Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III: Hình thành văn hóa thưởng thức cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 8 đến 10-12, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III sẽ diễn ra tại TP. Pleiku. Để sự kiện, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách, các sở, ngành đều nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ngày 29-7-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 6306/VPCP-KTN chọn ngày 10-12 hàng năm là Ngày Cà phê Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày Cà phê Việt Nam đã 2 lần được tổ chức tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đak Nông) để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân địa phương, du khách và bạn bè quốc tế. Tiếp nối thành công đó, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III sẽ được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku với chủ đề “Văn hóa thưởng thức cà phê”.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Chương trình năm nay nhấn mạnh về văn hóa thưởng thức cà phê của người dân Việt Nam cũng như người dân trên toàn thế giới. Thông qua chương trình nhằm tiếp tục thúc đẩy quảng bá thương hiệu cà phê Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên và cả nước nói chung, góp phần nâng cao giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Điểm nổi bật của chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III là chú trọng quảng bá, phát triển cà phê đặc sản, cà phê organic, từng bước đưa Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên trở thành điểm đến của những người yêu thích cà phê trên thế giới”.
 L'amant Café sẽ chịu trách nhiệm 10 điểm cà phê miễn phí bố trí khắp các tuyến đường chính của TP. Pleiku để phục vụ du khách. Ảnh: H.D
L'amant Café sẽ chịu trách nhiệm 10 điểm cà phê miễn phí bố trí khắp các tuyến đường chính của TP. Pleiku để phục vụ du khách. Ảnh: H.D
Theo kế hoạch, tại Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III, ngoài các doanh nghiệp Gia Lai còn có sự tham dự của các doanh nghiệp sản xuất cà phê chất lượng cao đến từ những vùng trồng cà phê nổi tiếng gồm: Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông, Kon Tum, Bình Phước, Sơn La, Điện Biên; các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cà phê; các tổ chức nước ngoài như: Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCA) và các doanh nghiệp hội viên, các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nước ngoài, Liên đoàn Cà phê Đông Nam Á (ACF), Hội đồng Xuất khẩu cà phê Brazil, Hiệp hội Cà phê chế biến Brazil và các đại sứ, tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam...

Theo đó, Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III sẽ diễn ra với nhiều sự kiện như: không gian trưng bày cà phê Việt Nam; tham quan vườn cà phê và cơ sở chế biến cà phê; giao thương giữa các nhà nhập khẩu cà phê với các doanh nghiệp trong nước; tập huấn kỹ thuật trực quan công nghệ tưới nhỏ giọt Israel... Nổi bật trong số này là sự kiện không gian trưng bày cà phê Việt Nam với sự góp mặt của 6 tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn của Việt Nam là Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Lâm Đồng, Kon Tum và Sơn La cùng hàng trăm gian hàng hội tụ các thương hiệu cà phê uy tín chất lượng hàng đầu như Vinacafe, Lamant, Nestle, Kingcoffee.... Không gian trưng bày cà phê Việt Nam có quy mô 111 gian hàng: Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chịu trách nhiệm dàn dựng và tổ chức 46 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê; tỉnh Gia Lai tổ chức 65 gian hàng ẩm thực và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Trong 65 gian hàng của Gia Lai sẽ có 20 gian hàng giới thiệu sản phẩm cà phê, giống cà phê và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương; 14 gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn đặc trưng, tiêu biểu; 20 gian hàng ẩm thực phục vụ khách tham quan du lịch; 1 gian hàng triển lãm, giới thiệu về tiềm năng và sự phát triển du lịch của Gia Lai và 10 điểm cà phê miễn phí được bố trí khắp các tuyến đường chính của thành phố.
Bà Đinh Thị Phượng-Giám đốc Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam, đơn vị được Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam ủy quyền phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức các hoạt động trong sự kiện này-cho hay: Trung tâm đã dàn dựng chi tiết tổng thể khu trưng bày, cổng chào khu gian hàng giới thiệu sản phẩm cà phê mà Hiệp hội đảm nhận. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, kịch bản để tổ chức chương trình lễ kỷ niệm diễn ra vào tối 9-12 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Đặc biệt, tại Ngày Cà phê Việt Nam sắp tới, lần đầu tiên, một chương trình trải nghiệm pha chế, thử nếm cà phê sẽ được triển khai. Mọi du khách đến với Pleiku trong thời gian này đều được thưởng thức cà phê miễn phí tại 10 địa điểm bố trí khắp các tuyến đường chính của TP. Pleiku do Lamant Café-một thương hiệu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thực hiện.
Để Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III diễn ra thành công tốt đẹp, ông Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức đã yêu cầu các đơn vị thành viên Ban tổ chức nỗ lực hết sức trong công tác chuẩn bị. Bởi lẽ, đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giới thiệu hình ảnh cà phê đến bạn bè trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành cà phê Việt Nam.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.