Ngược dòng sông Mã thăm 'Tây Tiến'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bức phù điêu bằng đá xanh nguyên khối khắc hình ảnh 3 chiến sĩ Tây Tiến cùng hai câu thơ "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi" được dựng năm 2020 đã trở thành nơi hồi tưởng của khách phương xa khi có dịp đến Sài Khao.

Từ Mai Châu, Hòa Bình tôi tìm về miền sơn cước Pù Luông, huyện Bá Thước, Thanh Hóa và dự định sẽ ngủ một đêm ở bản dân tộc Thái bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nhưng cái mãnh liệt của dòng chảy sông Mã cùng những địa danh gắn liền với cuộc hành quân của người lính Trung đoàn 52 Tây Tiến đã lôi cuốn tôi đến tận Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, huyện Mường Lát.

Đường lên Mường Lát ngày nay không còn muôn trùng cách trở hoặc "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" mà có hẳn 2 con đường chính và một số đường phụ. Một là từ đường Hồ Chí Minh, nhằm theo hướng Cẩm Thủy rồi theo quốc lộ 15C lần lượt qua Cành Nàng (Bá Thước) - Hồi Xuân (Quan Hóa) cuối cùng là Mường Lát.

Hai là từ quốc lộ 6 rẽ thung lũng Mai Châu - Hòa Bình, tiếp tục theo quốc lộ 15 chạy tới thị trấn Co Lương, rồi nhập đường Vạn Mai Trung Sơn, chạy mãi miết sẽ đến Mường Lát. Tôi chọn đường đi thứ hai tuy hẹp nhưng len giữa một bên là màu xanh của rừng luồng, vầu, tre mọc dày đặc hết lớp này đến lớp khác bên sườn núi và một bên là sông Mã lúc chảy hiền hòa theo thế núi, lúc đổ xuống ghềnh trắng xóa tạo cảnh sắc thêm hoang vu, heo hút.

Những thửa ruộng bậc thang lượn đều tăm tắp dọc triền đồi. Ảnh Trần Thế Dũng

Những thửa ruộng bậc thang lượn đều tăm tắp dọc triền đồi. Ảnh Trần Thế Dũng

Thỉnh thoảng, bắt gặp từng nhóm người đang chặt cây luồng, họ nhà tre, trên triền núi rồi nương theo độ dốc cao phóng liên tục những thân cây thẳng tắp xuống chân núi, sau đó tập kết ven tuyến đường chờ xe đầu nậu đến thu mua.

Từ bao đời nay, bà con dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú… sống quanh vùng Quan Hóa, Mường Lát hẻo lánh vẫn lấy luồng, vầu, được ví là "vàng xanh", làm cây trồng chính để sinh kế nhưng cách vận chuyển mỗi thời mỗi khác. Nếu trước đây, khi chưa có đường bộ, người dân phải vất vả đưa ra tận bờ sông Mã để người thu mua gom hàng hoặc kết hàng ngàn cây, hay ít nhất vài trăm cây, thành bè nổi dài hàng chục mét. Thế rồi, nhờ sức đẩy của dòng sông Mã, họ căng mình chống sào vừa lái bè đi vào đúng luồng lạch tránh chạm bãi đá ngầm làm vỡ bè, vừa đẩy bè trôi nhanh hơn về các bến sông huyện Bá Thước, Cẩm Thủy bán cho người thu mua.

Hơn chục năm qua, nhờ hệ thống hạ tầng phục vụ công trình thủy điện Trung Sơn, những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi mưa lầy ngày xưa đã nhường chỗ cho đường nhựa lan tỏa khắp nơi cùng những cây cầu bê tông kiên cố thuận tiện cho xe tải vào tận rừng luồng thu mua đã giúp người dân xóa bỏ cái cảnh chống chèo bè mảng trên dòng Mã giang vốn nổi tiếng hiểm nguy mà nhiều khi phải trả giá bằng máu.

