Lễ hội tháng Ba Tây Nguyên: Trải nghiệm các hoạt động thân thiện với voi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến Đắk Lắk dịp này, du khách được xem voi hóa trang, giao lưu và chụp ảnh cùng voi, xem tiệc buffet cho voi, dự chương trình té nước cùng voi và lễ cúng sức khỏe cho voi.
Du khách cho voi ăn. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Du khách cho voi ăn. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi thu hút sự hưởng ứng của đông đảo du khách và nhân dân.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột, vào hai ngày cuối tuần (9-10/3), đông đảo nhân dân và du khách đã đến quảng trường 10/3, chợ phiên @ Buôn Ma Thuột, Đường sách càphê Buôn Ma Thuột để thưởng thức càphê, chocolate miễn phí.

Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Nhân dân thành phố, hàng trăm quán càphê trên địa bàn đã phục vụ càphê miễn phí cho nhân dân từ 1-2 ngày. Một số quán càphê ở các huyện, thị xã khác cũng nhiệt tình hưởng ứng chương trình.

Chị Nguyễn Lê Thị Hạ Duyên, du khách đến từ tỉnh Bình Định cho hay, đến tỉnh Đắk Lắk du lịch trong dịp này, chị được thưởng thức ly càphê miễn phí ở chợ phiên @ Buôn Ma Thuột.

Chị Duyên cho rằng chương trình phục vụ càphê miễn phí là hoạt động rất ý nghĩa, vừa khơi gợi lịch sử, vừa quảng bá hương vị càphê Buôn Ma Thuột nức tiếng xa gần nói riêng, vừa quảng bá vẻ đẹp, hình ảnh, con người của Đắk Lắk nói chung.

Trong 3 ngày du lịch ở Đắk Lắk, chị Duyên rất ấn tượng với hương vị càphê thơm ngon, người dân hiếu khách, cảnh đẹp, có nhà sàn mát mẻ và thức ăn ngon như cơm lam, gà nướng.

Bên cạnh chương trình phục vụ càphê miễn phí, trong hai ngày 9-10/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột còn diễn ra các hoạt động như: Liên hoan Nghệ thuật hát Then-đàn Tính mở rộng thành phố lần thứ 2 năm 2024; Lễ khởi công chế tác con rồng dài 120m chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024) và chế tác 50 trống chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975-10/3/2025); triển lãm ảnh chủ đề “Mùa xuân trên thành phố Buôn Ma Thuột”...

Lễ khởi công chế tác con rồng dài 120m chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904–22/11/2024) và chế tác 50 trống. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Lễ khởi công chế tác con rồng dài 120m chào mừng 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904–22/11/2024) và chế tác 50 trống. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Các hoạt động diễn ra sôi nổi, vui tươi, vừa kích cầu du lịch, vừa gắn kết tình đoàn kết của nhân dân các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.

Một hoạt động nổi bật, mang dấu ấn văn hóa đặc sắc trong dịp này là chương trình “Lễ hội tháng Ba Tây Nguyên-Buôn Đôn” diễn ra tại Trung tâm du lịch cầu treo Buôn Đôn trong hai ngày 9-10/3.

Đông đảo du khách đã được trải nghiệm các hoạt động thân thiện với voi như: xem voi hóa trang, giao lưu và chụp ảnh cùng voi, xem tiệc buffet cho voi, dự chương trình té nước cùng voi và xem lễ cúng sức khỏe cho voi.

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm chương trình nghệ thuật đậm đà văn hóa các dân tộc Lào, Êđê, M’nông, Jrai… đang sinh sống trên địa bàn huyện, tìm hiểu về lịch sử hình thành làng đảo Buôn Đôn, tìm hiểu lễ cưới theo phong tục của người dân tộc Lào, chương trình biểu diễn trang phục truyền thống của các dân tộc; xem giải đua thuyền kayak, trải nghiệm chèo thuyền kayak.

Anh Eden Juang, du khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết đến Buôn Đôn ngay dịp này, anh cảm thấy rất ấn tượng, thích thú và hấp dẫn. Đặc biệt, anh được chụp hình cùng voi, tương tác với voi, cho voi ăn và xem lễ cúng sức khỏe cho voi. Đây là những hoạt động rất ý nghĩa, nhắn nhủ thông điệp “cần bảo vệ voi, bảo vệ sức khỏe cho voi vì Việt Nam còn rất ít voi."

Theo bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, Trưởng Ban Tổ chức “Lễ hội tháng Ba Tây Nguyên-Buôn Đôn," chương trình lan tỏa các giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa đất và người Tây Nguyên.

Chương trình góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong quá trình hội nhập và phát triển; giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc cũng như kích cầu du lịch.

Có thể bạn quan tâm