(GLO)- Chợ xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2010. Chợ có vai trò quan trọng trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, có nhiều bất hợp lý xảy ra trong việc sắp xếp các hộ kinh doanh dẫn đến việc tiểu thương thuê ki ốt, quầy sạp trong nhà lồng khiếu nại đến cơ quan thẩm quyền.
Tiểu thương thuê sạp, ki ốt chịu thiệt
Chợ xã Nghĩa Hưng được thiết kế kiểu nhà lồng bên trong có sạp, ki ốt. Thiết kế này vừa đảm bảo cho hoạt động mua bán trong chợ diễn ra trật tự, hàng hóa được bảo quản vệ sinh, an toàn. Thế nhưng, kể từ khi đi vào hoạt động, tình trạng buôn bán tại đây khá lộn xộn. Theo đơn của các tiểu thương, trước ngày chợ đi vào hoạt động, Ban Quản lý (BQL) chợ đã có nội quy và phương án quy hoạch các ngành hàng, giá cả, thời gian cho thuê, quy chế cho thuê các quầy sạp, đồng thời thống nhất bố trí các mặt hàng buôn bán theo đúng quy định. Song từ đó đến nay, những tiểu thương không thuê quầy sạp, ki ốt vẫn “vô tư” dựng sạp cố định buôn bán đủ các mặt hàng ngay hai bên lối đi vào chợ nhưng không thấy BQL chợ giải quyết. Tình trạng này làm cho một số tiểu thương ít vốn, kinh doanh trong nhà lồng phải điêu đứng vì mặt hàng họ đăng ký kinh doanh không bán được. Cũng theo phản ánh, lô trống trong chợ còn rất nhiều nhưng BQL chợ lại “khuyến khích” các tiểu thương ra ngoài nhà lồng kinh doanh và viết đơn “tự nguyện” mua lô dựng sạp để buôn bán. Đồng thời, BQL chợ cho thu phí hàng ngày đối với những hộ kinh doanh này nhưng không có phiếu thu.
Nhiều tiểu thương bày hàng hóa hai bên lối đi vào chợ. Ảnh: T.H |
Bà N.T.K. có sạp trong nhà lồng chợ Nghĩa Hưng cho biết: Khu vực trong nhà lồng có nhiều lô với các mức giá thuê khác nhau, lô cao nhất gần 20 triệu đồng, lô thấp nhất 13 triệu đồng (trong thời hạn 10 năm). Theo quy định của BQL chợ, các chủ lô phải kinh doanh đúng nhóm hàng, mặt hàng tại các khu vực đã định sẵn. Như vậy, theo quy định thì khu vực ngoài nhà lồng không được dựng sạp kiên cố. Tuy nhiên, BQL chợ lại “thả nổi” để một số hộ dựng sạp buôn bán bên ngoài nhà lồng không theo trật tự nào. Tình trạng trên đã diễn ra nhiều năm gây thất thu cho các tiểu thương kinh doanh hàng hóa trong nhà lồng.
Bà K. cho biết thêm: Những người thuê lô trong nhà lồng có giấy phép đăng ký kinh doanh, đóng thuế môn bài 300 ngàn đồng/năm, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân hơn 1,5 triệu đồng/năm (thu theo quý) nhưng buôn bán ế ẩm hơn những người bên ngoài. Từ đó, nhiều tiểu thương trước đây thuê lô trong nhà lồng đã bỏ lô (có người cho thuê lại) để ra ngoài bán. “Chúng tôi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và các lệ phí khác đối với Nhà nước song quyền lợi thì không được cơ quan nào bảo vệ”-bà K. nói. Không cạnh tranh được với bên ngoài, nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa quầy. Đây chính là nguyên nhân khiến các quầy bỏ không trong chợ ngày một nhiều hơn. Thay vì dẹp bỏ kiểu buôn bán tràn lan khu vực lối đi vào chợ thì BQL lại “làm ngơ” cho những người kinh doanh ngoài nhà lồng hoạt động để thu tiền chợ vài ngàn đồng/người/ngày nhưng không có hợp đồng chứng minh lô, sạp này của ai và đáng lưu ý là không có hóa đơn thu tiền.
