Nuôi trồng nấm bào ngư xám trên mùn cưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cô giáo Trần Thị Thu Hằng cùng 2 học trò là Phan Thị Thương và Phạm Thị Hằng Nga (lớp 11B1, Trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vừa nuôi trồng thành công nấm bào ngư xám trên mùn cưa cây cao su. Không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế từ nguồn nguyên liệu phế thải, mô hình này còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ảnh: Mộc Trà
Em Phạm Thị Hằng Nga (lớp 11B1, Trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ) tỉ mỉ đóng bịch giá thể sau phối trộn. Ảnh: Mộc Trà

Nấm là loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, một số loại còn chứa các thành phần dược liệu. Những năm qua, nhiều người dân trong tỉnh đã phát triển đa dạng các loại nấm thương phẩm. “Ở huyện Đức Cơ, người dân chỉ mua phôi nấm về nuôi chứ chưa biết cách tạo ra phôi để phát triển kinh tế từ cây trồng này. Trong khi đó, lượng mùn cưa thải ra từ các cơ sở chế biến gỗ cao su tương đối lớn, nhiều nơi chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường. Đây chính là nguồn nguyên liệu ổn định để trồng nấm vì chúng không chứa tinh dầu và độc tính. Hơn nữa, với cấu trúc dạng hạt, có độ xốp, khả năng giữ ẩm cao, giàu cellulose... sẽ tạo điều kiện cho tơ nấm phát triển”-cô Hằng phân tích.

Tháng 8-2020, cô Hằng cùng 2 học sinh tiến hành nuôi trồng thử nghiệm nấm trên mùn cưa cây cao su với quy mô hộ gia đình. Loại nấm mà 3 cô trò lựa chọn là bào ngư xám vì dễ trồng, thích hợp với khí hậu ở địa phương, nhanh cho thu hoạch và giá trị dinh dưỡng cao.

Em Phan Thị Thương cho biết: “Dưới sự hướng dẫn của cô Hằng, chúng em đã chuẩn bị nguyên liệu cùng các vật dụng cần thiết để nuôi trồng nấm như: mùn cưa, cám gạo, bột bắp, bột nhẹ CaCO3; cân đồng hồ, thiết bị đo độ ẩm, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm môi trường; túi ni lông chịu nhiệt, bông nút, cổ nút, bạt ni lông... Còn meo giống nấm do cô Hằng đặt mua online từ một trung tâm giống uy tín. Lần đầu tiên tiếp cận với công việc này nên chúng em còn khá bỡ ngỡ”.

Ảnh: Mộc Trà
Hai nữ sinh Phan Thị Thương (bìa trái) và Phạm Thị Hằng Nga (lớp 11B1, Trường THPT Lê Hoàn, huyện Đức Cơ) phấn khởi giới thiệu về mô hình trồng nấm bào ngư xám trên mùn cưa cây cao su do mình thực hiện. Ảnh: Mộc Trà


Mùn cưa được cô Hằng cùng 2 cộng sự tận dụng từ bãi thải của 1 cơ sở chế biến gỗ cao su trên địa bàn. Sau khi đem về, mùn cưa được sàng kỹ nhằm loại bỏ những mảnh gỗ vụn, dăm bào hoặc đá sỏi; tưới nước vôi để đạt độ ẩm 65-70% rồi ủ trong vòng 7 ngày trước khi đem phối trộn nguyên liệu và đóng thành bịch giá thể. Bước kế tiếp là thanh trùng giá thể bằng hấp cách thủy trong hơi nước sôi liên tục 10-12 tiếng đồng hồ. Theo 3 cô trò, đây cũng là khâu khó nhất vì nó quyết định tỷ lệ thành công của bịch phôi nấm.

“Giá thể sau khi hấp thanh trùng phải để thật nguội trong khoảng 2 ngày mới tiến hành cấy meo giống. Chúng em chọn không gian kín gió nhưng thoáng khí để nuôi sợi, canh sao cho nhiệt độ môi trường ổn định 25-28oC và độ ẩm 65-70% là thích hợp nhất. Nếu độ ẩm không đảm bảo thì phải thường xuyên tưới tường và sàn nhà; tránh tưới nước trực tiếp vào bịch nấm. Trong quá trình nuôi sợi nấm không cần ánh sáng vì cường độ ánh sáng mạnh có thể làm ngưng quá trình sinh trưởng và gây chết sợi nấm. Thời gian ươm sợi khoảng 22-25 ngày. Khi thấy sợi nấm ăn trắng bịch phôi là đem chăm sóc và thu hoạch. Hàng ngày tưới nấm khoảng 3-4 lần dưới dạng phun sương lên bịch phôi và duy trì cho đến khi thu hoạch. Sau khi thu đợt 1, phải vệ sinh đầu bịch phôi rồi đậy nắp lại, chừng 5-7 ngày thì tháo nắp ra để thu đợt nấm tiếp theo. Bịch phôi nấm nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch 6-8 lần trong vòng 2 tháng”-Nga thông tin thêm.

Cô Trần Thị Thu Hằng (giữa) cùng 2 học trò Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2020-2021 với đề tài trồng nấm bào ngư xám trên mùn cưa cây cao su. Ảnh: Mộc Trà
Cô Trần Thị Thu Hằng (giữa) cùng 2 học trò Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2020-2021 với đề tài trồng nấm bào ngư xám trên mùn cưa cây cao su. Ảnh: Mộc Trà


Cô Hằng chia sẻ: “Lần đầu thực nghiệm, trong quá trình nuôi sợi bị nhiễm mốc đen, mốc xanh. Chưa kể sau chăm sóc, 60% bịch phôi cũng bị hỏng, không thể tạo nấm. Chúng tôi phải cùng nhau nghiên cứu lại, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Và cuối cùng, thành công đã đến sau bao nỗ lực của cả cô và trò”.

Cũng theo cô Hằng, việc nuôi cấy nấm trên mùn cưa cây cao su sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi lẽ, quy trình kỹ thuật không khó, chi phí sản xuất thấp. Mỗi bịch phôi nấm được tạo ra chỉ có giá xấp xỉ 2 ngàn đồng, trong khi giá bán trên thị trường là 10-20 ngàn đồng/bịch. Hiện nấm bào ngư xám thương phẩm có giá bán dao động từ 40 đến 60 ngàn đồng/kg. Mặt khác, mọi người có thể tận dụng nguồn phế phẩm mùn cưa cây cao su dồi dào tại địa phương để sản xuất nấm, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ loại chất thải này.

“Dự kiến trong tháng 10 này, cô trò chúng tôi sẽ tiếp tục nuôi cấy nấm, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm sạch cho riêng mình. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm dinh dưỡng đến người tiêu dùng, chúng tôi còn cung ứng giống cho những ai có nhu cầu; sẵn sàng hướng dẫn để bà con nuôi trồng thành công”-cô Hằng cho hay.


Thầy Nguyễn Minh Tèo-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoàn: Đề tài mà cô Trần Thị Thu Hằng và 2 học sinh thực hiện rất phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Không chỉ tạo ra được sản phẩm đa dạng cho ngành nông nghiệp, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đề tài này còn góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội và ô nhiễm môi trường.

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.