Ngày nay, họa hoằn lắm mới thấy được hình ảnh người chống sào lèo lái bè luồng, vầu trên sông Mã. Ảnh Trần Thế Dũng

Ngày nay, họa hoằn lắm mới thấy được hình ảnh người chống sào lèo lái bè luồng, vầu trên sông Mã. Ảnh Trần Thế Dũng

Dẫu vậy, hôm nay, tôi vẫn thầm mong thấy đâu đó xuất hiện chiếc bè mảng mộc mạc làm từ tre nứa mà mỗi lần người dân muốn sang sông, qua suối hay đi lưới cá chỉ cần chống sào nhẹ nhàng hoặc nắm sợi dây thừng nối hai bên bờ để kéo dần sang bờ bên kia. Những hình ảnh đó không chỉ khắc họa sinh động mạch sống của đồng bào dân tộc bản địa mà còn là nét chấm phá cho bức tranh thiên nhiên hoang dã thêm lãng mạn, ấm áp.

Sài Khao hôm nay

Trong suốt cuộc hành trình ra vùng biên ải Mường Lát, vượt qua không biết bao nhiều cây cầu vắt qua sông Mã nhưng tôi chỉ nhớ duy nhất cầu Chiêng Nưa. Bởi lẽ đây là vị trí tôi phải rẽ nếu muốn đến bản Sài Khao - địa danh đã từng được nhắc tới trong bài thơ "Tây Tiến" của tác giả Quang Dũng.

Tôi cũng được những người Thái tốt bụng sống gần cầu nhắc nhở: Đường vào bản nay đã hư hỏng trầm trọng, chỉ ngày nắng ráo xe máy mới tới nơi, mùa mưa thường cuốc bộ. Ngoài ra nên đi vào buổi sáng, vì nếu gặp sự cố, xe hỏng vẫn có thể nhờ người giúp.

Quả thật, đường vào Sài Khao chỉ dài hơn 10 km song là thách thức đối với người chạy xe máy. Nếu vài cây số đầu tiên, mặt đường đầy ổ gà lổm chổm đá xanh, khiến người lái phải chạy chậm, lách liên tục để tránh gây xóc, té ngã… thì đoạn kế tiếp lòng đường bị sụt lún thành hố sâu đến gần một mét, ai bạo dạn, tay lái cứng muốn đi qua chỉ còn có cách chạy men theo lề đường chênh vênh như diễn xiếc.

Đáng sợ là ở đoạn cuối, đường cứ toàn dốc ngược, lên cao, cao mãi tới mức thấy dãy núi Pha Luông mờ sương bên cao nguyên Mộc Châu. Đúng là "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời". Thật may khi tôi bắt đầu cảm thấy nản lòng thì bản Sài Khao với những nếp nhà gỗ nằm rải rác trên lưng núi đã xuất hiện trước mặt.

Bức phù điêu 3 chiến sĩ Tây Tiến. Ảnh Trần Thế Dũng

Bức phù điêu 3 chiến sĩ Tây Tiến. Ảnh Trần Thế Dũng

Sài Khao theo tiếng dân tộc Thái có nghĩa là "cát trắng", từng là nơi sinh sống của người Thái trước năm 1945. Tuy nhiên, do chiến tranh, đất đai xói mòn, bạc màu, thiếu nguồn nước nên họ đã du cư tìm nơi canh tác mới. Đến năm 1993, đồng bào người H'Mông từ vùng Sơn La lân cận tìm về lập bản và vẫn giữ nguyên địa danh Sài Khao cho đến hôm nay.

Ẩn mình giữa không gian núi rừng cao hơn ngàn mét quanh năm lạnh lẽo, mây mù, bản có hơn 90 hộ gia đình và hầu hết là bà con thân thuộc dòng họ Vàng. Tuy cái nghèo, cái đói vẫn luôn đeo bám nhưng họ rất an phận với những gì mình có. Và chính cuộc sống nơi hẻo lánh, đối mặt với những khó khăn đã tạo cho đồng bào đức tính cần cù, tự lực bên cạnh lối sống khép kín ngại giao tiếp với người lạ.

