Lãi suất giảm nhưng huy động vẫn tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều lần hạ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn giảm sâu là tín hiệu đáng mừng đối với doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế.

Điều này cũng đồng nghĩa lãi suất đầu vào của hàng hóa dịch vụ, sản xuất kinh doanh cũng được giảm theo. Nhưng ở một khía cạnh khác, việc giảm lãi suất huy động kéo theo khả năng thiệt hại cho người có số dư tiền gửi lớn nhưng lại có lợi cho người đi vay.

Theo Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, đến cuối tháng 7, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện huy động đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Cùng thời điểm, dư nợ cho nền kinh tế của các ngân hàng (NH) đạt 32.553 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm.

 

 

Còn không bao lâu nữa năm kế hoạch sẽ kết thúc và vì vậy con số nêu trên cho thấy, so với kế hoạch, cả tỷ lệ huy động và dư nợ đều không đạt (kế hoạch cả ngành đề ra trong năm 2013 đối với huy động là tăng 20% trở lên và dư nợ là 25-30%).

Trước tình hình khó khăn chung, các nhà băng cũng đã có những thay đổi quan trọng trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Tính ra từ cuối năm trước đến nay, các ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng giảm dần và lần điều chỉnh gần đây thì lãi suất này đã giảm rất sâu.

 

Ông Nguyễn Tuấn- Tổng thư ký Hiệp hội các DN tỉnh Gia Lai cho biết: cùng với sự phấn khởi của các DN đã thành lập và đi vào hoạt động trước đó có quan hệ với NH, việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã được điều chỉnh theo hướng giảm xuống, động thái này của các NH cũng có tác động rất lớn đến việc khơi thông thị trường, kích thích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế. Trong điều kiện khó khăn hiện nay thì sự khơi thông thị trường, nguồn lực để có thêm nhiều cơ sở, DN thành lập mới, đi vào hoạt động và hoạt động hiệu quả thì đó là điều rất đáng mừng. Gia Lai là tỉnh thiên về tiêu dùng nên mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ra của cải vật chất và cả kích thích tiêu dùng, khai thác phát triển dịch vụ cũng đều rất đáng quý.

Ông Nguyễn Đức Phương- Giám đốc Vietcombank Gia Lai (VCB Gia Lai) cho biết: Trong khi mặt bằng chung của thị trường duy trì ở mức 6,5-7%/ năm thì với lần giảm lãi suất huy động gần đây nhất với kỳ hạn tiền gửi 1 tháng của VCB và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai (Agribank Gia Lai) chỉ còn 5%/năm, giảm 1% so với mức trước đó. VCB, Agribank cũng đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về còn 5%/năm.

Mức lãi suất này cũng thấp hơn nhiều so với trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước áp dụng chung trên thị trường với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 7%/năm. VCB cũng đang duy trì lãi suất các kỳ hạn 2-9 tháng ở mức 6,5-7%/năm và lãi suất không kỳ hạn tối đa ở mức 1,2%/năm.

Thời gian trước đó, VCB liên tục dẫn đầu chính sách hạ lãi suất cả huy động và cho vay như trong tháng 5 đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng về còn 6%/năm-ông Phương cho biết thêm.

Còn với BIDV và Vietinbank thì đang áp dụng lãi suất kỳ hạn 1 tháng về còn-6,5%/ năm.

Ông Nguyễn Văn Cư- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho rằng, quyết định hạ trần lãi suất ngắn hạn của kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng về mức 7%/năm và chủ trương bỏ trần lãi suất huy động có kỳ hạn 6 tháng trở lên của Ngân hàng Nhà nước không ảnh hưởng gì đến hoạt động của thị trường tiền tệ, tất cả đều diễn ra bình thường. Chủ trương có thể cắt bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng trở lên trong thời gian tới có thể thực hiện được.

Ông Cư cũng thông tin: Hiện tại đang có sự chênh lệch giữa lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Các ngân hàng thương mại nhà nước hiện đang áp dụng lãi suất huy động không kỳ hạn ở mức từ 1 đến 1,2%/năm, kỳ hạn 1-dưới 6 tháng ở mức 5-6,8%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng vào khoảng 7%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng từ 7,5% đến 8%/năm.

Trong khi đó, ông Lý Anh Đào-Giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội-Chi nhánh Gia Lai cho biết: lãi suất các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn đang áp dụng có sự chênh lệch nhưng không đáng kể.

Với SHB Gia Lai, mức lãi suất huy động đối với tiền gửi không kỳ hạn là từ 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 6,5-7%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là khoảng 7%/năm và trên 12 tháng là khoảng 8,5-9%/năm.
Giảm lãi suất huy động đi liền với giảm lãi suất cho vay. Trên bình diện chung, điều này phù hợp với thực tế hiện nay của nền kinh tế, giảm đáng kể gánh nặng nợ nần cho doanh nghiệp.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.