Một loại cỏ dại khó diệt trừ lại là vị thuốc quý

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cỏ tranh có tên gọi khác là Cỏ tranh săng, Nhả cà, Bạch mao căn... Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Beauv. Đây là một trong số các vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.
Cỏ tranh là 1 trong số những vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác. Ảnh đồ họa: Hương Giang

Cỏ tranh là 1 trong số những vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác. Ảnh đồ họa: Hương Giang

Theo cuốn sách "Một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác" của Dự án phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã (Tháng 2.2021), do ThS-BS Nguyễn Đình Thục - Tổng Thư ký Hội Đông y Việt Nam - giới thiệu, thì cỏ tranh là 1 trong số 23 cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế sừng tê giác.

Đặc điểm hình thái cỏ tranh là cây thảo, sống nhiều năm, mọc tản thành đám, cao 0,6- 1,2 m. Thân rễ mọc dưới mặt đất, phân nhánh ngang chằng chịt, gồm nhiều lóng, màu trắng ngà, rỗng giữa, bao bởi các lá vảy màu nâu nhạt.

Lá có bẹ, phiến lá hình dải, thuôn hẹp, mép có răng cưa nhỏ sắc; lưỡi bẹ mềm, có lông màu trắng.

Cụm hoa chùy, mọc ở ngọn, gồm nhiều hoa mọc dày đặc thành bông dài 7 - 15 cm.

Các bông nhỏ mọc thành từng đôi, màu tím hồng, có lông tơ mịn; mày hoa mềm, màu lục nhạt, có lông; nhị 2, chỉ nhị dài, bao phấn màu nâu tím. Quả dĩnh thuôn nhỏ (dạng quả thóc).

Mùa hoa quả: Kéo dài từ cuối mùa hè đến đầu mùa đông.

Cỏ tranh được thu hái vào mùa thu. Cách thu hái: Đào lấy toàn bộ phần thân rễ dưới mặt đất. Rũ sạch đất, cắt bỏ lá, rễ và lá vảy, rửa sạch. Có thể cắt thành đoạn dài 20 cm, để sau khi phơi khô, buộc lại thành bó cho dễ cất giữ và bảo quản.

Phân bố và sinh thái: Ở Việt Nam, cây phân bố rộng rãi khắp các tỉnh, từ vùng núi có độ cao khoảng 1300 m trở xuống, đến đồng bằng và hải đảo.

Cỏ tranh cũng phân bố ở nhiều quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cỏ tranh là cây có sức sống dai, ưa sáng và chịu hạn.

Cây có thể mọc ở trên nhiều loại đất khác nhau, kể cả đất nghèo dinh dưỡng và chua. Cây bị coi là loại cỏ dại khó diệt trừ, do nhanh chóng lấn át các cây trồng.

Bộ phận dùng: Thân rễ khô (Bạch mao căn - Rhizoma Imperatae cylindricae).

Thành phần hóa học: Rễ Cỏ tranh có chứa các hợp chất như arundoin, fermenol, sisiarenol, các biphenyl ether như cylindren, cylindol A và B, các lignin như gravinon A, B và coixol. Ngoài ra còn có các sesquiterpen cylendren, đường toàn phàn, đường khử và đường chuyển hóa.

Công dụng: Dùng trong các trường hợp nôn ra máu, chảy máu cam, tiểu tiện ra máu, sốt khát nước bứt rứt, vàng da, phù thũng do viêm thận cấp, tiểu khó và buốt. Tính vị, quy kinh: Cam, hàn. Vào kinh Phế, Vị, Bàng quang.

Tác dụng: Lương huyết, cầm huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu.

Liều lượng, cách dùng: 9 - 20 g/ngày (khô), hoặc 30 - 60 g/ngày (tươi), sắc uống.

Chú ý: Không dùng cho người hư hỏa, không thực nhiệt. Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai.

Dược liệu có tác dụng chống ôxy hóa, kháng viêm, ức chế một số dòng tế bào ung thư vú MCF-7, ung thư đại tràng HT-29.

5 hành động của thầy thuốc y học cổ truyền để bảo vệ các loài động vật hoang dã

1. Không sử dụng, mua bán, tàng trữ trái pháp luật các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã.

2. Không kê đơn thuốc có các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

3. Không tặng quà/ từ chối quà tặng là các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

4. Giải thích cho người bệnh và gia đình về việc không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật để trị bệnh.

5. Tham gia nghiên cứu và phổ biến các loại phương thuốc thay thế cho các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam khuyến cáo người dân khi muốn sử dụng thuốc nam, thuốc đông y để chữa bệnh thì cần phải nhớ rằng, thuốc đông y cũng giống như thuốc tây y, đều phải do thầy thuốc khám bệnh, chẩn đoán, chỉ định, kê đơn phù hợp với loại bệnh.

Có thể bạn quan tâm