Một lần về Mơ Hra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khoảng giữa năm 2004, khi tôi về đến làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) thì lễ bàn giao cột gưng (cây nêu) cho Bảo tàng Tokyo (Nhật Bản) cũng vừa bắt đầu. Đang định tìm già làng Đinh Pan thì ông đã thấy tôi và giơ tay vẫy, ra hiệu lát nữa sẽ gặp. Đã 80 mùa rẫy nhưng thần thái Đinh Pan vẫn rắn như gốc le già. Người ta nói Đinh Pan như con voi sống qua nhiều rừng. Những gì ông bà để lại, Đinh Pan thuộc hơn nhìn bàn tay.
Tôi biết Đinh Pan từ 2 năm trước đó trong một dịp tình cờ. Bấy giờ theo đề nghị của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chọn Mơ Hra là điển hình cho cồng chiêng Bahnar để đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa. Hôm đó, ông đến Phòng Văn hóa-Thông tin hình như cũng vì việc đó. Thấy tôi, anh bạn liền giới thiệu: “Chú Đinh Pan đây là nghệ nhân số 1 của huyện đấy”. Vậy là quen nhau.
Ông kể: Được 14 mùa rẫy, cái đầu còn thấp hơn cầu thang lên nhà mà Pan đã biết đánh chiêng. Ngày đó, Mơ Hra còn ở tít trong rừng mà thằng Tây vẫn biết. Nó vô vây làng rồi bắt ra An Khê đâm trâu, đánh chiêng cho nó coi. Coi chán, nó bắt đàn ông vào đồn cõng phân đi đổ. Nó nói: “Không được theo Việt Minh. Nếu theo thì còn bắt vào đồn đánh chiêng, khiêng phân cho nó nữa, nhớ lấy!”.
Mơ Hra hồi đó nghèo lắm. Cả làng chỉ có 2 bộ chiêng nhưng đó là chiêng Honh. Mỗi bộ phải đổi 10 con trâu mới có được. Hết thời Tây sang Mỹ, vẫn chỉ 2 bộ chiêng đó nhưng người đánh chiêng vẫn ngày một thêm nhiều. Tuy nhiên phải sau ngày giải phóng, chiêng Mơ Hra mới lớn được. Cả làng trồng thuốc lá bán cho mậu dịch, tiền dư cũng khá. Hồi đó chưa có chuyện vận động giữ chiêng. Những làng khó khăn đua nhau mang chiêng đi bán. Người Mơ Hra thấy vậy bảo nhau: Cái gì mất còn kiếm lại được, nhưng làm mất cái ông bà để lại thì mình không còn là con cháu ông bà. Bảo vậy rồi có bao nhiêu tiền góp lại mua chiêng.
Giọt nước chảy nhiều thành suối. Mơ Hra bấy giờ 73 hộ mà có gần bốn chục bộ chiêng. Trừ số thanh niên mới bắt vợ, bắt chồng tách hộ, nhà nào cũng có chiêng. Riêng chiêng Honh đã có đến 5 bộ (mỗi bộ 13 chiếc). Nhiều chiêng nhưng điều này mới đáng phục: Làng có 362 người thì phải có gần 200 người biết đánh chiêng. Số đánh giỏi được tất cả các bài chiêng ông bà để lại là “Ăn trâu” (Xa pô), “Mừng lúa mới-rẫy mới” (Xa mốc), “Bỏ mả” (Túc-atâu) kể ra cũng được hơn hai chục người.
Được chọn là điển hình cho cồng chiêng Bahnar đã là vinh dự, không ngờ làng lại được thêm một vinh dự khác. Vào giữa năm 2004, cán bộ Văn hóa-Thông tin huyện xuống bảo: Nhờ cuốn sách “Nhà mồ và tượng mồ”, người Nhật biết cột gưng của người Bahnar là một nét văn hóa đặc sắc nên muốn trưng bày ở Bảo tàng Tokyo. Họ đặt giá 14 triệu đồng với điều kiện phải làm y hệt như ông bà xưa.
Sau phút ngỡ ngàng, cả làng như sôi nổi hẳn lên. Già làng Đinh Pan đứng ra chỉ huy. Từ sáng đến tối mịt, mỗi người một việc miệt mài. Và đến chiều ngày thứ 3 thì cây gưng đã được dựng lên.
Trong 3 ngày đó, ngày nào ông Trưởng đoàn Xênô cũng đến coi và quay phim từ đầu cho đến lúc làng nghỉ mới về. Xênô hỏi nhiều chuyện: Nào ăn mặc, làm nhà mả, đánh chiêng ra sao; rồi chuyện uống rượu, kết giao bạn bè… Phong tục gì cũng hỏi tỉ mỉ và tỏ ra rất thích thú.
Du khách hào hứng trải nghiệm ẩm thực bản địa tại làng Mơ Hra. Ảnh: MINH CHÂU
Du khách hào hứng trải nghiệm ẩm thực bản địa tại làng Mơ Hra. Ảnh: Minh Châu
Cũng đã từng dự nhiều lễ ăn trâu của đồng bào Bahnar, từng xem không biết bao cây gưng rồi, thế mà với cây gưng này tôi cũng thấy ngỡ ngàng. Trong váng chiều xuộm lại, nó như một cây bông khổng lồ rực rỡ sắc màu mọc lên bằng phép lạ. Tôi thấy ông Xênô cứ đứng ngẩn ra nhìn, thỉnh thoảng lại xoa hai bàn tay vào nhau hài lòng.
Lễ ăn trâu hôm đó được tái hiện đúng nguyên gốc: Một con trâu đực to để cúng với hàng chục ghè rượu. Đám hội như vỡ ra những tiếng hò reo khi thấy ông Xênô cũng đóng khố, cầm chiêng đánh rồi hòa vào vòng xoang. Thấy vậy, bà phó đoàn cũng thay váy, áo Bahnar, uống rượu cần rồi xoang với đám phụ nữ.
Có lẽ đã lâu rồi, dân làng Mơ Hra mới lại có một cuộc vui hết mình như hôm ấy. Tôi có cảm giác sân nhà rông như rung chuyển bởi vòng xoang và một không gian đặc sánh những hơi men chuếnh choáng…
Rồi phút chia tay diễn ra bịn rịn. Xúc động vì tình cảm của dân làng, ông Xênô mang tặng mọi người bút bi và những chiếc quạt giấy Nhật tuyệt đẹp. Dân làng cũng tặng lại đoàn một cây đàn goong, mỗi người một cái khăn bịt đầu, một vòng cườm và một cái coong (vòng đeo tay). Già làng Đinh Pan còn tặng riêng ông Xênô dây cườm, vòng đeo tay. Ông Xênô ôm chầm lấy Đinh Pan mà hôn, nói rằng những gì xảy ra mấy hôm nay không bao giờ Xênô quên được, nhất định sẽ có một ngày trở lại Mơ Hra.
Công sức giữ gìn di sản của cha ông đã không uổng. Mơ Hra bây giờ đã trở thành địa chỉ du lịch và là 1 trong 2 làng thuộc dự án “Di sản kết nối” do Hội đồng Anh tài trợ. Lòng chợt bồi hồi nhớ lại: Vậy mà đã 16 năm rồi, tôi chưa một lần về lại Mơ Hra!
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

Mãn nhãn cùng hội hoa dã quỳ Chư Đang Ya

(GLO)- Qua 3 ngày đầu diễn ra với nhiều chương trình ý nghĩa (từ ngày 8 đến 10-11), Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2024 để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một vùng đất, một loài hoa đã góp phần làm nên biểu tượng của du lịch Gia Lai.