Mách bạn mẹo gói bánh chưng đãi cả nhà dịp Tết Nguyên Đán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để gói được những chiếc bánh chưng ngon thì đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công từ trong khâu chọn nguyên liệu đến cách gói và cách luộc để đảm bảo bánh vừa dẻo, xanh, thơm ngon và giữ được lâu.

Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống trong mâm cỗ của người Việt mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng để có thể gói những chiếc bánh chưng, bánh tét vừa dẻo thơm, vừa xanh non đẹp mắt thì không phải ai cũng làm được.

Để gói được những chiếc bánh chưng ngon thì đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công từ trong khâu chọn nguyên liệu đến cách gói và cách luộc để đảm bảo bánh vừa dẻo, xanh, thơm ngon và giữ được lâu.

Trong bước chọn nguyên liệu, bạn cần phải lưu ý đến việc chọn lá dong, lá được chọn là loại lá bánh tẻ màu xanh, không bị rách; lạt giang cần dẻo để khi gói cuộn sẽ không bị gãy; gạo nếp chọn loại gạo hạt to, tròn và thơm.

Khi sơ chế nguyên liệu, phần gạo nếp bạn chỉ cần ngâm khoảng 2 tiếng, không nên ngâm lâu gạo sẽ bị chua, bánh chưng sẽ không để được lâu. Để bánh chưng nhìn đẹp thì khi gói bánh thì bạn chú ý gói cho chặt tay theo hình vuông.

Khi luộc bánh, để tránh trường hợp bánh chưng bị cháy hoặc sống thì cứ khoảng 1 tiếng thì bạn cần kiểm tra mực nước, nếu thiếu nước cần dùng nước đun sôi để thêm vào.

Sơ chế nguyên liệu để gói bánh chưng:

Đậu xanh

 

 

Đậu xanh ngâm nở trong vòng 2 tiếng, đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu, cho 1 thìa muối vào xóc đều, sau đó cho vào nồi hấp để hấp chín.

Khi đậu chín bở thì bạn dùng thìa tán cho thật nhuyễn, cho vào đậu một chút hạt tiêu rồi nắm đậu thành những nắm tròn bằng nhau.

Chọn gạo

Gạo nếp mua về phải được vo thật sạch cho đến khi thấy nước thật trong, bởi rửa như vậy, bụi cám bám quanh hạt nếp sẽ trôi đi, bánh sẽ lên màu xanh non chuẩn đẹp và có thể để lâu mà bánh không bị chua.

 

 

Gạo ngâm khoảng 2 tiếng cho mềm rồi đãi lại gạo vài lần cho sạch và nhặt bỏ những hạt xấu, rồi xóc gạo với 1 thìa muối và 1 thìa hạt nêm.

Lá riềng

 

 

Lá riềng giã nhỏ và trộn với gạo nếp ngay khi gói bánh, giúp bánh sẽ có màu xanh đẹp đều và có hương thơm hấp dẫn. Ở một số nơi miền Trung, trước khi gói bánh tét, người ta còn ngâm gạo nếp qua nước tro, làm như vậy, bánh tét sẽ mau chín và rất trong.

Lá dong, lá chuối

 

 

Lá dong mua về rửa sạch từng tàu một qua nhiều lần nước và dùng khăn sạch để lau khô lá. Nên chần lá qua nước sôi trước khi gói để diệt hết nấm mốc, bánh sẽ bảo quản được lâu hơn.

Thịt rửa sạch, thái miếng to bản rồi ướp thịt với muối, hạt tiêu.

 

 

Các bước để gói bánh chưng:

Bước 1:

Đầu tiên, bạn xếp 4 lá vuông góc sao cho 2 lá dưới úp mặt phải xuống dưới để khi gói bánh, phần mặt phải sẽ nằm bên ngoài sẽ giúp bánh đẹp hơn, còn 2 lá trên ngửa mặt phải lên để khi bóc bánh, bánh sẽ không bị dính.

 

 

Bước 2:

Cho 1 bát gạo nếp vào giữa lá dong

 

 

Bước 3:

Tiếp theo, lấy nửa phần nắm đỗ xanh nhấn nhẹ xuống rồi đặt miếng thịt vào giữa phần đỗ xanh rồi úp nửa phần đỗ xanh còn lại lên trên miếng thịt. Nặn lại nhân sao cho phần đỗ xanh bao kín được hết miếng thịt. Đăt phần nhân đã lên trên phần gạo.

 

 
 

Bước 4:

Đổ thêm một lớp gạo lên trên phần nhân để gạo phủ kín nhân.

 

 

Bước 5:

Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên trái và bên phải vào cho thật chắc tay, phần lá dong thừa thì gập vào bên trong.

Sau đó, bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, rồi gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho thật vuông.

 

 

Bước 6:

Để gói bánh chưng bạn cần chuẩn bị 4 chiếc lạt, 2 chiếc lạt đầu tiên thì buộc song song với nhau để giữ cho bánh chặt và không bị bung ra, 2 chiếc lạt sau buộc vuông góc với 2 lạt trước.

Khi buộc lạt xong thì bạn dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh chặt lại và có hình vuông.

 

 

Bước 7:

Bước cuối cùng là luộc bánh chưng. Bạn cho bánh chưng vào nồi, xếp lần lượt bánh vào nồi rồi cho nước lã vào ngập toàn bộ phần bánh, để lửa to đến khi sôi thì bạn để lửa riu riu. Bánh chưng phải nấu trong khoảng từ 8-10 tiếng thì được, vớt bánh ra để cho nguội.

 

 

Như vậy, chi tiết cách gói bánh chưng đã hoàn thành. Chúc các bạn thành công khi thực hiện cách gói bánh chưng nhé!

Yến Nguyễn/ngoisao

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.