Những sai phạm từ bút phê vượt thẩm quyền tại dự án Thép Thái Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng loạt vấn đề liên quan đến trình hồ sơ dự án giai đoạn 2 thép Thái Nguyên đã bị lãnh đạo TISCO thời bấy giờ và Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) che giấu khi trình lên các cấp lãnh đạo để được phê duyệt dự án cùng với việc tiền liên tục chi ra một cách bất thường thanh toán cho nhà thầu Trung Quốc MCC đến nay vẫn là điều hết sức khó hiểu.
 
Những khối tiền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đắp chiếu nhiều năm qua của dự án giai đoạn 2 thép Thái Nguyên
Theo tài liệu của Tiền Phong có được, những biến báo trong quá trình lập hồ sơ đánh giá tiền khả thi và những điều chỉnh về vốn, kỹ thuật và các loại thiết bị nhà máy của những người tham gia triển khai dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang Thép Thái Nguyên (TISCO2) đã khiến dự án ngày càng lún sâu vào khó khăn và không thể cứu vãn được. Những gánh nặng này và chỉ đạo của những người liên quan dự án của TISCO và Tổng công ty thép Việt Nam đã khiến một đơn vị mạnh nhất ngành thép Việt Nam chìm trong khủng hoàng kéo dài cả chục năm nay mà không tìm được lối thoát.
Theo đó, hàng loạt vi phạm nghiêm trọng đã được các lãnh đạo TISCO che giấu để dự án được thông qua. Đáng chú ý nhất là việc TISCO đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi không đầy đủ cốt để dự án được thông qua khi trình VNS, Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ.
Thậm chí, các lãnh đạo TISCO còn lập Ban Quản lý dự án không đủ năng lực dẫn đến việc tự ý điều chỉnh thiết kế cơ sở không đúng quy định. Những việc này dẫn đến việc Bộ Công Thương sau đó đã có ý kiến với Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư mà không thẩm định những nội dung thay đổi. Thậm chí ở nhiều văn bản lãnh đạo TISCO còn giấu cả các nội dung điều chỉnh và bổ sung một số chi phí không có trong quyết định của VNS. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, những số tiền chi thêm vượt quy định của hợp đồng EPC lên tới hàng chục triệu USD.
“Lãnh đạo TISCO đã lập và trình xin phê duyệt điều chỉnh gói thầu EPC số 01# từ hơn 143,2 triệu USD lên hơn 160,9 triệu USD không đúng quy định tại khoản 26, điều 4, Khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu”, Kết luận Thanh tra  Chính phủ chỉ rõ.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về sau này, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, người có liên quan đến dự án này cũng thừa nhận việc điều chỉnh các khoản chi và tổng giá trị hợp đồng EPC là không đúng quy định. Về cơ bản, theo hợp đồng EPC, giá hợp đồng tổng thầu EPC là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế vì vậy việc điều chỉnh là không được phép. 
Đến hàng loạt văn bản được ký vượt thẩm quyền
Cùng với việc che giấu các thông tin, các hồ sơ phê duyệt dự án về sau cho thấy trong thực tế, các lãnh đạo TISCO và VNS đã giấu, không trình các cơ quan chức năng theo quy định cả danh sách các nhà thầu đạt kỹ thuật theo quy định. Cùng đó, TISCO còn ký nhiều nội dung trong hợp đồng EPC không chặt chẽ với tổng thầu Trung Quốc và cũng không quy định cụ thể về tiến độ thực hiện hợp đồng dẫn đến việc thi công bị dây dưa về sau mà không có chế tài xử lý.
Ngay cả  quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến nhà cung cấp, quy trình mua sắm  thiết bị, việc ký các hợp đồng xây lắp ba bên, giám sát chất lượng máy móc, thiết bị và tự ý thanh toán cho các nhà thầu phụ sau quy định của Luật Đầu thầu…. bị TISCO bỏ lơ trong suốt một thời gian dài mà không ai biết hay có động thái can thiệp.
“Việc quản lý dự án không đúng quy định, điều chỉnh vượt thẩm quyền của TISCO  đã gây bất lợi cho chính chủ đầu tư, kéo theo ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dư án, gây thất thoát vốn đầu tư”, Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương về sau chỉ rõ.
Ngoài những sai phạm trên, ngay cả khi sau 18 kể từu khi hợp đồng EPC có hiệu lực, nhà thầu MCC không thực hiện đúng cam kết nhưng lạ lùng thay, lãnh đạo TISCO không hề áp dụng các điều khoản phạt hợp đồng đã ký cũng như không hề có động thái báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu lại theo quy định. Việc MCC đưa ra đề nghị điều chỉnh hợp đồng với những hạng mục không hợp lý nhưng cũng không bị lãnh đạo TISCO và VNS can thiệp gì.
Một trong những hành vi dối trá nghiêm trọng nhất của dự án là việc TISCO không hề lập dự toán mà chỉ sử dụng số liệu của đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam (VINAICON) để trình VNS, các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chi phí phát sinh phần C lên tới 15,57 triệu USD. Số tiền này được xác định về sau là không có căn cứ để chi.
Một hành vi nghiêm trọng khác là lãnh đạo TISCO đã ký Biên bản thỏa thuận tách rời phần C để chuyển một số nội dung phần việc của phần P sang phần C với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng sai quy định về đầu tư và các điều khoản của hợp đồng EPC.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong vụ đại án TISCO 2, có tổng cộng 4 lãnh đạo của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) là các ông Nguyễn Kim Sơn, Đặng Thúc Kháng; ông Lê Phú Hưng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc và ông Trịnh Khôi Nguyên,Phó Tổng giám đốc VNS phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến mặt Đảng. 5 lãnh đạo của VNS và TISCO là các ông Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng giám đốc VNS và các ông Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch HĐQT TISCO; Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO; Ngô Sỹ Hán,  nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên có liên quan trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm trong triển khai thực hiện dự án TISCO II.

Phạm Tuyên (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.