Ia Grai nỗ lực phòng-chống các bệnh truyền nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của một số bệnh truyền nhiễm ở người như: Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết (SXH), sốt Chikungunya, tay chân miệng, thủy đậu… ngành Y tế huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm soát, khống chế nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Tập trung dập dịch bạch hầu, SXH
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Ia Grai, từ đầu năm 2020 đến nay, huyện ghi nhận 5 trường hợp mắc bạch hầu, 18 trường hợp mắc thủy đậu, 35 trường hợp mắc SXH.
Trước tình hình đó, ngành Y tế huyện đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, nhất là bệnh bạch hầu. Bác sĩ Rơ Châm Byih-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia O-cho hay: “Sau khi ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên vào ngày 7-7, Trạm tham mưu UBND xã triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh. Bên cạnh việc giám sát dịch tễ, tổ chức tuyên truyền, Trạm đã tiêm vắc xin đợt 1 và đang chuẩn bị tiêm vắc xin đợt 2 cho hơn 10 ngàn dân trong xã”.
Còn ông Nguyễn Như Quyền-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế huyện) thì cho biết: Ngành Y tế huyện đã tổ chức khám sàng lọc tại các địa phương có người mắc bệnh bạch hầu nhằm kịp thời phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm mới để cách ly, chữa trị sớm. Đến nay, Trung tâm đã tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho gần 32 ngàn người dân ở 5 xã, thị trấn. Trung tâm Y tế cũng tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo các xã chưa có trường hợp nhiễm bạch hầu triển khai các hoạt động phòng ngừa. Lãnh đạo huyện cũng thường xuyên có mặt tại các địa phương có người mắc bạch hầu để chỉ đạo, đôn đốc triển khai hoạt động phòng-chống dịch.
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tạ xã Ia O. Ảnh: Hoành Sơn
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tại xã Ia O. Ảnh: Hoành Sơn
Theo ông Quyền, bên cạnh việc tập trung khống chế, kiểm soát bệnh bạch hầu, ngành Y tế cũng đẩy mạnh các hoạt động phòng-chống một số bệnh truyền nhiễm khác như: SXH, thủy đậu, tay chân miệng.
“Tính đến nay, số người mắc SXH ở huyện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, thời điểm này, bệnh SXH thường diễn biến phức tạp. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn đều đã tổ chức dọn vệ sinh môi trường đợt 1 để diệt trừ lăng quăng/bọ gậy và đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tự dọn vệ sinh môi trường, ngủ màn để phòng-tránh SXH. Trước thềm năm học mới, các trường học trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, lau rửa bàn ghế, đồ chơi bằng nước sát khuẩn để phòng các bệnh thường mắc ở trẻ như tay chân miệng, thủy đậu”-ông Quyền thông tin thêm.
Phòng ngừa dịch Covid-19 và sốt Chikungunya
Thời gian qua, huyện biên giới Ia Grai cũng quyết liệt triển khai các hoạt động phòng-chống dịch Covid-19 và sốt Chikungunya. Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới thì tại một số tỉnh biên giới của Campuchia tiếp giáp với Việt Nam ghi nhận trên 1.000 lượt người bị sốt Chikungunya. Đây là bệnh do vi rút Chikungunya gây ra, lây truyền từ người sang người thông qua muỗi Aedes. Bệnh này tương đồng với SXH và thường bùng phát thành dịch lớn, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc đặc trị.
Bên cạnh việc điều tra, giám sát, cách ly công dân trở về từ vùng có dịch Covid-19 và tuyên truyền người dân dùng nước sát khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm, huyện đã xây dựng các phương án phòng-chống dịch bệnh. Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Huyện có 1 khu cách ly tập trung với năng lực chứa khoảng 100 người; đã tổ chức diễn tập đón tiếp công dân hoặc trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Huyện cũng đã trích kinh phí mua hàng hóa, nhu yếu phẩm dự trữ trong khu cách ly tập trung.
“Đối với công dân trở về huyện từ vùng có dịch Covid-19, chúng tôi vận động và đưa xuống các khu cách ly của tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi có văn bản chỉ đạo các địa phương theo dõi sát sao tình hình và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng-chống, không được chủ quan, lơ là”-ông Đông cho biết.
Phun hóa chất tại chốt kiểm soát bệnh bạch hầu xã Ia Hrung (huyện Ia Grai). Ảnh: Hoành Sơn
Phun hóa chất tại chốt kiểm soát bệnh bạch hầu xã Ia Hrung (huyện Ia Grai). Ảnh: Hoành Sơn
Huyện Ia Grai có 2 xã biên giới tiếp giáp với Campuchia. Dù các xã biên giới của Campuchia giáp ranh với huyện Ia Grai chưa ghi nhận trường hợp sốt Chikungunya nhưng việc phòng ngừa bệnh xâm nhập, lây lan là điều rất cần thiết. Ngày 31-8-2020, UBND huyện có văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành, đoàn thể cùng phối hợp với các đơn vị quân đội khẩn trương triển khai các biện pháp phòng-chống sự xâm nhập, lây lan của bệnh sốt Chikungunya.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư y tế để sẵn sàng chống dịch Chikungunya; hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh môi trường ngăn ngừa các loại muỗi sinh sản; đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân biết những mối nguy hại từ bệnh sốt này và các bệnh truyền nhiễm ở người khác để có biện pháp phòng tránh. Ủy ban nhân dân huyện cũng chỉ đạo 2 xã biên giới là Ia O và Ia Chía phối hợp với các đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ người dân qua lại tại các đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới. Mới đây, chúng tôi tổ chức kiểm tra công tác phòng-chống bệnh truyền nhiễm ở người tại một số xã. Qua kiểm tra, đã nhắc nhở, đôn đốc địa phương cần chú trọng hơn nữa công tác phòng-chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân; tránh tình trạng coi việc phòng-chống dịch bệnh chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế”.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm