Nữ du khách Việt khám phá vùng đất huyền bí của người tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khu bảo tồn quốc gia Gobustan nằm ở chân phía đông nam của dãy núi Kavkaz, trong đó bảo tàng ngoài trời Gobustan là một trong những địa điểm độc đáo trên thế giới, nơi lưu giữ nhiều vết tích của người tiền sử.

Cách thủ đô Baku, Azerbaijan, khoảng 60 km, bảo tàng sẽ đưa bạn rời xa thế giới hiện đại, trở về thời gian và không gian hoàn toàn khác.

Nguyễn Lan Uyên (Saru), du khách Việt Nam, đã có hành trình đáng nhớ khám phá "vùng đất lửa" Azerbaijan huyền bí.

Saru cùng nhóm bạn đồng hành bên ngoài cổng vào khu bảo tàng ngoài trời Gobustan. Cộng hòa Azerbaijan là quốc gia nằm tại khu vực Tây Á và thuộc vùng Kavkaz của lục địa Á - Âu. Ảnh: Saru

Saru cùng nhóm bạn đồng hành bên ngoài cổng vào khu bảo tàng ngoài trời Gobustan. Cộng hòa Azerbaijan là quốc gia nằm tại khu vực Tây Á và thuộc vùng Kavkaz của lục địa Á - Âu. Ảnh: Saru

Vị trí của khu bảo tồn nằm trên các khe núi tự nhiên. Từ Gobustan có nghĩa là rìa khe núi (gobu là rỗng, khe núi và stan là đất) nằm trên dãy núi Boyuk Dash (hòn đá lớn), Kichikdash (hòn đá nhỏ), Ginhirdag, Shongardag, Shikhgaya và đồi Yazili.

Thoạt nhìn qua, Gobustan trông giống như một vùng đất chết với thuộc tính sa mạc và bán sa mạc, nhưng có đến hơn 14.000 người sống ở đây, trong 34 ngôi làng. Người dân vùng này coi nông nghiệp và sản xuất ngũ cốc là chính. Các nông sản quan trọng khác ở đây bao gồm cà chua, bắp cải, khoai tây, hướng dương, đậu Hà Lan, dưa, nho...

Điểm đặc biệt ở Gobustan chính là các tàn tích của hang động - nơi sinh sống của người tiền sử và hơn 6.000 bản khắc trên đá có niên đại từ 5.000 - 40.000 năm, mang giá trị khảo cổ quan trọng để nghiên cứu về khu vực này trong thời kỳ ẩm ướt sau Kỷ Băng Hà cuối cùng, từ thời kỳ đồ đá cũ đến thời Trung cổ.

Hình vẽ người tiền sử trên vách đá. Ảnh: Saru

Hình vẽ người tiền sử trên vách đá. Ảnh: Saru

Đầu tiên, bạn sẽ bước vào bảo tàng trong nhà của Khu bảo tồn quốc gia Gobustan, nơi trưng bày các hiện vật lâu đời và triển lãm hấp dẫn giới thiệu về di sản phong phú của khu vực, sẽ cho bạn biết lịch sử của "vùng đất khe núi" .

Bảo tàng trưng bày các công cụ bằng đá bao gồm dao, lưỡi dao, dụng cụ mài và đầu mũi tên, cùng với xương đã được phát hiện; những hình nộm động vật và người tiền sử được phục dựng, cùng với nhiều màn hình, máy chiếu để phục vụ cho việc chủ động tìm hiểu thông tin các mẫu vật dành cho du khách đến thăm.

Chúng tôi tiếp tục lái xe lên tầng trên của dãy núi Beyukdash và Kichikdash, nơi có những bức tranh khắc đá lâu đời nhất; còn các di tích thời kỳ Đồ đá cũ và Đồ đá mới ở các tầng thấp hơn. Thời kỳ Đồ đồng và Đồ sắt được đặt dưới chân núi, tạo thành những bậc thang nghịch đảo có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại.

Hình vẽ dê bezoar của người tiền sử. Ảnh: Saru

Hình vẽ dê bezoar của người tiền sử.

Ảnh: Saru

Độ tuổi của các bức tranh khắc đá được xác định bởi một nhóm chuyên gia liên ngành trong nhiều lĩnh vực khác nhau: nhân chủng học, địa chất, cổ sinh vật học, cùng những lĩnh vực khác. Tranh khắc đá là những bản vẽ mang tính biểu tượng do con người thời kỳ đầu tạo ra bằng cách đục đẽo vào lớp ngoài của đá. Nghệ thuật khắc đá thô sơ này là bằng chứng cho sự phát triển của tư duy biểu tượng, khiến nó trở thành một trong những hiện vật quan trọng nhất của lịch sử nhân loại thời kỳ đầu. Hầu hết các hình chạm khắc đều ở gần các khe nứt tự nhiên giữa các tảng đá lớn, nơi mà người tiền sử dùng làm nơi trú ẩn.

