ba trên địa bàn tỉnh. Về vấn đề môi trường, qua khảo sát cho thấy các nhà máy sản xuất bước đầu đã có ý thức trong việc xử lý nước thải, tuy nhiên vẫn chưa có sự đồng bộ, do vậy đề nghị các đơn vị tiếp tục đầu tư các trang-thiết bị hiện đại trong việc xử lý nước trước khi thải ra môi trường đảm bảo sinh thái trên địa bàn và dòng sông trong tương lai.
Nguyễn Giác