Làng du lịch bên Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm cách Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chỉ khoảng 4 km, làng Vai Vêng (xã Ayun, huyện Mang Yang, Gia Lai) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Bahnar. Đây chính là điều kiện thuận lợi để UBND xã Ayun xây dựng đề án phát triển du lịch văn hóa vùng đệm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tại Vai Vêng.
 Ngôi nhà của bà Quyr dự kiến được sử dụng để phục vụ du khách có nhu cầu ở lại. Ảnh: P.L
Ngôi nhà của bà Quyr dự kiến được sử dụng để phục vụ du khách có nhu cầu ở lại. Ảnh: P.L
Làng Vai Vêng có 164 hộ với 734 khẩu, gần 100% dân số là người Bahnar. Hiện nay, dân làng Vai Vêng vẫn còn lưu giữ những lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cúng giọt nước... Các nghề đan gùi, dệt thổ cẩm cũng được duy trì. Các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: đàn goong, trưng, cồng chiêng... được người dân bảo quản và phát huy. Để phục vụ các nghi lễ, làng Vai Vêng thành lập đội cồng chiêng 30 người, đội múa 10 người. Tất cả cho thấy làng có đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Ông Hyư-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun-cho biết: “Trong tất cả các làng Bahnar trên địa bàn xã, Vai Vêng còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc nhất, lại nằm ở gần Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Với lợi thế đó, chúng tôi quyết định xây dựng Vai Vêng trở thành làng du lịch để du khách sau khi tham quan Vườn Quốc gia có thể kết hợp tìm hiểu phong tục, tập quán của người bản địa. Khi đó, cuộc sống của bà con sẽ được cải thiện nhờ có thêm việc làm và thu nhập. Bộ mặt nông thôn mới cũng sẽ ngày càng phát triển”.
Để xây dựng Vai Vêng trở thành làng du lịch cộng đồng giai đoạn 2018-2020, việc đầu tiên của chính quyền xã là tuyên truyền đến người dân về những lợi ích thiết thực khi xây dựng làng du lịch. Đồng thời, UBND xã đã vận động các ban ngành, đoàn thể cùng toàn thể nhân dân trồng cây xanh và con đường hoa; phục dựng nhà rông truyền thống, thay thế vật liệu sắt, tôn bằng tranh, tre, nứa; củng cố đội cồng chiêng, đội xoang, thường xuyên tập luyện để phục vụ du khách khi có nhu cầu; đầu tư tu sửa đường giao thông từ trung tâm xã đến trung tâm làng cũng như vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh...
Ủy ban nhân dân xã cũng chọn làm điểm 5 hộ gia đình còn sở hữu những căn nhà sàn truyền thống để tập huấn nhằm xây dựng mô hình nhà cộng đồng phục vụ khách du lịch có nhu cầu lưu trú. Mô hình bắt buộc phải đảm bảo đầy đủ nhu cầu sinh hoạt cần thiết như: bếp nấu bằng củi, bầu nước, giường chiếu, chăn màn… Bà Quyr-một trong 5 hộ  gia đình kể trên-chia sẻ: “Mình sẽ sửa sang lại căn nhà cho ngăn nắp, giống với người Bahnar xưa để phục vụ khách tham quan. Lúc đó, mình cũng sẽ giới thiệu với du khách những món ăn đặc trưng của người Bahnar như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè… Có du khách đến thăm làng, mọi người sẽ vui lắm đấy”.
 Đến với Vai Vêng, du khách còn được “mục sở thị” hoạt động dệt thổ cẩm, chế tác và trình diễn nhạc cụ của người dân, thậm chí được hướng dẫn và trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm. Ông Lê Hồng Trãi-cán bộ văn hóa xã Ayun-cho biết: “Khi biết mục đích phát triển làng du lịch, bà con đều đồng tình ủng hộ. Để những sản phẩm du lịch tạo được ấn tượng với du khách, chúng tôi đã vận động những nghệ nhân giỏi tiếp tục duy trì dệt thổ cẩm, tạc tượng. Đồng thời, tổ chức tập huấn, nâng cao ý thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng để phục dựng lại nhà rông, mục tiêu đến cuối năm 2018 phải hoàn thành”.
Nhà rông làng Vai Vêng sẽ được tu sửa bằng vật liệu tranh, nứa. Ảnh:P.L
Nhà rông làng Vai Vêng sẽ được tu sửa bằng vật liệu tranh, nứa. Ảnh: Phan Lài
Xây dựng Vai Vêng thành làng du lịch cộng đồng được kỳ vọng mang đến lợi ích kép, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn và phát huy được những nét văn hóa truyền thống của địa phương. “Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch trên địa bàn xã gồm 10 thành viên. Đồng thời đề xuất với lãnh đạo cấp trên xin hỗ trợ, đầu tư nâng cấp xây dựng đường vào trung tâm làng; xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm cho 5 hộ gia đình được chọn làm điểm lưu trú cho du khách; hỗ trợ cho nghệ nhân để phục dựng lại các lễ hội truyền thống đúng phong tục của người Bahnar. Ngoài ra, xã cũng đề xuất cử đoàn tham quan học hỏi mô hình phát triển du lịch ở các địa phương khác”-Phó Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết thêm.
Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Viên ngọc bên bờ Biển Đông

Vùng đất Bình Châu (Bình Sơn) được ví như viên ngọc bên bờ Biển Đông. Nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, mà còn sở hữu nhiều di sản lịch sử - văn hóa, địa chất, địa mạo độc đáo.

Khách tây 'mê' tết ta

Khách tây 'mê' tết ta

Không chỉ người Việt nôn nao, rất nhiều doanh nhân, du khách, sinh viên nước ngoài cũng bị quyến rũ bởi không khí tết cổ truyền của VN đang đến từng ngày.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.