(GLO)- Chúng tôi đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam (đường Yết Kiêu, TP. Pleiku) vào một ngày cuối tháng 6. Mặc dù còn cách khá xa nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng ê a đánh vần vang ra từ lớp học văn hóa của Trung tâm. Trong lớp là một cô giáo nhỏ nhắn cùng với 16 em học sinh đủ mọi lứa tuổi.
Lớp học sạch sẽ với đầy đủ bàn ghế, bảng chống lóa, xung quanh tường được dán những bức tranh hoa quả, con vật sinh động, đẹp mắt. Ngồi ngay bàn đầu là hai em gái khoảng 6 tuổi, tay đang ghì chặt cây bút tô theo từng nét chữ, đôi mắt mờ đục chăm chú và cúi sát xuống trang giấy.
Nhưng thu hút sự chú ý của tôi hơn cả là em trai đang ngồi bệt dưới đất- em Trần Văn Huy (18 tuổi, ở phường Yên Thế, TP. Pleiku). Khuôn mặt nhăn nhó, răng nghiến kèn kẹt, đôi tay co quắp, cả người Huy gồng lên tập trung toàn bộ sức lực cho hai ngón chân kẹp chặt cây bút để viết từng nét chữ lên trang vở được cô giáo đặt trước mặt.
Lớp học đặc biệt tại Trung tâm. Ảnh: P.L |
Nhìn vào vở, tôi không nghĩ những chữ ấy được viết ra từ đôi chân của một người tàn tật. “Mặc dù không nói được nhưng em Huy đã biết viết và làm được toán lớp 3 đấy”-cô giáo của em xúc động cho biết. Khi viết sai đôi chân ấy liền kẹp lấy cây bút tẩy, mở nắp và tẩy một cách chuẩn xác. Mặc dù loay hoay gần một phút đồng hồ để đóng nắp cây bút vừa mở nhưng khi tôi định đưa tay giúp thì em liền từ chối bằng cách giật lại và nhất quyết làm cho bằng được. Sau đó, em tiếp tục viết và tôi chỉ “được phép” giúp đỡ bằng cách đọc cho em chép, từng chữ từng chữ một.
Bên cạnh phòng học là phòng điều trị, 5 em nhỏ đang được các y-bác sĩ châm cứu. Hầu hết các em đều gặp khó khăn trong việc vận động. Ngày ngày các em được đưa đến đây để chữa trị và tập luyện. Trong căn phòng nhỏ, các em nằm cạnh nhau, người này nắm tay người kia và tự động viên nhau cố lên, không được khóc khi bác sĩ chích từng cây kim lên khắp người mình. Tôi không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy những đôi chân tưởng như rất khỏe mạnh kia lại trở nên khó khăn, chập chững bước đi như đứa trẻ mới lên ba. Mặc dù vậy các em vẫn nở những nụ cười rất tươi mỗi khi được các bác sĩ hướng dẫn tập luyện.
“Niềm vui lớn nhất của mình là nhìn thấy các em tiến bộ từng ngày. Mỗi khi các em nhớ và đọc được dù chỉ một chữ cũng đủ làm mình xúc động, dù cho chữ đó mình đã dạy từ cả tháng trước”-cô giáo H’Khuin chia sẻ. Theo cô, nếu không có lòng yêu nghề và yêu trẻ, cô không thể “trụ” lại lớp lâu được. Chỉ tính riêng thành phần lớp học đã quá đặc biệt rồi, một mình cô phải đảm đương giảng dạy khi thì lớp 3, lúc lại lớp 1, vừa làm cô giáo nhưng cũng như vừa làm người mẹ thứ hai cho các em mỗi khi các em bất chợt “trở chứng” khóc nhè hay lên cơn co giật. “Hầu hết các em khi đến Trung tâm đều rất yếu, nhưng sau một thời gian ở đây các em đều biết đọc, viết và sức khỏe khá lên dần”-cô H’Khuin nói thêm.
Vừa châm cứu cho các em, bác sĩ Đặng Ngọc Thắng vừa pha trò, vừa tận tình hỏi han sức khỏe từng bệnh nhân đặc biệt của mình. Bác sĩ Thắng nói: “Các cháu bé đến đây đều là những bệnh nhân đặc thù mang căn bệnh bẩm sinh, mặc dù khả năng hồi phục hoàn toàn gần như là không thể, nhưng mỗi ngày một chút, các em tập luyện sẽ giúp cho các em phần nào tự giúp mình làm được những việc đơn giản tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt hàng ngày”.
Ông Nguyễn Kim Hưng- Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm mới chính thức hoạt động được gần 2 năm nhưng được các bậc phụ huynh rất tin tưởng bởi các em sau khi ở Trung tâm một thời gian đều tiến bộ rõ rệt, tự làm được nhiều việc phục vụ sinh hoạt cá nhân mà trước đó phải có cha mẹ trợ giúp.
Tuy nhiên đây là mô hình bán trú nên nhiều em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam ở các nơi xa thành phố không thể tới để điều trị. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của các ban ngành, các nhà hảo tâm để phát triển Trung tâm thành một khu nội trú, tạo điều kiện cho nhiều em khuyết tật hơn nữa được điều trị và học tập”.
Phương Linh