(GLO)- Trung tuần tháng 5-2015, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác số 9 do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn làm trưởng đoàn ra thăm huyện đảo Trường Sa. Vượt qua hơn 1.200 hải lý, chúng tôi đặt chân đến 10 đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1 (DK1/17, DK1/18). Trong muôn vàn cảm xúc về vùng biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tôi đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những ngôi chùa Việt giữa trùng khơi sóng vỗ.
Thăm ngôi chùa lớn nhất ở Trường Sa
Đảo Song Tử Tây đón chúng tôi trong một buổi sáng trời yên biển lặng. Đứng trên boong tàu 571 phóng tầm mắt về phía Song Tử Tây, trước mắt chúng tôi là một dải lụa màu xanh. Nổi bật giữa nền xanh an hòa ấy là hình ảnh âu tàu tấp nập, nhà làm việc, ngọn hải đăng, tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và ngôi chùa thâm nghiêm trầm mặc hướng ra biển lớn.
Chùa Song Tử Tây. Ảnh: D.D |
Sau khi thực hiện nghi lễ chào cờ trên đảo, chúng tôi đến tham quan chùa Song Tử Tây. Dọc con đường dẫn vào chùa là những tán phong ba rễ bám chắc vào lòng đất mẹ, cành lá xanh gân guốc vươn mình trong nắng gió biển khơi. Phía trước tam quan là Quốc kỳ và cờ Phật giáo tung bay trong gió. Cổng tam quan được làm bằng gỗ quý nhưng đã bạc thếch vì thời gian, giữa gắn bốn chữ “Chùa Song Tử Tây” màu vàng trên nền đỏ. Qua khỏi tam quan là khu vườn rộng với những cây phong ba hoa trắng muốt, ở giữa là lối dẫn vào chính điện. Nhìn tổng quan, chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái; chính điện ba gian, hai chái; tả vu, hữu vu.
Hôm ấy, khuôn viên chùa rực một màu cờ đỏ sao vàng trên áo của hơn 200 đại biểu đến từ khắp các vùng miền trong cả nước. Mọi người đến đây để một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa, cũng là để chiêm bái nét văn hóa thuần Việt được vun đắp mấy ngàn năm tại hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Do đó, ai nấy đều lấp lánh niềm vui, dạt dào cảm xúc và tự hào là con dân đất Việt. Tại khu vực chính điện, Đại đức Thích Nhuận Đạt, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn và các đại biểu trong đoàn thực hiện nghi lễ dâng hương cầu cho quốc thái dân an. Trong khói hương trầm mặc, tất thảy mọi người đều thành kính trang nghiêm. Vượt lên trên cái nền ấy là những tiếng chuông chùa ngân vang hòa quyện vào tiếng sóng đại dương ngàn năm bất tử.
Tác giả trước chùa Trường Sa Lớn. |
Sau khi hành lễ xong, bên tách trà ấm nóng, Đại đức Thích Nhuận Đạt cho biết: “Hầu hết các đoàn công tác từ đất liền ra đều đến tham quan và thực hiện nghi lễ cầu quốc thái dân an tại đây. Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cũng đến đây thắp hương cầu cho mảnh đất này, vùng biển này mãi mãi trường tồn cùng dân tộc”. Lời tâm sự của vị sư trụ trì làm chúng tôi nhớ lại câu nói của chị Trương Thị Thanh Xuân-một người dân sống trên đảo-trước đó: “Không chỉ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mà ngư dân mỗi khi đến Song Tử Tây đều đến thắp hương cầu cho tàu thuyền thuận buồm xuôi gió và bội thu”. Còn với anh Hồ Việt Giang-Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã đảo Song Tử Tây, thì: Kiến trúc chùa hợp với ngọn hải đăng và tượng đài Trần Hưng Đạo tạo thành một quần thể kiến trúc mang giá trị lịch sử-văn hóa, tâm linh tiêu biểu và thuần Việt trên Biển Đông.
