(GLO)- Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và các dự án, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, phát triển. Qua đó, người dân từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai được tiếp cận sớm hơn với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Thành công lớn nhất của ngành Y tế Gia Lai thời gian qua là công tác phòng-chống dịch bệnh. Những năm gần đây, nhờ chủ động giám sát, phòng-chống dịch bệnh nên bệnh dịch tả, dịch hạch, bại liệt không xảy ra trên địa bàn tỉnh; các bệnh dịch khác như bạch hầu, sởi, ho gà, viêm não vi rút, lỵ trực trùng… được khống chế. Đáng chú ý là hai dịch bệnh có nguy cơ cao trong thời gian gần đây là bệnh sốt rét đã được đẩy lùi và bệnh sốt xuất huyết đã được khống chế, không để xảy ra các vụ dịch bệnh lớn trong khu dân cư.
Các thiết bị y tế tại hầu hết khoa cấp cứu bệnh viện tuyến huyện ngày càng hiện đại. Ảnh: Đ.P |
Công tác phòng-chống các bệnh xã hội, phòng-chống suy dinh dưỡng, kế hoạch hóa gia đình, phòng-chống HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bác sĩ Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khẳng định: “Những kết quả đó trước hết là nhờ hoạt động y tế dự phòng được tăng cường, đã nâng cao được ý thức phòng-chống bệnh tật của người dân. Trong đó, chương trình tiêm chủng mở rộng đạt được kết quả cao góp phần quan trọng bảo vệ an toàn phòng bệnh cho trẻ. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ năm 2015 đạt 94,2%.
Công tác khám-chữa bệnh được triển khai đều ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã, bao gồm cả y học hiện đại, y học cổ truyền và phục hồi chức năng. Các cơ sở điều trị đảm bảo duy trì tốt việc cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân, nghiêm chỉnh chấp hành quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, vệ sinh buồng bệnh, vệ sinh ngoại cảnh, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao. Năm 2015, toàn ngành khám cho 1.680.843 lượt người, điều trị nội trú cho 159.294 lượt bệnh nhân. Hệ điều trị từng bước triển khai các kỹ thuật y tế cao như: phẫu thuật não, nội soi, thận nhân tạo và một số phẫu thuật khó khác có hiệu quả, góp phần giành lại sự sống cho hàng trăm người bệnh. Công tác đấu thầu, cung ứng thuốc được chỉnh đốn lại đảm bảo, cung ứng thuốc và trang-thiết bị y tế kịp thời cho các cơ sở y tế, nhất là thuốc và vật tư tiêu hao phục vụ các đối tượng bệnh nhân ưu tiên như: đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách, người nghèo và cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…
Công tác xã hội hóa y tế bước đầu có chuyển biến đáng ghi nhận. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, các cơ sở y tế tư nhân phát triển khá mạnh, đóng vai trò tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai là bệnh viện tư nhân đầu tiên được đầu tư trang-thiết bị khá hiện đại đã mở thêm một cơ hội lựa chọn cơ sở khám-chữa bệnh theo nhu cầu của người dân. Cùng với đó, ý thức của người dân trong sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh, phòng-chống bệnh tật được nâng cao đáng kể cũng góp phần quan trọng cùng với ngành Y tế nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một thành công phải kể đến nữa đó là ngành Y tế đã tiếp nhận, bố trí công tác cho hàng trăm bác sĩ cử tuyển, chuyên tu để cắm tại xã và tăng cường cho tuyến huyện. Toàn ngành có 807 bác sĩ (294 bác sĩ có trình độ sau đại học); bác sĩ làm việc thường xuyên tại tuyến xã là 156 người; có 260 dược sĩ (1 dược sĩ sau đại học và 54 dược sĩ đại học). Đội ngũ này sẽ làm thay đổi bộ mặt của ngành Y tế trong tương lai.
Nhìn chung, ngành Y tế thời gian qua đã làm được rất nhiều việc, đóng góp cho công tác phòng bệnh, khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần giải quyết. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc Sở Y tế: Nguy cơ về dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn khó lường nhất là dịch sốt xuất huyết năm qua tăng 13,8 lần so với năm 2014. Từ năm 2013 đến nay, bệnh bạch hầu xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 9 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, có 1 ca tử vong. Nguy cơ về ngộ độc thực phẩm đang tiềm ẩn cả từ phía người sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm. Hệ thống y tế cơ sở cả tuyến huyện, xã vẫn còn yếu, nhất là về đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng được nhu cầu khám-chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, chưa đáp ứng yêu cầu giảm tải cho tuyến tỉnh. Đại bộ phận cán bộ y tế chấp hành tốt y đức và quy chế chuyên môn, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ vi phạm quy định gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngành… “Vì thế cùng với việc tiếp tục đầu tư trang-thiết bị y tế, vấn đề đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ cán bộ, nâng cao y đức, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh được tốt hơn đang là yêu cầu bức thiết của toàn ngành nhằm nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân”-bác sĩ Tuấn nói.
Đức Phương