Giống như bà K., nhiều tiểu thương khác cũng không giấu được sự bức xúc bởi buôn bán trong chợ phải đóng tất cả các loại thuế, còn bên ngoài chỉ đóng 1 triệu đồng/năm và 5 ngàn đồng/ngày cũng mua được một chỗ bán (2 m x 1,6 m) và có thể mua lô rộng hơn tùy theo số lượng hàng hóa. Chính vì vậy, ngày 7-4-2017, nhiều tiểu thương đã đồng ký đơn kiến nghị gửi Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah. Các cơ quan này cũng đã vào cuộc tổ chức nhiều cuộc họp. Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện cũng đã chỉ đạo BQL chợ tháo dỡ trả mặt bằng thông thoáng, tránh trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, sau đó, tình trạng này vẫn y như cũ.
Với các tiểu thương bỏ sạp, việc tìm người sang nhượng đã khó, còn với các hộ kinh doanh trong nhà lồng thì tình trạng buôn bán còn khó khăn hơn rất nhiều. Tiểu thương tại khu vực nhà lồng cho biết, mấy tháng nay, mỗi ngày họ chỉ thu được vài trăm ngàn đồng tiền hàng. Họ đã nhiều lần kiến nghị đến BQL chợ để lập lại trật tự buôn bán hai bên lối đi, tạo bình đẳng cho các hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước nhưng đến nay, tình trạng buôn bán vẫn tràn lan. Ngoài thắc mắc về lô sạp, tiểu thương còn kiến nghị BQL chợ mở thông thoáng các cửa để thuận tiện cho việc mua bán, tháo dỡ trả lại mặt bằng thông thoáng và không cho buôn bán ở các lô bên ngoài...
Thu phí để sửa sang chợ và chi phí điện, vệ sinh
Trao đổi với chúng tôi về kiến nghị của tiểu thương, bà Trần Thị Hà-Trưởng BQL chợ Nghĩa Hưng-cho biết: Ban Quản lý chợ cũng đã nhận được phản ánh của các tiểu thương về tình trạng dựng sạp cố định ngoài nhà lồng để buôn bán nhưng khi kiểm tra thì không đúng, hầu hết chỉ có dù che. Ban Quản lý chợ cũng nhiều lần sắp xếp lại các khu vực bán hàng, đồng thời nhắc nhở, vận động và yêu cầu các tiểu thương buôn bán đúng nơi quy định. Theo bà Hà, tình trạng mua bán ngoài nhà lồng như đã nêu có nguyên nhân từ việc thiết kế các sạp nhà lồng không hợp lý, diện tích lô sạp nhỏ, không đủ để tiểu thương kinh doanh.
Bà Hà cho biết thêm: Đối với số tiền thu 1 triệu đồng/năm của tiểu thương ngoài nhà lồng, chúng tôi sẽ họp và thông báo cho tiểu thương được rõ. Đây là nguồn thu duy nhất để sửa sang lại chợ như: xây tường rào, làm lại cổng... Riêng khoản thu 5 ngàn đồng/ngày thì chi cho tiền điện, dọn rác và các chi phí khác. Giải thích về việc không có phiếu khi thu tiền, bà Hà cho rằng: Trước đây vẫn có phiếu thu đầy đủ nhưng sau đó tiểu thương không nhận nên chúng tôi không ghi nữa. Vấn đề này, BQL chợ sẽ rút kinh nghiệm.
“Chợ Nghĩa Hưng trước đây (2011-2017) do huyện Chư Pah quản lý, sau đó bàn giao cho xã. Xã nhận và bàn giao lại cho BQL chợ. Vì vậy, chúng tôi cũng cố hết sức trong khả năng của mình, tạo nguồn thu để đảm bảo duy trì chợ phát triển và sạch đẹp như ngày hôm nay. Sau khi hết hạn hợp đồng, BQL chợ sẽ thay đổi cho phù hợp hơn với kiến nghị của tiểu thương”-bà Hà nói.
TRẦN HẰNG