Kỳ lạ đất nước trên dãy Himalaya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm trên rìa phía Đông của dãy núi Himalaya là một trong những quốc gia 'xanh' nhất thế giới. Trong lúc mà nhiều quốc gia khác đang vật lộn với lượng khí thải carbon, Vương quốc Bhutan lại là quốc gia phi carbon: Đất nước này hấp thụ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn là mức mà nó phát ra bầu khí quyển.
 
Khung cảnh hiền hòa của Bhutan.
Nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đất nước Bhutan trải dài trên diện tích khoảng 38.331 km vuông - xấp xỉ diện tích bang Maryland của Mỹ. Diện tích rừng bao phủ xấp xỉ 70% diện tích của đất nước này và đóng vai trò như một bồn hút carbon, hấp thụ một lượng carbon dioxide khổng lồ.
Theo con số thống kê của Bhutan, đất nước có dân số 750.000 người này hấp thụ lượng khí thải CO2 gấp 3 lần so với lượng mà nó phát ra bầu khí quyển.
Khả năng hấp thụ carbon của Bhutan được tạo nên phần lớn là nhờ vào vạt rừng rộng lớn của đất nước này và thực tế là nó vẫn chưa phát triển - phần lớn người dân làm việc trong ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Mỗi năm, nền kinh tế Bhutan chỉ phát thải không quá 2,5 triệu tấn CO2. Trong khi đó, Luxembourg, một quốc gia có dân số nhỏ hơn Bhutan, lại phát thải gấp 4 lần.
Trên thế giới có nhiều nước được đánh giá là phi carbon và những nước này cũng chưa phát triển và có vạt rừng bao phủ trên diện tích rộng lớn. Nhưng ở Bhutan, có nhiều nhân tố khác giúp quốc gia này trở thành một ví dụ điển hình về sự thành công trong công tác bảo vệ môi trường.
Trong suốt 46 năm qua, Chính phủ Bhutan đã lựa chọn theo đuổi một con đường phát triển đất nước không dựa vào Tổng sản phẩm nội địa (GDP) và dựa vào “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH), trong đó đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên của nước nhà.
Mục tiêu của họ là cải thiện mức độ hạnh phúc của xã hội, cải thiện môi trường để khiến người dân cảm thấy khỏe khoắn hơn, từ đó cải thiện văn hóa và cả kinh tế. Khuôn mẫu này cho cả thế giới thấy một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về sự phát triển. Nó vừa cho thấy tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế, cùng lúc cho thấy tầm quan trọng của văn hóa và môi trường.
“Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới có Hiến pháp đặt trọng tâm vào việc bảo vệ vạt rừng rộng lớn của họ”- Juergen Nagler, quan chức phụ trách Chương trình Phát triển của LHQ ở Bhutan, cho hay.
 
Một kiến trúc Phật giáo. (Nguồn: Getty).
Công tác bảo vệ môi trường được Bhutan ghi vào Hiến pháp của đất nước, trong đó nêu rõ rằng rừng lúc nào cũng phải bao phủ ít nhất 60% diện tích của nước này. Vương quốc này thậm chí còn thông qua điều luật cấm xuất khẩu gỗ ra nước ngoài vào năm 1999.
Hiện tại, 72% đất nước Bhutan có rừng che phủ, quá nửa diện tích đất nước là khu vực rừng quốc gia được bảo hộ, là những khu bảo tồn tự nhiên và khu vực bảo vệ động vật hoang dã. Chính phủ cung cấp tài nguyên để những cộng đồng sống trong các khu tự nhiên này sống được tốt, vừa bảo vệ được rừng trong khi sống hài hòa với tự nhiên. Điều này cho phép chính quyền Bhutan ngăn được nạn săn bắn, khai khoáng và làm ô nhiễm rừng.
