(GLO)- Ly hôn “xanh” là khái niệm chỉ những cuộc hôn nhân “yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa” của những cặp vợ chồng còn rất trẻ. Với nhiều lý do như: ngoại tình, bạo lực gia đình, bất đồng về quan điểm sống, mâu thuẫn do kinh tế… Ly hôn là con đường giải thoát nhanh nhất để họ tìm một hướng đi mới.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trong 5 năm (từ 2010-2015), Tòa án nhân dân các cấp trên toàn tỉnh đã giải quyết gần 10.000 vụ ly hôn, trong đó, tổng số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng trong độ tuổi từ 18 đến 30 là gần 5.915 vụ, chiếm tỷ lệ gần 60%.
Những câu chuyện buồn
Ảnh minh họa |
Chúng tôi gặp T.Đ. (SN 1991, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) khi chị vừa nhận quyết định ly hôn tại Tòa án nhân dân TP. Pleiku. T.Đ. ngậm ngùi kể: “Chồng lớn hơn em 13 tuổi, chúng em yêu nhau khi anh H. đi học lái xe, em học cắt tóc.Vì hai cửa tiệm này gần nhau, nhiều lần nói chuyện và thấy hợp nhau nên hai đứa quyết định kết hôn. Tuy gặp sự phản đối của gia đình chồng nhưng chúng em vẫn quyết định tổ chức đám cưới”. Niềm vui của gia đình nhỏ ấy càng nhân đôi khi đứa con gái đầu lòng ra đời. Cuộc sống gia đình có dấu hiệu rạn nứt khi người chồng mới cưới của T.Đ. quá đa nghi, luôn ghen tuông vô cớ. Do công việc, anh H.-chồng T.Đ. phải đi làm xa, 2 tuần mới về một lần nên anh H. nghi ngờ vợ ngoại tình, từ đó hai vợ chồng hay xảy ra xô xát. “Em cũng giải thích nhiều, gia đình cũng đã can thiệp giải quyết nhưng anh H. vẫn không thay đổi. Căng thẳng gia đình kéo dài, thấy không thể hòa hợp được, chúng em đồng ý ra tòa sau 6 năm kết hôn”-T.Đ. trải lòng.
Nếu trường hợp ly hôn của T.Đ. diễn ra khi cả hai đều đồng thuận thì trường hợp của H.L. (SN 1989, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) lại khá căng thẳng. Đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt hốc hác sau nhiều đêm thức trắng, toàn thân ê ẩm vì những trận đánh vô cớ của chồng, nhìn H.L. ai cũng thương cảm. Chị L. kết hôn lần đầu vào năm 18 tuổi, vợ chồng chị có 2 đứa con xinh xắn, đáng yêu, tưởng rằng “có nếp có tẻ” thì gia đình sẽ hạnh phúc, vợ chồng yêu thương nhau nhiều hơn. Nhưng sau 3 năm chung sống, vì bất đồng quan điểm sống, vợ chồng chị L. quyết định ly hôn.
Trở về cuộc sống đơn thân, năm 2014, tình cờ trong một lần đi chơi với bạn bè, H.L. gặp anh L.-cũng từng ly hôn vợ và đang nuôi một đứa con trai. Sau những đổ vỡ hôn nhân lần trước, tưởng rằng hai người đã có kinh nghiệm sống gia đình và yêu thương nhau nhiều hơn vì cùng chung cảnh ngộ. Nhưng không ngờ, dù hơn chị H.L. 10 tuổi nhưng anh L. vẫn không chịu làm ăn, kinh tế sa sút, anh lại ham chơi, thích tụ tập bạn bè, ngoại tình, lợi dụng chị H.L. để lấy hết tiền bạc nướng vào ăn chơi. Xe cộ, vàng bạc bố mẹ cho lúc cưới chồng cũng bị anh L. đem cầm cố. Mỗi lần chị H.L. không có tiền đem cho chồng là lại bị anh đánh đập vô cớ, chửi rủa, ngay cả khi chị đang mang thai đứa con trai 7 tháng tuổi. Không thể chịu đựng hơn được nữa, H.L. bế con về nhà ngoại và gửi đơn xin ly hôn để giải thoát cho mình. Thế nhưng, người chồng lại không chịu ký, tìm tới nhà đánh chị H.L. đến mức chị phải nghỉ làm. “Tôi chỉ mong tòa giải quyết nhanh vụ ly hôn để tôi còn yên tâm làm ăn nuôi con, thà không có chồng còn hơn phải sống khổ cực thế này”-chị H.L. chia sẻ.
