Hoa là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày Tết. Nhưng việc cắm hoa thế nào để tươi lâu lại là điều không phải ai cũng biết. Bạn có thể tham khảo những cách sau:
Chọn hoa
Bạn nên chọn mua hoa còn tươi nguyên để có thể để được lâu, nếu có thể, nên mua cành hoa còn nguyên gốc. Lựa mua hoa còn nguyên những cánh sương, cánh đài bên ngoài, chạm vào cánh hoa cảm thấy cứng và tươi. Không nên mua những hoa mà bên ngoài đã bị bóc mất cánh sương, cánh hoa hơi mềm vì đó là hoa đã để lâu hoặc đã được người bán hàng 'sửa sang', không còn tươi nguyên, dễ bị dập nát, nhanh héo.
Cắm hoa
Khi cắm hoa, nên cắt chéo gốc của cành hoa để hoa có thể hút nước tốt nhất. Nên ngâm cả cành hoa trong nước khoảng 5 phút, sau đó mới cắm vào bình cho cả cành hoa hút đủ nước.
Cắt hoa bằng dao, kéo sắc, chỉ cắt 1 nhát cắt, sao cho vết cắt không làm ảnh hưởng nhiều đến cành hoa, tránh để cành hoa bị tổn thương, dễ dập, héo.
Khi cắm hoa, cần chú ý rửa sạch bình và cả gốc cành hoa trước khi cắm để loại bỏ hết cặn bẩn, vi khuẩn làm thối hoa.
Không để lá ngập nước
Phần lá ngập nước sẽ tạo ra vi khuẩn, khiến hoa nhanh úa và lọ hoa có mùi khó chịu. Bởi vậy, trước khi cắm, hãy tỉa hết phần lá phía dưới.
Thay nước cho hoa
Bạn nên thay nước cho bình hoa thường xuyên, ít nhất mỗi ngày 1 lần vào buổi chiều hoặc ngày 2 lần vào sáng và chiều. Khi thay nước nên chú ý, tránh làm dập nát cánh hoa, cắt bỏ một đoạn gốc cắm trong nước.
Nếu có thể, bạn hãy cho hoa phơi sương vào buổi tối để hoa lâu tàn.
Bày hoa
Không nên để bình hoa ở gần cửa sổ, nơi có ánh nắng chiếu vào hoặc gần bếp, nơi có nhiệt độ cao. Tránh bày hoa nơi có gió thổi trực tiếp dễ làm héo hoa. Nên bày hoa nơi rộng rãi, thoáng đãng như phòng khách, bàn khách.
Các chất phụ thêm
Ngoài những cách trên, khi cắm hoa, bạn có thể thêm aspirin, B1, vitamin C vào nước cắm hoa sẽ giúp lọ hoa tươi lâu hơn.
Nguyễn Trang/VOV.VN