Thêm vào đó, phần lớn điện năng của Bhutan đến từ thủy điện. Trên thực tế, Bhutan sản xuất ra lượng điện năng lớn đến nỗi đủ để họ bán cho nhiều quốc gia láng giềng - giúp cho các nước này xóa bỏ 4,4 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm từ việc sản xuất điện năng. Bhutan còn tuyên bố rằng, đến năm 2025, họ sẽ tăng lượng điện xuất khẩu, giúp các nước trong khu vực giảm phát thải khoảng 22,4 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Bhutan tận dụng hệ thống sông ngòi có sẵn để tạo ra lượng điện lớn nhờ thủy điện, ngoài ra còn giúp trung hòa lượng carbon mà nước này thải ra. Họ cung cấp điện miễn phí cho nông dân canh tác tại những vùng nông thôn hẻo lánh, áp dụng chương trình Chính phủ không dùng giấy, những chương trình bảo vệ tài nguyên quốc gia như “Clean Bhutan” (Bhutan Sạch) và “Green Bhutan” (Bhutan Xanh).
Tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP) tổ chức ở Copenhagen, Đan Mạch năm 2009, và trước thềm COP21 tổ chức ở Paris, Pháp năm 2015, Bhutan đã đưa ra cam kết rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà nước này phát ra sẽ không bao giờ vượt qua lượng khí thải mà vạt rừng rộng lớn của nước này hấp thụ.
Mặc dù các con số dự báo cho thấy lượng khí thải mà Vương quốc Bhutan phát ra bầu khí quyển sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2040, nhưng đất nước này vẫn sẽ duy trì được vị thế một nước phi carbon nhờ vẫn duy trì được diện tích rừng bao phủ rộng lớn. Ông Nagler khẳng định rằng, việc duy trì vị thế đất nước phi carbon là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với người dân Bhutan, bởi họ có nhận thức rất cao về vấn đề môi trường và “trân trọng cuộc sống hài hòa giữa con người và môi trường tự nhiên”.
Vị quan chức này giải thích rằng Bhutan đang tiếp bước trên con đường phát triển xanh và phi carbon, trong đó Chính phủ đưa ra hàng loạt đề xuất nhằm giúp ngành nông nghiệp nước này 100% là hữu cơ vào năm 2020 và không có chất thải vào năm 2030. Bhutan thậm chí còn hạn chế số lượng du khách tới đất nước này bằng cách áp dụng khoản phí thường nhật 250 USD/người để đảm bảo rằng ngành du lịch không phá hoại môi trường.
Nhưng dù đang đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu, Bhutan vẫn chịu ít nhiều chịu ảnh hưởng từ những hiệu ứng tiêu cực của nó. Bhutan đưa ra nhiều báo cáo cho thấy rằng vạt rừng của họ đang chịu ảnh hưởng từ những trận mưa và lũ lụt thường xuyên, gây ra tình trạng sạt lở đất. Và trong tương lai, ngành thủy điện của nước này cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng sông băng tan chảy trên dãy Himalaya.
“Bhutan có lợi ích lớn trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu”- Matt Finch, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và khí hậu Anh, nhận định.
Vị chuyên gia này tin rằng các quốc gia khác trên thế giới có thể học hỏi Bhutan trong việc đặt trọng tâm vào bảo vệ môi trường. “Bhutan đã có thể trở thành một quốc gia kết nối hơn với các nước láng giềng, muốn công nghiệp hóa hơn, muốn phát triển kinh tế nhanh hơn...nhưng họ đã không làm vậy”- ông Finch nói - “Giới lãnh đạo của Bhutan đã quyết định rằng họ sẽ tiếp tục duy trì vị thế đất nước phi carbon...và họ gắn chặt với nhiệm vụ đó”.
Ông Nagler cũng mong muốn rằng Bhutan sẽ trở thành một ví dụ điển hình để các nước khác học tập. “Biến đối khí hậu là do con người gây ra - chúng ta đã gây ra những vấn đề đó, nhưng chúng ta cũng có thể đưa ra giải pháp”- ông Nagler nói - “Và giải pháp luôn sẵn có nếu chúng ta sẵn sàng thực hiện chúng. Ở Bhutan, sự sẵn lòng xuất phát từ sự thông thái và sự lãnh đạo sáng suốt”.
Khánh Duy (Đại Đoàn Kết)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.