Khởi nghiệp thành công từ "một bán - một tặng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hơn 10 năm trước, chàng doanh nhân trẻ Blacke Mycoskie khởi tạo thương hiệu giày “TOMS” với tuyên bố cứ mỗi đôi giày bán được, công ty anh sẽ dành tặng một đôi giày cho một trẻ em nghèo và đã thành công.

Cho tới nay, thương hiệu giày TOMS đã có doanh thu hàng năm khoảng 500 triệu USD với hơn 500 nhân viên, và cũng đã tặng 70 triệu đôi giày cho trẻ em nghèo.

Không những thế, nhà sáng lập hãng giày thậm chí còn khuếch trương cách làm “một bán - một tặng” này với một loạt sản phẩm khác sau này như kính mắt, cà phê và túi xách.

 

Doanh nhân Blacke Mycoskie - nhà sáng lập thương hiệu giày TOMS.
Doanh nhân Blacke Mycoskie - nhà sáng lập thương hiệu giày TOMS.

Hơn 10 năm trước, từ hai điều quan sát được trong một chuyến đi tới Argentina, chàng trai người Mỹ sinh năm 1976 này nghĩ tới việc mở công ty sản xuất giày mà hiện nay đã trở thành thương hiệu triệu USD.

Điều đầu tiên Blacke Mycoskie nhận thấy những đứa trẻ nghèo ở đó không có tiền mua giày nên một mặt chúng dễ bị nhiễm bệnh do điều kiện vệ sinh kém, mặt khác chúng không được đến trường vì trường học quy định tới lớp phải đi giày.

Thứ hai, anh cũng nhận thấy người dân ở xứ sở này gần như ai cũng đi giày, từ người nông dân cho tới những người đến quán cà phê đều mang một loại giày vải có tên là lpargata.

Tin rằng sẽ có một thị trường tiềm năng cho loại giày vải ở Mỹ, năm 2006 Mycoskie khởi tạo thương hiệu giày TOMS, viết tắt của cụm từ “Tomorrow’s Shoes” (Giày của tương lai) với thông điệp đi kèm: Mỗi đôi giày bán được, công ty anh sẽ dành tặng một đôi giày cho trẻ em nghèo.

Đây có thể xem là một trong những doanh nghiệp đầu tiên mở đường cho sự hình thành và nhân rộng sau này của mô hình doanh nghiệp xã hội.

Blacke Mycoskie dùng căn hộ của anh ở vùng Venice Beach thuộc thành phố Los Angeles làm trụ sở công ty, bắt tay chỉ với một đối tác kinh doanh lúc đó là anh Alejo Nitti. Đây là người giúp anh sản xuất những đôi giày đầu tiên, sử dụng các xưởng sản xuất giày nhỏ ở Argentina.

Tới cuối mùa hè đầu tiên trong năm đầu khởi nghiệp, Mycoskie bán được 10.000 đôi giày qua mạng và qua hệ thống cửa hàng ở Los Angeles, trong đó có chuỗi cửa hàng của American Rag.

Chia sẻ với tạp chí Fortune, Mycoskie cho biết vào thời điểm năm 2006 khi mới khởi nghiệp, anh chỉ nghĩ đó là một dự án vui. Nhưng rồi chỉ sau 10 năm hoạt động, anh nhận ra TOMS đã có thể sánh được với các thương hiệu lớn như Nike và Converse.

Anh lý giải về sự thành công: “Cái mà mọi người thích nhất là ý tưởng 'một cho một' của chúng tôi, họ mua một món đồ nào đó và cùng với việc này, họ có thể giúp đỡ người khác. Chúng tôi đã bán kính đeo mắt và giúp khoảng 500.000 người có thể nhìn thấy tốt hơn trở lại".

"Chúng tôi đã thành lập công ty cà phê và đã giúp hàng chục ngàn người có được nước sạch sử dụng. Và năm 2015 chúng tôi đã khai trương công ty túi xách, đồng thời trao tặng những bộ dụng cụ sinh nở an toàn cho những người phụ nữ sinh con tại nhà”.

Cũng theo nhà sáng lập thương hiệu giày TOMS, sự thành công của công ty anh còn bắt nguồn từ tính đơn giản của đôi giày, và sự đơn giản của thông điệp đi kèm sản phẩm.

Anh nói: “Một cho một - điều đó đơn giản hơn rất nhiều so với một thông điệp tiếp thị hay sứ mệnh xã hội. Đôi giày cũng đơn giản và cơ bản, không có dây buộc và cũng không có các nhân tố kỹ thuật đi kèm, nó có đế rất thấp và hoàn toàn tiện dụng. Sự đơn giản đó đôi khi tạo nên vẻ đẹp trong thiết kế và mau chóng trở thành một biểu tượng".

"Nó cũng nổi bật trên phố vì không có loại giày nào hoàn toàn giống nó. Thế là mọi người sẽ hỏi thăm về nó, và những người mua giày đều tự hào rằng họ đã giúp được ai đó khó khăn, và họ kể câu chuyện này. Thế rồi câu chuyện trở thành động lực khuyến khích những người khác lên mạng và tìm mua một đôi như vậy”.

Cũng theo Mycoskie, khi anh mới khởi nghiệp, chưa có ai thực hiện ý tưởng “một mua một tặng” như anh và không ít người đã nói anh và các cộng sự “không bình thường”.

Rất nhiều đồng nghiệp kinh doanh khi ấy bảo rằng TOMS sẽ không thể kiếm lời và chắc chắn khó tồn tại. Nhưng tới nay có hàng trăm doanh nghiệp đã và đang hoạt động theo phương thức đó.

Hơn 5 năm qua là khoảng thời gian chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể với thương hiệu TOMS. Năm 2014, hãng đầu tư Bain Capital mua lại 50% cổ phần của công ty với giá 625 triệu USD.

Với số tiền bán cổ phần này, Mycoskie tiếp tục lập ra quỹ doanh nhân xã hội chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp có khuynh hướng kinh doanh giống như TOMS khởi nghiệp.

Cho tới nay, quỹ này đã có hơn 15 khoản đầu tư vào các doanh nghiệp có những mục tiêu hoạt động vì cộng đồng.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.