Cụ thể, 3 tháng qua, có 113.000 lượt khách Campuchia đến Việt Nam, trong khi 3 tháng đầu năm 2019 chỉ có 34.000 lượt khách Campuchia nhập cảnh.
Đoàn khách Campuchia tham quan Phú Quốc. |
Đứng thứ hai về mức độ hồi phục là thị trường tiềm năng Ấn Độ với 304%, còn Indonesia đạt 188%, Đài Loan phục hồi 145%, Lào 125%, Singapore đạt 122%, Hàn Quốc 111%. Ở Châu Âu, Tây Ban Nha đạt mức 123%, Đức đạt 108%, Anh 102%. Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức hồi phục khi đạt 106%, Úc 122% so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng thị trường nhiều năm dẫn đầu của du lịch Việt Nam là khách Trung Quốc, 3 tháng đầu năm 2024, mức độ phục hồi mới đạt 69%, nhưng cũng cho thấy những tín hiệu khả quan so với mức 30% vào cuối năm ngoái.
Đáng chú ý, một số thị trường gần, truyền thống của du lịch Việt Nam lại có xu hướng sụt giảm khi số lượng không bằng cùng kỳ 2019. Chẳng hạn, khách Thái Lan chỉ đạt 95%, Nhật Bản 77% hay khách Malaysia không tăng, xa hơn thì khách Nga chỉ mới phục hồi 27%.
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông cho biết, khách Campuchia đến Việt Nam gồm ba đối tượng chủ yếu là buôn bán, khám bệnh và du lịch. "Trước đây, khách Campuchia du lịch Việt Nam phần đông đến Tây Ninh, tham quan núi Bà Đen, đông nhất vào ngày đầu tháng hay rằm. Tuy nhiên, kể từ sau dịch, khách Campuchia còn qua Hà Tiên khá nhiều, rồi từ đó họ đi tàu ra Phú Quốc. Đảo Ngọc hiện là điểm đến ưa thích của du khách Campuchia", ông Hải nói.
Mức độ hồi phục của các thị trường khách quốc tế của du lịch Việt Nam |
Ngoài ra, theo báo chí Campuchia, ngoài Phú Quốc, khách nước này còn cực kỳ yêu thích thành phố biển ở miền Trung - Đà Nẵng, phố cổ Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. Trong khi đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng đã triển khai nhiều chương trình quảng bá du lịch y tế để thu hút du khách Campuchia trong năm 2023...