Người Jrai chung tay làm du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Càng gần đến kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ông Ksor Lơl càng khẩn trương chuẩn bị lễ cúng cầu mưa (Yang Ơi Đai). Ngày đó, du khách khắp nơi sẽ kéo nhau về làng Rbai A và Rbai B (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) tham quan, xem lễ rất đông. Bà con Jrai nơi đây cũng đang hối hả chuẩn bị các sản vật đặc sắc của địa phương để giới thiệu đến du khách.
Lễ hội của cộng đồng
Những người già trong làng Rbai A, Rbai B cũng không nhớ lễ cúng cầu mưa có tự khi nào. Chỉ biết rằng, đây là sự tiếp nối của lễ cầu mưa Yang Pơtao Apuih ở làng Vua Lửa Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa phục vụ sản xuất, mang lại cuộc sống ấm no, sức khỏe cho bà con dân làng.
“Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apuih ở Plei Ơi là chính, là nguồn gốc, còn Yang Ơi Đai ở làng Rbai B và các làng khác khắp thung lũng Cheo Reo này là sự tiếp nối, là nhánh rễ. Chính vì thế mà lễ cúng cầu mưa ở làng Vua Lửa thực hiện trước, vào sáng sớm, còn lễ cúng cầu mưa các nơi khác diễn ra vào buổi trưa hoặc chiều”-già Rơ Mah Yuang (67 tuổi, làng Rbai A) cho biết.
Chị Rmah H'Ren (Plei Gok, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chuẩn bị các mặt hàng thổ cẩm để phục vụ du khách. Ảnh: T.Đ
Chị Rmah H'Ren (Plei Gok, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) chuẩn bị các mặt hàng thổ cẩm để phục vụ du khách. Ảnh: T.Đ
Cứ đến cuối tháng 4, khi kết thúc mùa gặt, thóc lúa chất đầy bồ, thầy cúng Ksor Lơl (hơn 60 tuổi, ở làng Rbai B, xã Ia Piar) lại chọn ngày, còn bà con Jrai trong làng góp gạo, góp tiền, lễ vật để cúng Yàng. Năm nay, sau cuộc họp chung của cả làng Rbai A và Rbai B vào giữa tháng 3, hơn 200 hộ dân ở đây đã thống nhất mỗi nhà góp 2 lon gạo và 30.000 đồng để làm lễ cúng, kể cả gia đình thầy cúng Ksor Lơl. Trong đó, một phần gạo sẽ được thầy cúng Ksor Lơl ủ 1 ghè rượu cúng và chưng làm lễ vật, phần còn lại để nấu cơm cho cả làng ăn chung trong bữa tiệc. Riêng khoản tiền đóng góp được dùng để mua 2 con heo, gồm 1 con heo cái ngả thịt, lấy phần đầu và đuôi để cúng Yàng, 1 con heo to khác để cả làng ăn mừng lễ cúng cầu mưa.
Trong số lễ vật cúng, ngoài ghè rượu chung của cả làng do chính tay thầy cúng Ksor Lơl ủ thì còn có 7 ghè rượu khác của 7 gia đình đầu tiên đến lập làng được xếp thành hàng dưới đất. Ngày tổ chức lễ cúng, từ sáng sớm, già trẻ 2 làng lũ lượt kéo đến nhà thầy cúng Ksor Lơl. Đám thanh niên trai tráng chia nhau đi chặt lồ ô về nấu cơm lam và cùng người già mổ heo, khiêng kiệu ra bến sông làm lễ rước nước. Các bà, các chị thì chung tay nấu nướng. “Nhà nào cũng gùi theo 1 ghè rượu, có đến hơn 200 ghè dựng thành hàng dài chật cả sân nhà thầy cúng để sau khi cúng xong thì cả làng cùng nhau uống rượu, múa xoang vui ngày hội làng”-bà Nay HUn (83 tuổi, làng Rbai B) hào hứng nói.
Nhiều sản vật hấp dẫn
Ngoài việc chung nhau làm lễ vật để cúng Yàng cầu mưa, trong 2 ngày tổ chức lễ hội (30-4 và 1-5), nhiều hộ dân trong làng sẽ tổ chức các gian hàng trưng bày sản vật do chính mình làm ra để phục vụ du khách. “Qua đăng ký đã có 17 hộ tham gia các gian hàng như: gà nướng, cơm lam, rượu ghè, canh lá mì, thịt bò một nắng, muối kiến vàng; có cả các gian hàng quà lưu niệm như: túi xách, mũ, khăn quàng cổ, áo quần bằng thổ cẩm… do chính tay các bà, các mẹ Jrai tự làm. Cũng sẽ có một số gian hàng bán cà phê, nước giải khát để giúp du khách giải nhiệt trong ngày nắng nóng”-ông Phạm Văn Phương-Bí thư Đảng ủy xã Ia Piar-cho biết.
Nhiều gia đình đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội này để kiếm thêm thu nhập. Từ vài tháng nay, bà Nay HUn đã cùng con gái chuẩn bị ủ hơn 10 ghè rượu loại nhỏ và đan mấy chục cái gùi cỡ vừa để bán cho du khách. “Năm ngoái, già làm có 5 ghè rượu và 10 cái gùi bán một lúc buổi sáng là hết hàng. Tới trưa, nhiều khách tham quan đến hỏi nhưng không có để bán. Vì vậy, năm nay, già đan nhiều gùi và làm nhiều ghè rượu hơn”-bà HUn vui vẻ cho hay.
Trưởng thôn Rbai B Nay Khuôn cũng có một gian hàng bán các loại quần áo và túi xách bằng thổ cẩm do vợ con ông làm ra. “Mình vận động bà con tham gia gian hàng, ai có sản phẩm gì thì bán sản phẩm nấy, như gạo, nếp, các loại rau xanh, xoài, ổi, kể cả con heo, con gà, giống như một phiên chợ nông sản vậy”-ông Khuôn bày tỏ.
Nhiều bạn trẻ ở các làng khác đã nắm bắt cơ hội này để liên kết với thanh niên làng Rbai tổ chức gian hàng. Điển hình là anh Siu Nghiệp (35 tuổi, Plei Gok, xã Ia Piar) hợp tác với ông Ama Ka ở đối diện nhà thầy cúng Ksor Lơl tổ chức gian hàng phục vụ các món đặc sản của địa phương. Hay như chị Rmah H'Ren (26 tuổi, Plei Gok) đã tranh thủ đặt mua các mặt hàng thổ cẩm từ các nơi khác về cất trữ để chờ đưa ra trưng bày tại lễ hội phục vụ du khách.
Từ  một nghi lễ mang tính truyền thống của cộng đồng, giờ đây lễ cúng cầu mưa của người Jrai ở xã Ia Piar đã phát triển thành một lễ hội thu hút đông đảo du khách. Cũng từ đây, ý thức làm du lịch đã bắt đầu lan tỏa trong cộng đồng, giúp người dân có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.
 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.