Các vị cao niên ở Mường Lát kể: Xưa kia, mạng lưới hoạt động của Trung đoàn Tây Tiến rộng khắp nhưng đóng quân dài lâu nhất phải kể đến Sài Khao do địa hình hiểm trở, hẻo lánh..., quân Pháp ít khi bén mảng tuần tra. Thêm nữa, đây là giao điểm vận chuyển lương thực, khí tài sang Lào cũng như hành quân theo đường núi sang Mộc Châu - Sơn La thì rất gần. Tiếc thay, dấu tích của đoàn quân Tây Tiến ở Sài Khao hiện còn sót lại rất ít song tấm bia lưu niệm và bức phù điêu bằng đá xanh nguyên khối khắc hình ảnh 3 chiến sĩ Tây Tiến cùng hai câu thơ "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi" được dựng năm 2020 đã trở thành nơi hồi tưởng của khách phương xa khi có dịp đến Sài Khao.

Vị trí sông Mã chảy vào đất Việt. Ảnh Trần Thế Dũng

Vị trí sông Mã chảy vào đất Việt. Ảnh Trần Thế Dũng

Sự quyến rũ nơi sông Mã trở về đất Việt

Tôi bị mất dấu sông Mã kể từ lúc vào thị trấn Mường Lát rồi chẳng bao lâu khi theo đường 15C ra Cửa khẩu quốc gia Tén Tằn lại nhìn thấy dòng chảy màu nâu đang uốn mình dưới chân những thửa ruộng bậc thang lượn đều tăm tắp dọc triền đồi xen lẫn bản làng của đồng bào dân tộc Thái.

Một điểm nhấn khác khá đặc biệt chỉ cách cửa khẩu Tén Tằn mươi phút đi bộ được khách gần xa không tiếc lời khen ngợi, đó là những cánh đồng hoa hướng dương nở rực rỡ trên dãy núi đầu nguồn sông Mã của bà con dân tộc Thái. Họ đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng kiến tạo thành sản phẩm du lịch thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh vì mục đích sinh kế và phát triển du lịch quê nhà.

Còn nữa, khi hoa hướng dương già đi sẽ căng hạt, họ tách hạt vừa để làm giống gieo trồng cho mùa sau vừa bán cho người có nhu cầu. Cuối vụ, họ tiếp tục thiết kế tiểu cảnh sân vườn, trồng thêm các loài hoa ngũ sắc, cúc tươi thắm… duy trì hoạt động quanh năm. Đúng là nhất cử lưỡng tiện.

Tác giả ở cổng trời Mường Lát. Ảnh Trần Thế Dũng

Tác giả ở cổng trời Mường Lát. Ảnh Trần Thế Dũng

Khởi nguồn từ huyện Điện Biên xa xôi, sông Mã chảy xuôi một chặng đường dài 512 km, khi thì ào ạt đổ qua huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La, lúc chảy sang lãnh thổ nước Lào gắn kết người dân 2 nước rồi quay về Thanh Hóa trước khi đổ ra vịnh Bắc Bộ. Từ xa xưa, người Thái và người Lào đã gọi đoạn thượng nguồn của sông là Nậm Ma.

Với người Kinh sống ở vùng sông nước Bắc Trung bộ, "sông Mã" được đọc trại từ "sông Mạ", trong đó "mạ" có nghĩa là "mẹ", tức dòng sông Mẹ, hiểu rộng ra là dòng sông lớn có nhiều phụ lưu như sông Chu, sông Luồng tiếp sức, cũng có cách giải thích sông mang tên "Mã" vì dòng chảy ồ ạt, nhanh như ngựa phi.

Theo Trần Thế Dũng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Singapore mở đường bay thẳng tới Phú Quốc

Sau một loạt đường bay mới từ Hàn Quốc và các nước Trung Á, Đông Âu, đảo Ngọc Phú Quốc tiếp tục khẳng định sức hút mới của mình khi đón đường bay thẳng từ Singapore, trở thành điểm đến cuối tuần mới của nhiều du khách quốc tế.

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Du lịch Khánh Hòa sắp thu nhiều tiền nhất từ trước đến nay

Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, trong 10 tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, vượt 17,2% kế hoạch. Dự kiến, năm nay Khánh Hòa sẽ đón hơn 10 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch trên 50.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.