(GLO)- Khảo sát, đánh giá thực trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục nhằm có những kế hoạch tuyên truyền cụ thể, phù hợp với tình hình an ninh trật tự tại các đơn vị, qua đó nâng cao hiệu quả công tác an ninh trường học là mục tiêu mà ngành Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới.
Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai gửi văn bản đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh yêu cầu rà soát và đánh giá thực trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trong học sinh từ năm 2011 đến 2017. Đến nay, tất cả các đơn vị trường học, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên trong tỉnh đã thống kê được những số liệu cụ thể.
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah) tham gia một buổi tuyên truyền về an ninh học đường. Ảnh: N.G |
Theo đó, từ năm 2011 đến 2017, toàn tỉnh Gia Lai có 924 vụ bạo lực học đường và vi phạm pháp luật trong học sinh (trong đó có 830 vụ gây rối, đánh nhau). Số vụ xảy ra trong trường học là 702. Năm 2011, toàn tỉnh xảy ra hơn 180 vụ-cao nhất trong vòng 7 năm qua, trong đó chủ yếu là gây rối, đánh nhau. Từ năm 2015 đến 2017, số vụ bạo lực học đường mới có chiều hướng giảm sâu về số lượng, từ 122 vụ (năm 2015) xuống còn 68 vụ (năm 2017).
“Đợt khảo sát này sẽ giúp chúng tôi nhìn nhận, đánh giá được hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục học sinh trong công tác phòng-chống bạo lực học đường. Sau khi có số liệu cụ thể, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phân tích tình hình an ninh trật tự tại địa phương để có kế hoạch phối hợp với Công an tuyên truyền nhằm kéo giảm số vụ bạo lực, vi phạm pháp luật trong học sinh. Trong đó, chú trọng công tác đổi mới tuyên truyền sao cho sinh động, thu hút học sinh tham gia và ghi nhớ các tình huống giả định để tự mình phòng tránh nạn bạo lực cả trong và ngoài trường học”-ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Cũng theo ông Long, sở dĩ việc đổi mới tuyên truyền về bạo lực học đường được chú trọng là bởi hiệu quả do nó mang lại, nhất là từ năm 2015 đến nay. “Các hình thức tuyên truyền đơn thuần như đọc các văn bản, quy định của pháp luật đã được thay thế bằng các buổi ngoại khóa sinh động. Các buổi chào cờ hay sinh hoạt Đoàn Thanh niên cũng được đổi mới bằng cách lồng ghép các tình huống bạo lực học đường, những câu hỏi đúng, sai về các quy định của pháp luật để học sinh trả lời, giúp các em ghi nhớ tốt hơn”-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm.
Là một trong những đơn vị thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền phòng-chống bạo lực học đường, vài năm gần đây tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah) rất hiếm khi xảy ra các vụ bạo lực học đường. Có được kết quả này là do nhà trường đã phối hợp với Công an huyện tổ chức nhiều buổi ngoại khóa theo hình thức đổi mới nhằm trang bị cho các em thêm kỹ năng tránh xa các tình huống nguy hiểm, tự bảo vệ bản thân. Em Nguyễn Việt Đức Chiến (lớp 11A2) nói: “Những buổi ngoại khóa về an ninh học đường gần đây của trường khiến em thích thú hơn khi được tham gia các tình huống giả định, trả lời những câu hỏi liên quan đến các vấn đề về sử dụng mạng xã hội, an toàn giao thông... do chính các cô chú Công an huyện đặt ra và giải đáp”.
Đánh giá về những thay đổi tích cực trong công tác tuyên truyền an ninh học đường tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Trung tá Nguyễn Duy Anh-Phó trưởng Công an huyện Chư Pah nói: “Sự thay đổi này đến từ Ban Giám hiệu nhà trường khi các thầy cô đã nhìn nhận đúng vấn đề để tuyên truyền có định hướng và có trọng tâm. Điều chúng tôi muốn lưu ý hiện nay là mặt trái của mạng xã hội. Nhiều vụ gây gổ đã xảy ra giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thanh niên bên ngoài xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội. Do đó, trang bị cho các em những kiến thức để tham gia mạng xã hội một cách lành mạnh và kỹ năng tránh xa các tình huống nguy hiểm là rất cần thiết. Bên cạnh việc tích cực phối hợp tuyên truyền, năm qua chúng tôi cũng đã tổ chức ký kết quy chế đảm bảo an ninh trường học với 3 trường thuộc khối THPT trên địa bàn huyện nhằm kéo giảm nạn bạo lực học đường”.
Nguyễn Giang