(GLO)- Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo huyện Kbang đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu huyện NTM vào năm 2020, Đảng bộ và chính quyền địa phương vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Nhìn lại một chặng đường
Ngày 13-12-2012, phong trào thi đua “Kbang chung sức, chung lòng xây dựng NTM” được phát động ở cấp huyện và sau đó triển khai đồng loạt đến 13/13 xã. Phong trào này không những tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn huyện mà còn giúp cho nhận thức về xây dựng NTM của đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân thay đổi một cách cơ bản.
Một góc huyện Kbang hôm nay. Ảnh: Hồng Thi |
Thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã thành lập 2 Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã nhằm duy trì sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho nhiệm vụ xây dựng NTM. Bên cạnh tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách của trung ương và tỉnh, huyện đã ban hành 130 văn bản chỉ đạo, điều hành; đồng thời đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tiến độ thực hiện giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020. Công tác đào tạo, tập huấn cũng được chú trọng với 12 lớp chuyên đề cho 613 lượt học viên là cán bộ ở các xã, thôn làng.
Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cho biết: Sau gần 5 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chương trình trên địa bàn trong 5 năm hơn 1.925 tỷ đồng. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân với phương châm phát huy tính tự chủ, tự giác. Điều đó được minh chứng bằng nhiều tấm gương điển hình tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; đặc biệt là nhiều hộ Bahnar đã biết tự sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược và bước đầu biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 22,67 triệu đồng (tăng 11,72 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 giảm còn 26% (bình quân giảm gần 4%/năm).
Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm xây dựng. Ảnh: Hồng Thi |
Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội khu vực nông thôn cũng được tiếp tục đầu tư, củng cố và nâng cấp. Đến nay, đường giao thông cơ bản được cứng hóa, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm xây dựng, góp phần tạo nên diện mạo mới ở nông thôn. Trong cơ cấu nông nghiệp, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 85% xuống còn 80% và tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi từ 15% lên 20%; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả. Hệ thống chính trị ở cơ sở từng bước được củng cố, vai trò lãnh đạo của các Đảng bộ, chi bộ được tăng cường. Đến nay, huyện có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Đak Hlơ), 1 xã đạt 15 tiêu chí, 6 xã đạt 10-13 tiêu chí, 5 xã đạt 7-9 tiêu chí.
Khó khăn và giải pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cũng thẳng thắn nêu lên một số khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng NTM ở địa phương. Cụ thể: công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa làm quyết liệt, thường xuyên nên một số bộ phận cán bộ cũng như nhân dân chưa có ý thức tốt, dẫn đến sự vào cuộc chưa cao; nguồn lực thực hiện chương trình còn hạn chế, vốn huy động từ doanh nghiệp cho chương trình còn rất khiêm tốn; một số nơi chưa thật sự coi trọng việc phát triển mô hình sản xuất, công tác nhân rộng mô hình còn chậm; đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm…
Nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thi |
Báo cáo với đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Kbang còn chia sẻ rằng, để đạt được mục tiêu huyện NTM, Kbang vẫn còn gặp khó ở 2 tiêu chí giảm nghèo và thu nhập bình quân đầu người. Bởi lẽ, điểm xuất phát về kinh tế-xã hội của huyện vốn thấp, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chiếm đến 85%, thậm chí một số xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn, nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và của toàn xã hội; đồng thời thực hiện tốt phương châm phát huy vai trò chủ thể và dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư. Mọi công việc cụ thể phải do chính cộng đồng dân cư ở thôn làng, xã bàn bạc và phát huy dân chủ để họ quyết định và tổ chức thực hiện.
Cánh đồng mía mẫu lớn là một trong những thành công trong trồng trọt ở Kbang. Ảnh: Hồng Thi |
“Huyện sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch, đề án, kế hoạch từng năm và có bước đi hợp lý cho từng mục tiêu, không chờ đợi hay ỷ lại ngân sách cấp trên. Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động, tình hình, tiến độ triển khai thực hiện chương trình NTM ở từng làng, từng xã và có quy chế giao trách nhiệm nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành cũng như các đồng chí trong Ban Thường vụ”- ông Đạt nói.
Vì vậy, trong 5 năm tới, Đảng bộ huyện cũng đặt ra quyết tâm hết sức lớn để hoàn thành mục tiêu đưa Kbang trở thành huyện NTM vào năm 2020.
Hồng Thi