Từ xa xưa, trên quần đảo Trường Sa đã có những am do ngư dân người Việt xây dựng để cầu trời, khấn Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên, bội thu hải sản, cuộc sống ấm no. Trên nền tảng đó, các chùa đã được định hình, phát triển. |
Nơi hòa quyện giữa đạo và đời
Đảo Trường Sa Lớn là một trong những nơi tạo ấn tượng sâu đậm nhất đối với chúng tôi trong suốt cuộc hành trình. Ở khoảng cách vài hải lý, chúng tôi đã kịp thu vào tầm mắt hình ảnh một “viên ngọc” màu xanh với đường băng kéo dài và mái nhà làm việc hình lá cờ Tổ quốc. Đón đoàn công tác tại khu vực cầu cảng, ngoài sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ, người dân, còn có Đại đức Thích Pháp Đạt-Trụ trì chùa Trường Sa Lớn.
Thời gian đoàn lưu lại trên đảo khá dài nên chúng tôi có dịp thăm thú nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Tại thị trấn trung tâm huyện đảo Trường Sa này, tôi đặc biệt ấn tượng với cụm công trình tâm linh, gồm: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn...
Chùa trên đảo Sơn Ca. Ảnh: D.D |
Về kết cấu, chùa Trường Sa Lớn cũng giống với các ngôi chùa khác trên quần đảo Trường Sa. “Ở Trường Sa, đạo và đời hòa quyện với nhau” như lời Đại đức Thích Pháp Đạt nên ngay tại cổng tam quan treo băng rôn với dòng chữ “Chư tăng chùa Trường Sa Lớn cung đón quý vị đại biểu, quý phái đoàn từ đất liền ra thăm”. Qua khỏi cổng tam quan là con đường lát gạch đá rất sạch sẽ, đặt dọc trục thần đạo, hai bên đường là dãy các cây vạn niên thanh. Chính giữa gian thờ là Đại hùng Bảo điện. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Tượng Phật ngọc tại chùa Trường Sa Lớn do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cung tiến kèm theo bức thư có đoạn: “Tôi xin kính tặng lại chùa Trường Sa Lớn thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni. Tượng Phật ngọc này của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại chùa Vàng Shwedagon, thủ đô Yangon, trong chuyến thăm chính thức nước Myanmar”. Trong thư, Thủ tướng mong muốn: “...Đức Phật phù hộ độ trì: Cho quân dân huyện đảo Trường Sa bình yên, mạnh khỏe, hạnh phúc, thắng lợi. Cho nước Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cho vùng Biển Đông, cho các quốc gia trong khu vực và trên thế giới sống trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng phát triển, cùng thịnh vượng…”.
Theo Đại đức Thích Pháp Đạt, những năm qua, tăng ni, phật tử và đồng bào trong cả nước đã đóng góp nhiều công sức và tiền của để trùng tu ngôi chùa. Ở chiều ngược lại, chư tăng chùa Trường Sa Lớn rất quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Trong đó, Thượng tọa Thích Giác Nghĩa-nguyên trụ trì chùa Trường Sa Lớn là tấm gương sáng cho tinh thần hòa hợp giữa đạo và đời. Với mối lương duyên ấy, từ bao đời nay, ngôi chùa là nơi đi-về của không chỉ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa mà cả những con dân nước Việt đến từ đất liền.
Khi tôi đang ngồi viết về những ngôi chùa trấn quốc thì một đồng nghiệp cũng đang ở Trường Sa gọi điện về thông tin: “Chuyến tàu chở hàng Tết đầu tiên đã cập cảng đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ, người dân và chư tăng ở đây rất phấn khởi khi đón nhận những tấm lòng thành từ đất liền. Như mọi ngày, tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa lại ngân lên mang theo ước vọng an bình, phát triển trong năm mới Bính Thân”.
Duy Danh