(GLO)- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai vừa phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại một số doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn vi phạm Luật An toàn vệ sinh lao động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong quá trình hoạt động.
Trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng. Ảnh: Đinh Yến |
Trong 5 đơn vị mà đoàn tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động thì cả 5 đơn vị đều thực hiện chưa tốt về lĩnh vực này. Có mặt tại khu vực sản xuất xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà-Ia Ly, chúng tôi nhận thấy môi trường làm việc ở đây có nhiều tiếng ồn và bụi, dù khi có đoàn kiểm tra thì khu vực sản xuất được doanh nghiệp cho ngừng hoạt động. Khi được hỏi về việc sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc, anh Trịnh Quốc Toản-Tổ trưởng Tổ nghiền xi măng của Công ty, cho biết: “Mỗi năm Công ty đều trang bị bảo hộ lao động, gồm: quần áo, giày, mũ, khẩu trang, găng tay để chống ồn và bụi. Song tôi chỉ mặc quần áo bảo hộ lao động còn các trang bị bảo hộ khác tôi không dùng vì thấy khó chịu”.
Qua quan sát, chúng tôi còn nhận thấy, 154 cán bộ, công nhân-người lao động ở đây hàng ngày phải chịu ảnh hưởng từ bụi xi măng, đặc biệt là 87 công nhân trực tiếp sản xuất. Công ty đã đo kiểm môi trường lao động, song tại thời điểm kiểm tra, chỉ có 11/32 mẫu là đạt. Đơn vị chưa trang bị tủ thuốc tại nơi làm việc, chưa tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp còn nợ trên 1,3 tỷ đồng bảo hiểm xã hội. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khuê-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà-Ia Ly cho biết: Đơn vị tiếp nhận bộ máy và toàn bộ cơ sở vật chất của Công ty cũ từ tháng 6-2015. Hiện nay, chúng tôi mới cải thiện lại môi trường làm việc được 60%, còn để đảm bảo 100% phải mất một thời gian nữa. Là đơn vị sản xuất xi măng nên bụi là không thể tránh khỏi.
Kiểm tra tại Trạm Bê tông của Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng, chúng tôi cũng thấy rất ít lao động trong giờ làm việc đeo khẩu trang chống bụi. Đang chuẩn bị cho công việc lái xe chở bê tông, anh Đào Văn Hiến, kể: “Tôi mới vào làm việc ở đây được 1 năm. Vì tiền lương khoán hết vào sản phẩm nên chúng tôi chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc chứ ít khi để ý đến việc thực hiện các phương tiện bảo hộ bảo vệ sức khỏe cho mình. Đeo khẩu trang khó thở, vướng víu lắm”. Cùng với đó, Công ty cổ phần Bê tông Chiến Thắng sử dụng 1 cổng trục 7.500 kg, 1 cẩu trục, 1 xe nâng 2.000 kg nhưng đã hết hạn đăng kiểm, riêng xe nâng chưa được đăng kiểm. Ngoài ra, việc huấn luyện vệ sinh an toàn lao động cho người lao động cũng chưa được đơn vị thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hải-Tổng Giám đốc Công ty thừa nhận: “Là doanh nghiệp tư nhân nên tôi phải kiêm nhiệm nhiều việc thì kinh doanh mới có lãi. Theo đó, một số văn bản, quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động chưa được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thời gian tới, Công ty sẽ khắc phục”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, trước hết doanh nghiệp nên thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; thường xuyên tổ chức tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho những người làm công tác quản lý và người lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp căn cứ vào yêu cầu sản xuất kinh doanh và điều kiện cơ sở vật chất, tìm biện pháp chuyển đổi công nghệ phù hợp theo hướng hiện đại, nhằm khắc phục những ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe của công nhân.
Đinh Yến