(GLO)- Lời Tòa soạn: Những năm qua, huyện Ia Grai đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông DƯƠNG MAH TIỆP-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về vấn đề này.
Ông Dương Mah Tiệp. Ảnh: T.N |
- P.V: Ông có thể điểm lại những kết quả tiêu biểu trong chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện thời gian qua?
Ông DƯƠNG MAH TIỆP: Huyện ủy Ia Grai đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng NTM. Đồng thời, UBND huyện xây dựng đề án tổng thể về xây dựng NTM trên địa bàn huyện đến năm 2020, cùng kế hoạch cụ thể hàng năm để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Qua 7 năm triển khai, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn, chương trình đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Những năm qua, huyện đã quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển đúng định hướng. Trong giai đoạn 2011-2017, huyện đã triển khai 49 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cùng các dự án hỗ trợ sản xuất với tổng kinh phí hơn 46,5 tỷ đồng. Qua đó, huyện đã hỗ trợ cho hơn 11 ngàn lượt hộ nghèo và hộ khó khăn phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29 triệu đồng.
Đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: T.N |
Từ nguồn vốn lồng ghép hơn 355 tỷ đồng của các chương trình, dự án, huyện đã ưu tiên đầu tư những công trình cấp thiết. Toàn huyện đã xây dựng mới và sửa chữa hơn 180 km đường giao thông, 30 công trình thủy lợi, 9 trạm y tế xã, 79 công trình trường học, 59 nhà văn hóa thôn, làng. Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển. Đến nay, toàn huyện có 3/12 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ia Sao, Ia Yok và Ia Hrung (đạt 50% chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra).
- P.V: Theo ông, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện gặp những khó khăn, vướng mắc nào?
Ông DƯƠNG MAH TIỆP: Nền kinh tế của huyện phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng thời gian qua, giá cả nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh. Đây là khó khăn lớn, ảnh hưởng đến đời sống nông dân, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ít có điều kiện đóng góp tham gia xây dựng NTM; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế và năng lực đầu tư còn yếu. Bên cạnh đó, một số đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn cũng còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chung tay xây dựng NTM. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số do hạn chế về trình độ dân trí, điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất nên chưa phát huy đầy đủ vai trò của người dân trong xây dựng NTM.
Mặt khác, những khó khăn khách quan như bộ tiêu chí thay đổi, bổ sung nhiều nội dung mới, các tiêu chí đều có yêu cầu cao hơn so với bộ tiêu chí cũ đã tạo ra những áp lực nhất định trong việc tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện ở cơ sở. Việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng xã NTM ở nhiều nơi gặp khó khăn về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới quy hoạch...
Bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.N |
- P.V: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào trong lãnh đạo thực hiện xây dựng NTM, thưa ông?
Ông DƯƠNG MAH TIỆP: Toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, lấy kết quả xây dựng NTM làm một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng hoạt động và thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu các cấp. Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục phân công cấp ủy viên phụ trách, theo dõi việc tổ chức thực hiện ở từng xã, kiểm tra giám sát từng đơn vị, ban, ngành, địa bàn, phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện.
Huyện cũng sẽ tổ chức rà soát, bổ sung và công bố quy hoạch xây dựng NTM để người dân biết và tham gia thực hiện, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa việc huy động và lồng ghép các nguồn lực, ngân sách huyện và xã, nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án được triển khai trên địa bàn; kêu gọi sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn và của nhân dân tham gia xây dựng NTM. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng nông thôn, bảo vệ và sử dụng hiệu quả các công trình.
Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Đồng thời, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh trật tự ở nông thôn. Phát động và duy trì phong trào toàn dân thực hiện vệ sinh môi trường, tạo bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp, văn minh. Tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, cơ chế chính sách, những cách làm hay và mô hình tốt để nhân rộng trên địa bàn.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Thanh Nhật (thực hiện)