"Mắt biếc" - cú hích cho du lịch Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xưa nay vẫn bình dị như bao làng quê khác nên ít người biết. Vậy nhưng giờ đây, khi vào tìm kiếm trên Google thì cái tên ấy có đến 6,2 triệu kết quả. Trong đó, cụm từ "cây cô đơn ở Huế" có đến 14,6 triệu kết quả.

 

"Cây cô đơn" là cây vông đồng, nổi tiếng sau khi xuất hiện trong phim "Mắt biếc" của đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

"Cây cô đơn" đang thu hút hàng ngàn lượt du khách tìm đến và trở thành "phim trường" của giới trẻ, của các album ảnh cưới… Không chỉ "cây cô đơn", những địa danh xuất hiện trong "Mắt biếc" như cánh đồng mía, Trường Tiểu học cộng đồng Đo Đo (ở xã Quảng Phú), Trường ĐH Sư phạm Huế, đồi Thiên An... cũng trở thành điểm đến khi tới Huế của không ít du khách.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết địa phương đang sở hữu các di sản độc đáo, đặc sắc và có giá trị nổi bật toàn cầu. Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế còn lưu giữ nhiều lễ hội, hàng trăm di tích, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp nên hứa hẹn là điểm đến lý tưởng, thân thiện, hấp dẫn không chỉ với khách du lịch mà cả các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Theo ông Hải, nhiều hãng truyền hình như Studio Lambert Associates (Anh), Đài Truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArk (Mỹ), Công ty Sản xuất chương trình truyền hình FASAD (Thụy Điển), kênh truyền hình Intrepido Films (Tây Ban Nha)... đã chọn Huế làm phim trường cho các bộ phim nổi tiếng.

"Khi những bộ phim được công chiếu sẽ góp phần quảng bá, thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển mạnh mẽ" - ông Hải nhìn nhận.


 

 “Cây cô đơn” ở xã Quảng Phú trở thành địa danh thu hút du khách sau khi phim “Mắt biếc” công chiếu. Ảnh: LINH LINH
“Cây cô đơn” ở xã Quảng Phú trở thành địa danh thu hút du khách sau khi phim “Mắt biếc” công chiếu. Ảnh: LINH LINH



Tại hội thảo xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - khẳng định rằng kinh tế Thừa Thiên - Huế phải lấy du lịch làm trụ cột và định hướng phát triển thành trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước. "Các lễ hội văn hóa mang tầm quốc gia, các liên hoan phim có thể diễn ra tại Huế. Có thể xây dựng một trường quay lớn nhất nước, đáp ứng mọi cảnh quay, công nghệ cho các đoàn làm phim" - ông Bình gợi ý.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty Du lịch Huế (Hue Tourist), khẳng định bối cảnh các bộ phim có hiệu ứng quảng bá rất tốt cho phong cảnh thiên nhiên, con người xứ Huế. Bởi khi lên phim, các hình ảnh đó sinh động, mềm mại và rất thật chứ không bị đông cứng như những loại hình quảng bá khác.

Hiện doanh nghiệp này cũng đưa vào khai thác thử nghiệm tour du lịch liên quan các cảnh quay trong "Mắt biếc" với giá 700.000 đồng. Theo đó, điểm bắt đầu là "cây cô đơn", sau đó du khách được trải nghiệm phong cảnh dân dã làng quê xứ Huế, khu rừng ngập mặn Rú Chá và điểm cuối là phá Tam Giang ở huyện Phú Vang.

Theo Quang Nhật (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Huyền thoại thác Drai Măk

Huyền thoại thác Drai Măk

Bắt nguồn từ dòng suối Êa Măk hiền hòa thuộc địa phận buôn Thái, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk), thác Drai Măk theo tiếng của người Êđê có nghĩa là “thác nước mang tên chàng Măk”.

Du lịch “hành xác”

Du lịch “hành xác”

(GLO)- Đời sống phát triển, ngày càng có nhiều người yêu thích tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, khám phá vùng đất mới. Dù vậy, kiểu du lịch “hành xác” với mục tiêu chụp được những bức ảnh đẹp nhất, chạy đua với thời gian để đến được nhiều nơi nhất lại đang khiến nhiều người cạn kiệt năng lượng.

Mộc Châu bội thu mùa hoa mận

Mộc Châu bội thu mùa hoa mận

Hoa mận nở rộ, đẹp nhất trong nhiều năm trở lại đây thu hút du khách ùn ùn đổ lên TX.Mộc Châu (tỉnh Sơn La), mang lại doanh thu 'khủng' cho các nhà vườn từ dịch vụ đón khách thăm vườn chụp ảnh check-in.