Bộ sưu tập các hình ảnh nghệ thuật trên đá khổng lồ này là bằng chứng đặc biệt về lối sống của người cổ đại: hình ảnh phụ nữ và đàn ông, động vật, lao động tập thể, săn bắn, thu hoạch, vũ điệu nghi lễ Yalli... Hình ảnh con thuyền và mặt trời tương tự như những bức tranh khắc đá được tìm thấy ở Thụy Điển, Urals và Ai Cập. Tất cả đều tạo thành một phần của mạng lưới hàng nghìn năm tuổi được cư dân nguyên thủy của vùng này sử dụng làm nơi ở và thánh địa tôn giáo.

Không gian xung quanh bảo tàng ngoài trời Gobustan. Ảnh: Saru

Không gian xung quanh bảo tàng ngoài trời Gobustan. Ảnh: Saru

Tranh khắc đá của bảo tàng Gobustan được đưa vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2007. Bạn hãy tưởng tượng một khu vực rộng lớn 537 ha chứa đựng tàn tích của lối sống thời tiền sử đầy mê hoặc lẫn huyền bí. Hơn 6.300 tác phẩm chạm khắc trên 1.031 tảng đá, 105.000 mẫu vật khảo cổ, 20 nơi trú ẩn và 40 hố chôn cất Kurgans đã được tìm thấy trên lãnh thổ.

Nhà thám hiểm và du khách nổi tiếng người Na Uy Thor Heyerdahl, người đã nhiều lần đến Azerbaijan để nghiên cứu tại khu vực Gobustan, phát hiện ra sự giống nhau giữa những con tàu được khắc trên đá với những con tàu được người Viking sử dụng và kết luận rằng người Viking đã bắt đầu cuộc hành trình về phía tây từ đây. Từ đó, ông cho rằng người Azerbaijan có mối liên kết với người Na Uy trong quá khứ.

Theo lời nhà nhân chủng học Thor Heyerdahl: "Người Azerbaijan nên tự hào về nền văn hóa tổ tiên của họ, một nền văn hóa phong phú và cổ xưa như ở Trung Quốc hay Lưỡng Hà".

Ngoài tranh khắc đá ra, Gobustan còn có những khối đá kỳ dị làm nơi hiến tế, lỗ thông khí đốt và "tảng đá hát", được gọi là Gaval Dash.

Tác giả bên "tảng đá hát" Gaval Dash. Ảnh: Saru

Tác giả bên "tảng đá hát" Gaval Dash. Ảnh: Saru

Gaval Dash được đặt ngay lối đi vào, dài hai mét, hòn đá tạo ra âm thanh trong vắt khi được "chơi" bằng cách đập những viên đá nhỏ hơn vào nó. Phiến đá cộng hưởng này là nhạc cụ nguyên thủy đi kèm với điệu nhảy chuỗi nghi lễ Yalli cổ xưa và vẫn được biểu diễn ở Azerbaijan cho đến ngày nay. Các loại đá khác ở khu vực Gobustan đã được chứng minh là có khả năng tương tự, được cho là kết quả của sự kết hợp giữa khí hậu độc đáo và tác động của khí tự nhiên trong khu vực.

Năm 2013, bảo tàng ngoài trời Gobustan đã chiến thắng trong cuộc thi "Bảo tàng châu Âu xuất sắc nhất năm" do Diễn đàn Bảo tàng châu Âu tổ chức. Đây là một trong những cuộc thi uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Mỗi nét vẽ thô sơ hàng nghìn năm kể lại một câu chuyện và mang đến cái nhìn sâu sắc về lối sống của tổ tiên loài người. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ và sự sáng tạo của con người tạo nên một cảnh tượng đầy mê hoặc. Bạn gần như có thể cảm thấy mình được quay ngược thời gian trở về thời điểm những nền văn minh cổ đại. Nó đóng vai trò như một lời nhắc nhở về lịch sử đã ăn sâu vào mọi ngóc ngách trên hành tinh của chúng ta như thế nào.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Du lịch 'trốn nóng' lên ngôi

Kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 chứng kiến nắng nóng gay gắt như đổ lửa trải dài từ Bắc vào Nam, nên những bãi biển mát lạnh hay vùng núi cao ngập cây xanh trở thành ưu tiên của nhiều gia đình đi chơi dịp này với quan điểm: Du lịch là phụ, trốn nóng là chính.
Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.
Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

Hoàng hôn buông trên cánh đồng Ngô Sơn

(GLO)- Từ trên cao, cánh đồng Ngô Sơn (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) đẹp tựa như một bức tranh. Dưới ánh hoàng hôn, từng thửa ruộng ánh lên sắc màu ấm áp, bình yên. Mời các bạn cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của nơi này qua góc máy của tác giả Phạm Quý.
Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

Ngắm hoàng hôn trên lòng hồ Ia Mua

(GLO)- Vào những chiều hè nắng rực, khi ánh hoàng hôn dần buông soi chiếu xuống mặt nước, hồ Ia Mua (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) trở thành một tấm gương khổng lồ, tạo nên khung cảnh yên bình và lãng mạn.