Người Pleiku nuôi "thú cưng" để hút khách du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một số gia đình ở TP. Pleiku có thêm khoản thu nhập đáng kể nhờ chăn nuôi gia súc, thú cưng phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm; đồng thời, tạo điểm nhấn thú vị cho bức tranh du lịch của Phố núi.

1. Không phải bỗng dưng người ta gọi vùng đất bồi ở hồ Ia Nâm sau mùa nước rút là “bãi dê”. Trên khoảnh đất trống trải dài mênh mông, đàn dê của gia đình anh Võ Nhật Quang (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn) thong thả tìm kiếm thức ăn tạo cho lữ khách cảm giác như đang đứng trước vùng thảo nguyên bao la, tươi đẹp.

Du khách chụp hình ở bãi dê thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: Mai Ka
Du khách chụp hình ở bãi dê thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku. Ảnh: Mai Ka



Vừa lùa đàn dê từ chuồng xuống thảm cỏ xanh mướt nơi lòng hồ, anh Quang kể: Năm 2002, vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi dê giống Boer với chỉ 3 con giống. Hiện gia đình anh đã nhân giống thành công với số lượng lên đến 150 con. “Gần 5 năm trước, trong một buổi chiều đưa dê ra thả ở bãi bồi này, có đôi bạn trẻ đang chụp ảnh cưới mong muốn “thuê” đàn dê của tôi để tạo bối cảnh. Sau đó, họ gửi tặng tôi 50 ngàn đồng. Lúc đó, tôi cũng khá ngạc nhiên và bối rối. Dần dà, nhiều du khách tới đây ngỏ ý muốn thuê đàn dê để chụp ảnh. Vậy là dịch vụ cho thuê dê chụp ảnh bắt đầu từ đó”-anh Quang tâm sự.

Anh Quang cho biết thêm, lúc đầu chủ yếu là khách đi ngang qua dừng chân chụp ảnh. Sau đó, thanh niên, học sinh, rồi đến những cặp tình nhân chụp ảnh cưới. Mỗi cặp tình nhân thuê chụp ảnh với giá 50 ngàn đồng nhưng cũng có lúc họ gửi trả 100-200 ngàn đồng. Đối với khách du lịch, anh chỉ lấy 20 ngàn đồng/người. Ngày ít khách, gia đình anh thu khoảng hơn 500 ngàn đồng; cá biệt có ngày, dịch vụ cho thuê dê chụp ảnh đem về nguồn thu 1,8-2 triệu đồng.  

Nhờ có đàn dê mà những tấm hình lưu niệm của du khách thập phương trở nên thú vị hơn. Chị Nguyễn Thị Trang Nhung-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh-cho hay: “Chúng tôi biết tới bãi dê này qua những hình ảnh mà bạn bè chia sẻ trên mạng xã hội. Giữa lòng hồ, đàn dê nhởn nhơ nhấm nháp từng ngọn cỏ. Bên kia hồ là dãy núi Grang, xa hơn là ngọn Chư Đang Ya và dãy Chư Nâm hùng vĩ. Vài chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ bên bờ. Khung cảnh ở đây thật hữu tình. Đàn dê ở đồng cỏ này đã giúp chúng tôi có những bộ ảnh sinh động và ý nghĩa”.

Du khách có thể vào tận vườn để trải nghiệm các công đoạn chăm sóc dê. Ảnh Mai Ka
Du khách có thể vào tận vườn để trải nghiệm các công đoạn chăm sóc dê. Ảnh Mai Ka


Ông Nguyễn Văn Tuyên-Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-thông tin: “Nơi lòng hồ nối giữa Biển Hồ nước và hồ Ia Nâm (xã Tân Sơn) thu hút du khách bởi khung cảnh đậm chất du mục khi có những đàn dê của người dân chăn thả ở đây. Có thể nói, mô hình nuôi dê của gia đình anh Quang đã gắn kết giữa sản phẩm nông nghiệp với du lịch. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, mô hình còn góp phần đa dạng các loại hình du lịch của địa phương”.

2. Trong khi đó, anh Lê Thành Trung (441/12 Lý Thái Tổ) ban đầu chỉ có ý định mở một quán cà phê nhỏ để thỏa mãn thú vui chơi bonsai. Thế nhưng, vô tình những con vẹt mà anh nuôi trong không gian quán được nhiều du khách, nhất là trẻ em vô cùng yêu thích bởi sự thân thiện, dạn dĩ. Bonsai Kafe bỗng dưng hút khách từ những điều nhỏ bé như vậy.

Nắm bắt lợi thế, anh Trung tiếp tục đầu tư mua thêm nhiều loài vẹt cảnh khác, ngoài vẹt ngực hồng thì còn có vẹt đuôi dài mặt trời (Sun Conure), vẹt Macaw… Không chỉ vậy, anh còn mua thêm 2 con rùa cạn châu Phi và khoảng 10 con thỏ nuôi thả tự do trong khuôn viên quán. Khách đến quán có thể thoải mái vui đùa, bế bồng, chụp ảnh cùng các con vật. Đặc biệt, các em nhỏ rất thích thú khi có thể cho vẹt đậu lên tay, vai, vuốt ve và cho rùa, thỏ ăn cà rốt… hàng giờ đồng hồ mà không biết chán.

Những con vẹt với bộ lông nhiều màu sắc, lại thân thiện ở quán Bonsai Kafe khá thu hút các em nhỏ đến vui chơi. Ảnh: Phương Vi
Những con vẹt với bộ lông nhiều màu sắc, lại thân thiện ở quán Bonsai Kafe thu hút các em nhỏ đến vui chơi. Ảnh: Phương Vi


Không gian rộng rãi, thoáng đãng cũng là điểm cộng giúp Bonsai Kafe giữ được lượng khách ổn định. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ lễ 2-9 vừa rồi, quán đón hơn 200 khách mỗi ngày. Có thời điểm, quán phải treo biển “hết bàn” vì lượng khách đổ về quá đông. Anh Trung chia sẻ: “Tôi cũng khá bất ngờ trước sức hút của các loài động vật nhỏ với du khách. Có nhiều bạn nhỏ cứ cuối tuần nhất định phải đến đây để được chơi với vẹt, rùa, thỏ. Các con vật tôi nuôi cũng đều là những loài hiền lành, dễ gần và đã dạn người nên các em rất thích. Sắp tới, tôi mua thêm một vài giống vẹt, rùa mới lạ để phục vụ nhu cầu vui chơi cho khách”.

Từ TP. Hồ Chí Minh tranh thủ về thăm người thân, chị Nguyễn Thị Thùy Dương cũng đưa các con đến vui chơi tại Bonsai Kafe. Chị Dương bày tỏ: “Tôi thấy mô hình này rất hay, người lớn có chỗ thoải mái để ngồi hàn huyên, trẻ con có không gian để chạy nhảy, vui đùa, đặc biệt là được chơi cùng thú cưng. Điều đó vừa giúp các con có thêm tình yêu với động vật, vừa tránh xa các thiết bị điện tử”.

 

 MAI KA - PHƯƠNG VI

 

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.