(GLO)- Với con số 7,08% ấn tượng, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay được cho là cao nhất của kế hoạch 6 tháng kể từ năm 2011 lại đây. Kết quả này khẳng định tính hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ khi quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra các ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 nhằm đạt chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao. Mức tăng trưởng này cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy trong nửa năm còn lại.
Ảnh internet |
Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm trải đều trên cả 3 lĩnh vực. Trong đó, nông-lâm-thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; công nghiệp-xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%. Có thể thấy, nông-lâm-thủy sản vẫn là khu vực tăng trưởng cao nhất giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%; ngành Thủy sản tăng 6,41%. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Đáng lưu ý là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Chỉ riêng 2 doanh nghiệp Samsung và Formosa đã đóng góp 28% cho mức tăng trưởng công nghiệp chế biến-chế tạo.
Từ mức tăng trưởng cao gần 7,1% của 6 tháng đầu năm, các chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6,7%, thậm chí còn cao hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì thời gian còn lại, chúng ta phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng tăng trưởng 6,53% trong quý III và 6,36% trong quý IV. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng cho cả nền kinh tế như những gì mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định mới đây.
Nhìn lại công tác điều hành của Chính phủ từ năm 2017, nhất là khi chúng ta hoàn thành cơ bản 13 chỉ tiêu lớn của nền kinh tế và đạt mức tăng trưởng 6,7%, rồi mức tăng 7,08% của nửa đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách đã có đủ cơ sở để kỳ vọng vào mức tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra hồi đầu năm. Ngay các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng có những cái nhìn đầy lạc quan như vậy. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 hôm 14-6 vừa rồi, trong bài phát biểu của mình, ông Ousmane Dione-Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt 6,8%.
Cái lý để vị chuyên gia này đưa ra một lời nhận định mát lòng những người điều hành nền kinh tế đất nước là kinh tế Việt Nam đang có nhiều tiến triển. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục ghi nhận những con số tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế. Ông Ousmane Dione còn cho rằng, với đà này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những năm tới có thể vượt mức 7%.
Về phía các chuyên gia kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)-ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc, nhất là khi nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt là chỉ số thể hiện niềm tin kinh doanh trên thị trường gia tăng, số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhiều. Qua đó, chứng tỏ quá trình phục hồi nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực.
Sự kỳ vọng đó còn có cơ sở chắc chắn hơn khi chúng ta ghi nhận một thái độ hết sức mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển; mà trước hết là mạnh tay cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh cũng như số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó là nỗ lực thúc đẩy thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, với mong muốn tạo ra một không gian và động lực mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Nguyễn Vân