Đi tìm giải pháp
Các nghiên cứu xã hội học gần đây chỉ ra rằng nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở độ tuổi trẻ ngày càng cao phần lớn là do sự thay đổi trong nhận thức của thế hệ thanh niên ngày nay. Do cái tôi quá lớn, đến với nhau quá vội vàng, thiếu thông tin về người bạn đời, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm vợ/chồng, làm cha/mẹ trong cuộc sống gia đình… Thậm chí, thiếu cả điều kiện kinh tế, quen sống dựa dẫm vào bố mẹ nên hầu hết các cặp vợ chồng trẻ chưa biết cách chăm sóc con cái, chưa biết cách xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Vì thế việc bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, lo toan cho gia đình, con nhỏ… đã trở thành gánh nặng quá sức với những người tuổi đời còn quá trẻ nhưng chưa được trang bị về tâm lý.
Tuy nhiên, sau mỗi cuộc ly hôn là những “vết sẹo lòng” không thể chữa lành, nhiều trường hợp trở nên bi quan và luôn sống trong sự day dứt, hối hận. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến người thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Sau mỗi cuộc ly tan của người lớn, những đứa trẻ vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ; dù có cố gắng bù đắp thì điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái. Thẩm phán Ngô Thanh Quảng (Tòa án nhân dân TP. Pleiku)-người thường xuyên xử lý các vụ ly hôn, cho rằng: “Trong số những vụ mà tôi giải quyết ly hôn, có hơn 40% các vụ là ở độ tuổi từ 19 đến 25. Thường thì lý do để các bạn trẻ ly hôn là ngoại tình, bạo hành, không hiểu nhau, kinh tế khó khăn… Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ly hôn khi cả hai vẫn còn tình cảm nhưng do cái tôi quá lớn. Mặc dù các cán bộ Tòa án đã tích cực vận động và trực tiếp hòa giải nhưng tỷ lệ hòa giải thành công chỉ đạt ở mức thấp”.
Để giảm bớt tình trạng ly hôn “xanh” ở giới trẻ, gia đình cần có sự quan tâm định hướng hôn nhân cho con cái khi trong độ tuổi yêu đương; gần gũi, cảm thông để kịp thời góp ý, phân tích đúng sai khi hai người xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho thanh niên về Luật Hôn nhân-Gia đình. Việc mở các lớp rèn luyện, tư vấn và hỗ trợ những kiến thức, kỹ năng cho thanh niên tiền hôn nhân cũng là điều hết sức cần thiết. Hiện nay, TP. Pleiku là địa phương đầu tiên của tỉnh thành lập được 5 Câu lạc bộ tiền hôn nhân (5 xã: Diên Phú, Biển Hồ, Chư Á, Tân Sơn, Gào); các câu lạc bộ này do Bí thư Đoàn xã làm chủ nhiệm. Chị Nguyễn Thị Hường-Bí thư Đoàn xã Diên Phú cho biết: “Chúng tôi thường lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân-Gia đình cho thanh niên vào mỗi buổi sinh hoạt Đoàn. Hàng năm, chúng tôi phối hợp với Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP. Pleiku tổ chức khám sức khỏe cho đoàn viên, thanh niên; tổ chức nhiều buổi gặp mặt, nói chuyện để hướng dẫn cho thanh niên cách giao tiếp ứng xử trong gia đình, cách chăm sóc, kỹ năng nuôi dạy con cái… Bước đầu, Câu lạc bộ cũng đã đạt được những hiệu quả nhất định, nhận được sự quan tâm của nhiều thanh niên”.
Ly hôn là điều không ai mong muốn. Thiết nghĩ, ngoài sự giúp sức, động viên của gia đình và người thân, bản thân các bạn trẻ cần chủ động trau dồi kỹ năng sống, tham khảo ý kiến của những người lớn tuổi và những người có kinh nghiệm để cuộc hôn nhân của mình được bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Phan Lài