(GLO)- MC Hoàng Nam ở Nhà hàng Trầu Cau (TP. Pleiku) là một trong những MC nói hay, tự tin, xử lý tình huống tốt và đắt “sô” nhất hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku. “Bén duyên” với công việc MC đám cưới khi đang là sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, đến nay anh đã có hơn 6 năm kinh nghiệm. Theo MC Hoàng Nam, để có thể bám trụ với nghề được lâu dài, điều kiện phải có ở người MC là khả năng ăn nói lưu loát, có sức truyền cảm để tạo được ấn tượng tốt với người nghe. Bên cạnh đó, phải biết một số kỹ năng để xử lý các tình huống không có trong kịch bản và tuyệt đối không để sân khấu “chết” mà phải luôn sôi động.
Được biết, MC đám cưới chỉ là nghề tay trái của anh Hoàng Nam, anh công tác tại Thư viện tỉnh. Vì vậy, trong giờ hành chính anh phải có mặt ở cơ quan để thực hiện những nhiệm vụ được giao. Sau giờ làm việc, phải nhanh chóng thay đồ để đến nhà hàng làm MC. “Nếu đi sô vào các ngày nghỉ thì có thời gian để chuẩn bị, chứ vào các ngày làm việc thì chỉ có nước vắt chân lên cổ mà chạy, vất vả nhất là các tiệc được tổ chức vào buổi trưa, phải canh giờ để quay trở lại cơ quan làm việc. Khá mệt nhưng nghề này làm cho mình thêm tự tin, năng động. Tháng nào làm nhiều nhất thì dẫn được hơn 20 tiệc, tháng ít thì cũng 5-7 tiệc”-MC Hoàng Nam chia sẻ.
Ảnh: Phan Lài |
Cũng là MC đám cưới như anh Hoàng Nam, nhưng chị Vương Kiều Trang lại gắn bó như một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình; nhà hàng, khách sạn nào có tiệc, gọi điện thoại thông báo chị đều đi làm. Là một MC kỳ cựu khi đã gắn bó với nghề hơn 11 năm, chị Trang cho rằng: Cũng như các nghề khác, nghề MC chỉ có năng khiếu ăn nói thì chưa đủ, mà phải đòi hỏi sự đam mê với nghề. Mỗi MC phải có phong cách dẫn riêng biệt, phải biết đầu tư để bài nói luôn mới mẻ, tránh gây nhàm chán cho quan khách. Có nhiều MC lười học hỏi, dẫn chương trình một cách rập khuôn hoặc bắt chước người khác nên không có sự đổi mới, tự biến thành cái máy nói, một thời gian sẽ bị tẩy chay. Mặc dù đã theo nghề khá lâu, vốn kinh nghiệm để xử lý tình huống cũng khá ổn nhưng tôi vẫn phải thường xuyên đọc sách, quan sát các MC trên truyền hình và học tập ở đồng nghiệp để bổ sung thêm những vốn từ mới, để có những cách dẫn mới mẻ, độc đáo, cuốn hút người nghe hơn.
Được ví von là nghề “làm dâu trăm họ”, được cô dâu chú rể “chọn mặt gửi vàng” làm nhiệm vụ dẫn dắt các nghi lễ trong đám cưới, MC đám cưới được xem là nghề đang “hot” nhất hiện nay. Tuy nhiên, muốn trụ được với nghề, đòi hỏi MC phải có một số kỹ năng nhất định như chất giọng dễ nghe, truyền cảm, khả năng xử lý tình huống tốt… và trên hết là lòng đam mê với nghề. |
Bất cứ công việc nào cũng không tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp, sự cố bất ngờ đòi hỏi MC phải tinh tế, nhanh nhạy để giải quyết vấn đề, tránh ảnh hưởng đến không khí trang trọng của buổi tiệc. Nghề MC đám cưới cũng vậy, trong khi đa phần MC không được học qua trường lớp bài bản, phải tự biên tự diễn nên sai sót là chuyện thường xảy ra. Vì dẫn nhiều sô sát thời gian nên nhiều khi MC vô tình đọc nhầm thông tin hai bên gia đình cô dâu chú rể làm thực khách bật cười, MC mới giật mình xin lỗi; nhiều MC dẫn quá lố khiến buổi lễ mất đi sự trang trọng vốn có. Mặc dù đã chuẩn bị từ trước, nhưng đôi khi MC lại quên một số nghi lễ như cô dâu, chú rể cắt bánh hay rót rượu mời hai bên gia đình. Rồi cũng có trường hợp khách đăng ký bài hát quá nhiều, MC cũng phải biết cách xử lý tình huống để điều chỉnh chương trình cho phù hợp, tránh để khách phật lòng.
Tuy khá vất vả nhưng thu nhập từ nghề này cũng khá ổn, một tiệc cưới ở nhà hàng chỉ mất vài giờ đồng hồ nhưng có thù lao khoảng 300.000 đồng đến 350.000 đồng. Tùy vào địa điểm phục vụ tiệc cưới, quy mô và hiệu quả công việc mà mỗi MC có mức thù lao khác nhau.
Thủy Bình