(GLO)- Đối với các em học sinh ở huyện nghèo như Ia Pa, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thì việc học con chữ không chỉ để có thêm tri thức mà còn mang trong đó bao hoài bão, ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, bớt nghèo khó hơn. Nhưng, với thực trạng chung hiện nay là “thừa thầy thiếu thợ”, các em sinh viên sau khi ra trường không có việc làm đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh lao đao vì các khoản nợ đã vay đầu tư cho con ăn học trước đó.
Sinh viên tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng loại ưu Nay H’Bim về làm nông. Ảnh: Như Loan |
2 năm trước, em Nay H’Bim, thôn Bôn Chư Ma, xã Ia Trok tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, số điểm trung bình toàn khóa trên 8.0 chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Mặc dù, với thành tích học tập khá xuất sắc nhưng từ khi ra trường đến nay sau nhiều lần lặn lội ngược xuôi nộp hồ sơ H’Bim vẫn chưa thể tìm được cho mình một công việc theo đúng chuyên ngành học. Ngược thành phố trở về bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, dừng công việc đồng áng gạt đi những giọt mồ hôi trên mặt em H’Bim chia sẻ: “Đối với em vấn đề này không chỉ mỗi mình em mà còn rất nhiều bạn sinh viên khác phải khổ, như em đây nhà thì đông anh em có tới 8 người con mà bố mẹ em đều làm nông cả, để nuôi được 8 người con thì ai như hoàn cảnh của bố mẹ em mới biết được là khổ như thế nào, ngoài việc lo cho em ăn học thì mẹ em cũng phải lo tiền chạy chữa cho anh em bị tâm thần. Nghĩ rằng khi ra trường rồi thì em sẽ có công ăn việc làm cố gắng phụ giúp một phần nào đó cho bố mẹ, rồi trả bớt tiền sinh viên nợ ngân hàng nữa nhưng 2 năm rồi từ ngày em ra trường năm 2015 đến giờ mỗi lần em đi xin việc đều nhận được những cái lắc đầu chắc là không có chỉ tiêu nên em đành cầm hồ sơ về”.
Gia đình đông anh em, cả 9 miệng ăn đều trông chờ vào 5 sào lúa, với mức thu nhập ít ỏi, lo lắng về cuộc sống sắp tới, bà Nay H’Đoai-mẹ của H’Bim tâm sự: Để đầu tư cho con trong suốt 4 năm đại học, gia đình bà đã bỏ ra hơn 150 triệu đồng, trong đó vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện 24 triệu đồng. Nhưng sau khi con ra trường không có việc làm ổn định cuộc sống gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn. Với bà bây giờ chỉ mong hàng tháng có tiền trả lãi cho ngân hàng và các khoản nợ ngoài đã là may lắm rồi.
Câu chuyện của em Ksor H’Rina-thôn Ama H’Đá, xã Chư Mố cũng thực sự rất buồn. Tốt nghiệp cấp 3, cũng như bao cô gái trong làng muốn thoát nghèo nhờ con chữ, H’Rina quyết tâm thi đỗ vào ngành Sư phạm Địa-Sử Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Nhưng sau 2 năm cầm tấm bằng xin việc khắp nơi không được, em đã quyết định ở nhà và xin vào phụ việc cho một quán ăn để kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả các khoản nợ đã mượn trong suốt thời gian đi học. Em H’Rina tâm sự: “Gia đình em nằm trong hộ cận nghèo em đi học mà giờ không xin được việc. Nói chung trong thời gian học em cũng phấn đấu học, trong 3 năm học em cũng vay vốn sinh viên để ăn học cho tới nơi tới chốn xong giờ ra trường thì không xin được việc. Trong thời gian học ông bà già em cũng vay chỗ này chỗ kia nhiều mà tới giờ cũng không trả được”.
Ông Nay Tiêu-cha của em H’Rina buồn bã cho biết: Trong suốt mấy năm qua, có bao nhiêu tiền phụ cấp của Nhà nước cho thương binh hạng nhất ông đều dồn hết cho con đi học, rồi vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội huyện 23 triệu đồng và vay các thương lái bên ngoài. Nay con thất nghiệp, cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn, lo bữa ăn hàng ngày đã khó giờ gánh thêm những món nợ lại càng túng thiếu hơn.
Ksor H’Rina phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. Ảnh: Như Loan |
Nói về tình trạng thất nghiệp của các em sinh viên trong thôn sau khi ra trường, ông Ksor Nuy-Trưởng thôn Ama H’Đá, xã Chư Mố cho biết: “Ở trong thôn có rất nhiều em sinh viên ra trường không có việc làm phải quay về làm ruộng, bà con mình thấy vậy cũng không muốn cho con đi học nữa. Nhưng tôi luôn vận động bà con cho con em đi học để biết con chữ và có thêm kiến thức cho cuộc sống sau này”.
Những món nợ lớn đối với các gia đình thuộc diện hộ nghèo, bà con đồng bào dân tộc thiểu số dường như đang thắt chặt tương lai của họ. Theo ông Nguyễn Văn Diệu-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa, chính sách vay vốn tín dụng học sinh sinh viên được Chính phủ quy định mang ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, thực hiện chính sách này thời gian qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giải ngân hơn 4,3 tỷ đồng cho học sinh sinh viên vay vốn tín dụng. Với sự hỗ trợ của Nhà nước chính sách này đã tạo điều kiện tối đa cho sinh viên đi học, thời gian trả nợ dài theo phân kỳ và lãi suất thấp. Ví dụ một sinh viên đi học đại học 5 năm, thời hạn cho vay tối đa là 11 năm, nếu hết thời hạn mà gia đình vẫn gặp khó khăn thì lại được gia hạn thêm một thời gian nữa. Mặc dù thời gian gia hạn khá dài như vậy, nhưng đến nay trên địa bàn huyện Ia Pa vẫn còn nhiều trường hợp gia đình sinh viên khó khăn phải xin thêm thời gian gia hạn nợ.
Ông Nguyễn Văn Diệu nói: “Trong thời gian qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cũng đã tạo mọi điều kiện để sinh viên và hộ gia đình có sinh viên đi học đúng đối tượng được vay vốn, không có một sinh viên nào phải nghỉ học do thiếu tiền nộp trong trường hợp họ gặp khó khăn. Còn cái quá trình chấp hành trong vấn đề vay vốn và trả nợ thì trong thời gian qua hầu hết những hộ vay thông qua hộ gia đình để sinh viên đi học thì họ vẫn chấp hành, bên cạnh đó vẫn có nhiều trường hợp gặp khó khăn thì ngân hàng vẫn tạo mọi điều kiện, giải pháp là kéo dài thời gian để hộ vay có phương án trả nợ”.
Tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hiện nay đang là vấn đề lo ngại của không chỉ huyện Ia Pa mà còn của tất cả các địa phương khác trên cả nước. Không có định hướng khi đào tạo, hàng ngàn kỹ sư, cử nhân ra trường thất nghiệp đã gây lãng phí chất xám, công sức đào tạo của nhà nước cũng như tiền bạc của người dân. Điều đáng nói, hệ lụy này còn khiến cho nhiều hộ gia đình nghèo lâm vào hoàn cảnh lao đao, nợ nần chồng chất sau khi đầu tư cho con em đi học.
Như Loan